02/08/2009 - 10:32

Sức hấp dẫn của xe đạp!

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đức Wolfgang Tiedensee thường đạp xe đến công sở. 

Mỗi sáng, luật sư Peter Kupisz đều đạp xe đến văn phòng, hòa cùng đám đông 500.000 người cưỡi “ngựa sắt” trên các đại lộ và đường dành riêng cho xe đạp ở Berlin. Chưa bao giờ, việc đi lại bằng xe đạp lại phổ biến tại thủ đô của Đức như hiện nay - ước tính 13% cư dân Berlin đang sử dụng “xế điếc” làm phương tiện đến công sở. Vì sao dân Berlin nói riêng và dân Đức nói chung vốn nổi tiếng “mê ô-tô” lại chuyển “tông” sang xe đạp?

Theo Hiệp hội Đi xe đạp thuộc Liên đoàn vận động viên xe đạp Đức (ADFC) tại Berlin, tình trạng tàu điện ngầm xuống cấp - hàng trăm toa tàu phải nằm xưởng bảo trì hằng tháng trời - và làn sóng đình công của công nhân đường sắt hồi đầu năm nay đã thu hút thêm hàng nghìn người “kết bạn” với xe đạp. Giá xăng dầu “nhảy múa” năm 2008 là nguyên nhân khiến nhiều người ở Berlin nhận ra rằng “đi xe đạp cũng khá tốt”. Thậm chí khi xăng dầu xuống giá, nhiều người vẫn không quay lại “xế hộp”. Ngoài ra, mốt đi xe đạp còn bắt nguồn từ thực trạng ùn tắc giao thông xảy ra như “cơm bữa” ở các thành phố lớn của Đức. “Khi dính vào cảnh kẹt xe và nhìn thấy người đi xe đạp cơ động hơn nhiều, nhiều người bắt đầu cân nhắc việc ngồi trong ô-tô” - Sarah Stark, chủ tịch Hiệp hội đi xe đạp Berlin, dẫn chứng.

Tuy Berlin chưa thể sánh với các “thiên đường xe đạp” ở châu Âu như Amsterdam (Hà Lan) và Copenhagen (Đan Mạch) nhưng số người đi làm bằng xe đạp ở thành phố này đã tăng gấp đôi trong vòng 1 thập niên qua và dự kiến sẽ đạt mức tăng tương tự trong thập kỷ tới. Theo Bộ Giao thông Vận tải Đức, ước tính khoảng 4 triệu lao động ở nước này đi làm bằng “xế điếc” và gần 10% dân số cả nước đang dùng xe đạp. Tỷ lệ này vẫn thua xa mức 27% ở Hà Lan và 18% ở Đan Mạch. Với số người đi xe đạp ở Đức tăng mạnh trong 3 năm qua (thêm 2 triệu người), ADFC ước tính số người đi làm bằng xe đạp tại quốc gia 82 triệu dân này sẽ tăng lên 11 triệu vào năm 2020. “Lượng người đi làm bằng xe đạp tăng lên hằng tháng. Chúng tôi để ý thấy nhiều người chuyển sang “ngựa sắt” mỗi khi giá dầu tăng cao hoặc ngành đường sắt xảy ra đình công” - Sarah cho biết. Tuy nhà cách công sở đến 11 km nhưng hằng ngày bà vẫn đạp xe đi làm.

Không chỉ thường dân mà cả giới chính trị gia, doanh nhân, nhà báo ở Đức cũng đến sở làm bằng xe đạp. Mùa đi xe đạp của những người làm việc trong khu vực tòa nhà chính phủ ở Berlin thường tập trung từ tháng 4 đến tháng 10. Nhưng ngày càng nhiều quan chức vẫn song hành cùng xe đạp vào những tháng mùa đông lạnh giá. Bộ trưởng Giao thông Vận tải Wolfgang Tiedensee, Thứ trưởng Bộ Tài chính Joerg Asmussen và Giám đốc điều hành phòng Công nghiệp & Thương mại Martin Wensleben thường cưỡi “ngựa sắt” trên những đại lộ rộng thênh thang thân thiện xe đạp ở Berlin.

Sản xuất xe đạp hiện là ngành công nghiệp lớn ở Đức với doanh số hằng năm lên tới 5,2 tỉ euro. Ngành này hiện sử dụng khoảng 9.000 nhân công.

Mỗi năm, Berlin chi khoảng 3 triệu euro để nâng cấp 600 km đường và các làn xe dành cho xe đạp trong toàn thành. “Chúng tôi luôn tìm cách cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông xe đạp để “xế điếc” trở nên hấp dẫn hơn”, Thượng nghị sĩ Harald Wolf ở Berlin cho biết. Theo ông, đi lại bằng xe đạp trong những thành phố như Berlin có rất nhiều cái lợi. “Trước hết, đó là phương tiện vận tải không hao tiền. Thứ hai, nó có tác động tích cực cho môi trường vì xe đạp không phát thải khí CO2. Nhưng trên hết đi xe đạp rất có lợi cho sức khỏe và ở những đô thị giao thông đông đúc như Berlin, đi xe đạp nhiều khi nhanh gấp 2 lần ô tô”.

QUỐC CHÂU (Theo Reuters)

QUỐC CHÂU (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết