11/01/2022 - 07:57

Sri Lanka muốn Trung Quốc giãn nợ 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa trong cuộc gặp Ngoại trưởng Vương Nghị hôm 9-1 đã yêu cầu Trung Quốc tái cơ cấu các khoản vay và cho phép Colombo tiếp cận các khoản vay ưu đãi để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, trong bối cảnh quốc đảo này đang chìm trong cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất, một phần là do các dự án Bắc Kinh tài trợ không tạo ra doanh thu.

Tổng thống Sri Lanka Rajapaksa (phải) và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp hôm 9-1. Ảnh: Guardian

“Ngài tổng thống cho rằng Sri Lanka sẽ thở phào nhẹ nhõm nếu các khoản thanh toán nợ có thể được hoãn chi trả do khủng hoảng kinh tế sau đại dịch” - Văn phòng Tổng thống trong một tuyên bố cho hay.

Nợ bao vây

Trung Quốc hiện là chủ nợ lớn nhất của Sri Lanka. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Sri Lanka, Colombo nợ Bắc Kinh hơn 5 tỉ USD trong tổng số 35 tỉ USD nợ nước ngoài. Năm ngoái, Sri Lanka còn vay thêm 1 tỉ USD từ Trung Quốc để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính. Song, giới chức nước này cho rằng tổng giá trị cho vay của Trung Quốc có thể còn cao hơn nữa nếu tính cả những khoản vay đối với các doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng trung ương.

Chuyến thăm của ông Vương Nghị diễn ra trong bối cảnh các cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế cảnh báo chính quyền Tổng thống Rajapaksa có nguy cơ vỡ nợ. Nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch của Sri Lanka đã bị COVID-19 ảnh hưởng nặng nề trong khi nguồn dự trữ ngoại hối đang dần cạn kiệt. Theo AFP, dự trữ ngoại hối của Sri Lanka giảm xuống còn 1,5 tỉ USD vào cuối tháng 11 năm ngoái, chỉ đủ để trả cho lượng hàng nhập khẩu trong một tháng, một phần là do các dự án cơ sở hạ tầng được xây dựng bằng các khoản vay của Trung Quốc không phát huy hiệu quả.

Bên cạnh mạng lưới đường sá, Bắc Kinh còn cho Colombo vay tiền để xây dựng một cảng biển và sân bay ở thành phố Hambantota. Không thể trả khoản vay 1,4 tỉ USD nhằm xây dựng cảng Hambantota, Sri Lanka hồi năm 2017 buộc phải cho một công ty Trung Quốc thuê cơ sở này trong 99 năm.

Người dân khốn khó

Hiện người dân Sri Lanka đang phải vật lộn với cảnh thiếu thốn trầm trọng. Họ phải xếp hàng dài chờ mua các mặt hàng thiết yếu như sữa bột, gas, dầu hỏa… trong bối cảnh giá cả các mặt hàng đều tăng mạnh. Ngân hàng Trung ương Sri Lanka cho biết tỷ lệ lạm phát lên tới 12,1% vào cuối tháng 12 năm ngoái, trong khi giá lương thực tăng 22% khiến ngay cả những người từng khá giả cũng phải chật vật nuôi sống gia đình.

Ngân hàng Thế giới ước tính, 500.000 người Sri Lanka đã rơi xuống dưới mức nghèo đói kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Sau khi Tổng thống Rajapaksa tuyên bố Sri Lanka đang trong tình trạng khẩn cấp về kinh tế, quân đội đã được trao quyền để đảm bảo các mặt hàng thiết yếu được bán theo giá chính phủ ấn định, song động thái này chẳng làm được gì để xoa dịu nỗi khổ của người dân.

Alireza Peyman-Pak, người đứng đầu Tổ chức Xúc tiến Thương mại Iran, cho hay nước này và Sri Lanka hồi cuối năm ngoái đã đạt được một thỏa thuận mà theo đó, Sri Lanka hàng tháng sẽ xuất khẩu lô trà Ceylon trị giá 5 triệu USD sang Iran để giải quyết khoản nợ mua dầu trị giá 251 triệu USD mà Tehran cung cấp cho Colombo cách đây 9 năm.

Chia sẻ bài viết