06/03/2014 - 15:31

Ráo riết tìm lối thoát cho Ukraina

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đang có các chuyến ngoại giao con thoi nhằm tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Ukraina.
Ảnh: AP

Mặc dù Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 4-3 đã làm hạ nhiệt những căng thẳng quanh vấn đề Ukraina khi tuyên bố Mát-xcơ-va không có ý định tấn công nước láng giềng, nhưng phương Tây vẫn không ngừng đe dọa trừng phạt Nga vì các động thái quân sự của nước này tại cộng hòa tự trị Crimea giữa lúc các hoạt động ngoại giao diễn ra hối hả.

"Ukraina không phải là thù địch"

Trong phát biểu lần đầu tiên trước báo giới sau khi chính quyền Tổng thống Ukraina Viktor Yanukovych bị phế truất, Tổng thống Putin nhấn mạnh Mát-xcơ-va sẽ tiếp tục giữ mối quan hệ hợp tác với Kiev và nỗ lực đối thoại với quốc tế để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraina. Ông cũng trấn an "người dân ở Đông Nam Ukraina hãy an tâm" vì Nga không có ý định gây chiến tranh với nhân dân nước bạn. "Các lực lượng quân đội Nga và Ukraina là bạn và đó là lý do tại sao vẫn chưa xảy ra vụ đấu súng nào ở Crimea" - ông nói. "Chúng tôi gia tăng phòng thủ cho các cơ sở quân đội của mình vì nhận thấy những mối đe dọa và các tay súng của các tổ chức khủng bố sẽ kéo vào bán đảo Crimea". Ông chủ điện Kremlin cũng cảnh báo sẽ sử dụng mọi phương tiện có thể để bảo vệ các công dân Nga nếu xảy ra bạo loạn tại khu vực phía Đông. Ông phủ nhận việc giành quyền kiểm soát tại Crimea là một lựa chọn của Nga và nhấn mạnh sử dụng biện pháp quân sự chống Ukraina là "vạn bất đắc dĩ".

Phương Tây tiếp tục đe dọa trừng phạt

Sau bài phát biểu của người đứng đầu điện Kremlin, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng đáp trả khi nói rằng tuyên bố của ông Putin về Crimea là một sai lầm và Nga đã tự cô lập thông qua những hành động vừa qua trong khi vẫn có khả năng để Ukraina làm bạn với cả phương Tây và Nga. Ông Obama cũng công nhận "Nga có các lợi ích chính đáng với những điều đang xảy ra tại nước láng giềng", song nhấn mạnh "điều đó không mang lại quyền sử dụng vũ lực như một phương tiện để áp đặt ảnh hưởng lên nước đó". Ông Obama còn chế giễu Tổng thống Putin không thể "lừa bịp được ai" về các hoạt động quân sự của Nga tại Crimea.

Trong khi đó, hãng tin AP cho biết các quan chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị các kế hoạch cấm vận ngoại giao và kinh tế chống Nga. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius hôm qua cảnh báo các lãnh đạo EU có thể đưa ra một loạt biện pháp trừng phạt như hạn chế visa, phong tỏa tài sản cá nhân và ngừng đàm phán quan hệ kinh tế với Nga trong cuộc họp ngày 6-3.

Đáp lại, hãng tin RIA Novosti dẫn lời các nghị sĩ Nga nói rằng cơ quan lập pháp nước này đang soạn thảo dự luật cho phép tịch thu tài sản và tài khoản ngân hàng của các công ty Mỹ và châu Âu nếu Nga bị cấm vận.

Đàm phán cấp tập

Bộ Ngoại giao Ukraina thừa nhận họ đang xúc tiến đàm phán cấp bộ trưởng với chính quyền Nga nhằm tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng. Đại diện ngoại giao Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Ukraina đã có cuộc họp chung tại Thủ đô Paris của Pháp ngày 5-3 trước khi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov gặp song phương. Song song đó, Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có cuộc họp đặc biệt bàn về các giải pháp cho Ukraina tại Brussels (Bỉ). Ông Lavrov cũng đã tới Tây Ban Nha để thảo luận với EU về vấn đề Ukraina. Còn Cao ủy EU về đối ngoại Catherine Ashton sẽ gặp lãnh đạo Kiev tại Brussels vào hôm nay trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU về Ukraina.

Ngoài ra, Mát-xcơ-va cho biết sẽ phối hợp cùng Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hỗ trợ Ukraina tiến hành các cải cách kinh tế. Kiev hiện vẫn đang chờ "phản hồi rõ ràng" của Mát-xcơ-va về lời hứa cho Ukraina vay 2-3 tỉ USD để trả nợ khí đốt. Tập đoàn Gazprom của Nga dự kiến sẽ không tiếp tục áp dụng mức giá gas ưu đãi cho Ukraina từ tháng 4. Hiện tại, Mỹ cam kết đảm bảo khoản vay khẩn cấp 1 tỉ USD, còn EU sẵn sàng hỗ trợ 1,5 tỉ USD trong vòng 2 năm cho Kiev.

Tuy nhiên, Ukraina cần tới khoảng 35 tỉ USD để trả nợ trong 2 năm tới. Tổng số nợ nước ngoài của nước này tính đến cuối năm 2013 ở mức 80% GDP, tương đương 140 tỉ USD, trong đó nợ ngắn hạn là 65 tỉ USD. Không chỉ vậy, do khủng hoảng chính trị, các nhà đầu tư nước ngoài đã rút vốn khỏi quốc gia này và chính phủ mới của Ukraina không còn cách nào khác ngoài giảm chi ngân sách.

THUẬN HẢI (Theo AP, ITAR TASS, BBC, NYT)

Nga thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa

Rạng sáng 5-3 theo giờ Việt Nam, Lực lượng tên lửa chiến lược Nga đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Topol RS-12M tại thao trường Kapustin Yar thuộc tỉnh Astrakhan, miền Nam nước này. Theo Cơ quan báo chí Bộ Quốc phòng Nga, đầu đạn đã bắn trúng mục tiêu giả định tại thao trường Xary Sagal (Cộng hòa Kazakhstan). Bộ Quốc phòng Nga cho biết mục đích của vụ phóng là kiểm tra khả năng tác chiến sau những lần nâng cấp loại tên lửa này. Topol RS-12M dài 20 m (NATO gọi là SS-25 Sickle), được quân đội Nga đưa vào trang bị từ năm 1985, có thể mang đầu đạn hạt nhân, tầm bắn 10.500 km.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov đang có các chuyến ngoại giao con thoi nhằm tìm giả

Chia sẻ bài viết