12/02/2025 - 22:07

Sứ mạng “né” chiến tranh thương mại của ông Modi 

Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi ngày 12-2 đã bắt đầu chuyến công du Mỹ kéo dài 2 ngày. Chuyến thăm này được cho là sứ mạng giúp Ấn Ðộ “né” cuộc chiến thương mại gây tổn thất không mong muốn với chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Thủ tướng Ấn Độ Modi (phải) trong cuộc gặp với Tổng thống Trump tại thủ đô New Delhi hồi năm 2020. Ảnh: Reuters

“Chuyến thăm sẽ là cơ hội để phát huy những thành công trong quá trình hợp tác của chúng ta trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump” - Thủ tướng Modi trong một tuyên bố hôm 10-2 cho biết. Nhà lãnh đạo quốc gia đông dân nhất thế giới nói thêm rằng công nghệ, thương mại, quốc phòng, năng lượng và chuỗi cung ứng là những lĩnh vực mà hai bên có thể phát triển hơn nữa.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ấn Ðộ Vikram Misri cho rằng chuyến thăm phù hợp với cam kết vững chắc của New Delhi đối với chính quyền mới ở Mỹ. “Mỹ là một trong những quan hệ đối tác quốc tế mạnh mẽ nhất của chúng tôi trong những năm gần đây” - ông Misri nhấn mạnh.

Ajay Bisaria, cựu cao ủy Ấn Ðộ tại Pakistan, nói rằng việc ông Modi tiếp cận Washington đánh dấu nỗ lực ban đầu của Ấn Ðộ nhằm thiết lập mối quan hệ với ông Trump. “Cuộc gặp dự kiến sẽ đặt nền tảng cho một thỏa thuận rộng hơn giữa 2 nước, làm sâu sắc thêm sự liên kết chiến lược. Ông Modi có thể sẽ nhượng bộ về thuế quan và năng lượng hạt nhân để đổi lấy lợi ích về công nghệ và quốc phòng” - ông Bisaria nhận định. Ông này chỉ ra rằng ưu tiên của ông Modi trong chuyến thăm sẽ là chính sách ngoại giao “Ấn Ðộ trên hết” và củng cố vị thế của quốc gia Nam Á này trong thương mại và quốc phòng, trong khi tránh can dự trực tiếp vào căng thẳng giữa Washington và châu Âu hay Trung Quốc.

Thống kê cho thấy, thương mại 2 chiều giữa Mỹ và Ấn Ðộ vượt 118 tỉ USD trong năm tài chính 2023-2024, trong đó Ấn Ðộ đạt thặng dư 32 tỉ USD. Ấn Ðộ trong một động thái nhằm tránh căng thẳng thương mại với Mỹ hồi đầu tháng này đã tuyên bố hạ thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nhập khẩu chính của Mỹ, chẳng hạn như xe máy cao cấp, ô tô và linh kiện điện thoại thông minh, nhờ đó mà các công ty như Harley-Davidson, Tesla và Apple được cho sẽ hưởng lợi. Ðáng chú ý, New Delhi đã giảm thuế nhập khẩu xe máy từ mức 50% xuống còn 40%. Giới phân tích cho rằng Ấn Ðộ cũng có thể sẽ đưa ra các nhượng bộ khác để giúp hàng hóa Mỹ tiếp cận thị trường Ấn Ðộ và thúc đẩy nhập khẩu năng lượng từ Mỹ.

Giới chức Ấn Ðộ cho biết, việc tăng cường quan hệ an ninh và quốc phòng với Mỹ cũng sẽ được ông Modi đề cập trong cuộc gặp với ông Trump. Trong cuộc điện đàm gần đây với ông Modi, Tổng thống Trump đã kêu gọi New Delhi tăng cường mua sắm thiết bị an ninh do Mỹ sản xuất. “Mỹ có chút lo ngại rằng họ đang mất đi các đơn hàng mua thiết bị an ninh từ Ấn Ðộ. Do đó, Washington đã gia tăng áp lực nhằm bán cho New Delhi nhiều thiết bị quốc phòng hơn so với những gì mà Ấn Ðộ đã mua trong vài năm qua. Có khả năng hai bên sẽ ký kết các thỏa thuận về máy bay vận tải, máy bay giám sát cho hải quân, thậm chí có thể là máy bay chiến đấu cũng như các thỏa thuận về chuyển giao công nghệ cho động cơ máy bay, xe chiến đấu bộ binh” - Rahul Bedi, chuyên gia phân tích quốc phòng tại thủ đô New Delhi, dự đoán.

Củng cố quan hệ đối tác trong các công nghệ hạt nhân tiên tiến cũng sẽ là trọng tâm trong cuộc thảo luận giữa ông Modi và ông Trump, bởi theo Amitabh Mattoo, Trưởng khoa Nghiên cứu Quốc tế tại Ðại học Jawaharlal Nehru (Ấn Ðộ), ngoài phần cứng quân sự, Ấn Ðộ còn có kế hoạch mua lò phản ứng hạt nhân từ 2 công ty Mỹ General Electric và Westinghouse.

Ngoài ra, ưu tiên hàng đầu của ông Modi trong cuộc gặp với ông Trump sẽ là nỗ lực bảo vệ các kênh nhập cư hợp pháp dành cho những lao động và sinh viên có tay nghề cao của Ấn Ðộ. Ðược biết, người Ấn Ðộ là những người hưởng lợi lớn nhất từ thị thực H1B vốn cho phép các nhà tuyển dụng Mỹ thuê các chuyên gia nước ngoài trong các lĩnh vực chuyên môn, chẳng hạn như công nghệ.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết