26/10/2010 - 08:30

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII

Sửa đổi các luật về bầu cử trong điều kiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại một số địa phương

* Cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp

Sáng 25-10, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; dự thảo Nghị quyết về chính sách thuế sử dụng đất nông nghiệp; dự án Luật Phòng, chống mua bán người và dự án Luật Khiếu nại.

Nội dung cơ bản trong quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân là tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề thật sự cấp bách nhằm góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn sắp tới khi tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong cùng một ngày và trong điều kiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường tại một số địa phương. Đáng chú ý, Dự thảo Luật sửa đổi quy định về Hội đồng bầu cử ở Trung ương theo hướng bên cạnh một số nhiệm vụ, quyền hạn riêng đối với bầu cử đại biểu Quốc hội thì Hội đồng bầu cử ở Trung ương còn có các nhiệm vụ, quyền hạn chung đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân. Ngoài ra, dự thảo luật còn sửa đổi về một số nội dung như: số lượng cử tri tại mỗi khu vực bỏ phiếu và quy định khu vực bỏ phiếu; số người ứng cử ở mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội ; mẫu thẻ cử tri, phiếu bầu...

Việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm thể chế hóa chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc tạo động lực tích lũy vốn của hộ nông dân, tăng đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao đời sống của người dân ở khu vực nông thôn. Theo dự thảo, đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp là các hộ gia đình, cá nhân nông dân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp; hộ gia đình, cá nhân là xã viên Hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nhận đất giao khoán ổn định của doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất nông nghiệp... Chính phủ đề nghị thực hiện miễn, giảm thuế trong 10 năm từ năm thuế 2011 đến hết năm thuế 2020.

Việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, có hiệu lực pháp lý cao, trong đó quy định một cách tập trung, thống nhất những vấn đề có tính nguyên tắc, định hướng cho công tác phòng, chống mua bán người có ý nghĩa chính trị lớn cả về đối nội cũng như đối ngoại, thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước ta trong cuộc chiến chống tội phạm mua bán người. Đồng thời, đây cũng là một bước chuẩn bị quan trọng cho việc nước ta phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (TOC) và Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị hành vi buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Dự thảo Luật xác định các nguyên tắc phòng, chống mua bán người, trong đó nguyên tắc đầu tiên được khẳng định là “Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người, hành vi có liên quan đến mua bán người và hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người, lấy phòng ngừa là chính”...

Trên cơ sở nội dung của Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành, Chính phủ tổ chức xây dựng thành hai đạo luật: Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, nhằm góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Dự án Luật Khiếu nại đã được trình UBTVQH tại phiên họp thứ 33, qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật. Một số ý kiến khác đề nghị cần phải mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật. Theo đó, không chỉ giới hạn việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà cần điều chỉnh cả việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của các cơ quan, tổ chức (không phải là cơ quan hành chính nhà nước) thuộc mọi lĩnh vực (trừ lĩnh vực tố tụng). Một số ý kiến khác đề nghị cần nghiên cứu để quy định trong Luật này việc giải quyết khiếu nại đông người, vì đây là một thực tế không thể né tránh, khi vụ việc xảy ra các cơ quan nhà nước vẫn phải có trách nhiệm giải quyết...

* Chiều 25-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Các đại biểu có cùng quan điểm cho rằng để việc tổ chức thực hiện cuộc bầu cử chung Quốc hội và Hội đồng nhân dân (HĐND) trong cùng một ngày có tính khả thi, bảo đảm thuận lợi, tiết kiệm cần phải có sự thống nhất về một số quy định giữa Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND. Nhiều ý kiến nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật, theo đó chỉ tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các vấn đề thật sự cấp bách nhằm tháo gỡ những vướng mắc khi thực hiện bầu cử chung đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân trong cùng một ngày; không đặt vấn đề sửa đổi cơ bản Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Về bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân tại các địa phương thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường nhiều ý kiến tán thành với Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Hiện nay, chúng ta đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường ở 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chính phủ đang tiến hành tổng kết việc thực hiện thí điểm và sẽ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, trình Quốc hội xem xét, quyết định về vấn đề này vào kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII.

Cũng trong buổi chiều nay, các đại biểu thảo luận cho ý kiến vào Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Các ý kiến thảo luận tán thành việc cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp nhằm thể chế hóa chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc tạo động lực tích lũy vốn, tăng đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp và nâng cao đời sống của người dân khu vực nông thôn theo tinh thần Nghị quyết số 26/NQ/TW ngày 5-8-2008 Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông thôn. Các ý kiến thống nhất cho rằng để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn, khuyến khích đầu tư, giảm nhẹ khó khăn, nâng cao đời sống nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, giữ vững an ninh lương thực quốc gia, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền... thì việc đề nghị Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết này là cần thiết.

Nhiều đại biểu đề nghị miễn toàn bộ (100%) số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp đối với mọi đối tượng sử dụng đất nông nghiệp đúng mục đích vì cho rằng việc miễn toàn bộ số thuế phải nộp sẽ tạo tâm lý đồng thuận trong nhân dân, góp phần khuyến khích nông dân yên tâm sản xuất, tạo động lực mạnh mẽ để thực hiện chính sách “tam nông”.

Về thời hạn miễn, giảm thuế, đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) đề nghị miễn, giảm thuế trong 5 năm (2011-2015) sau đó tổng kết để sửa đổi toàn diện Luật thuế sử dụng đất nông nghiệp. Các đại biểu Nguyễn Thị Khá, Dương Kim Anh (Trà Vinh) đề xuất miễn, giảm thuế trong 10 năm (2011-2020). Các ý kiến cho rằng việc Quốc hội cho miễn, giảm thuế trong 10 năm có ý nghĩa chính trị to lớn động viên nông dân yên tâm sản xuất và thể hiện chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đồng thời phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, chu kỳ sản xuất nông nghiệp đặc biệt đối với cây lâu năm...

QUANG VŨ - QUỲNH HOA (TTXVN)

Chia sẻ bài viết