07/05/2022 - 22:03

Quyền lực gia tộc tại Philippines 

Nếu như Ferdinand Marcos Jr., con trai độc nhất của nhà cựu độc tài Ferdinand Marcos Sr., giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Philippines ngày 9-5 tới, ông sẽ không phải là thành viên duy nhất thuộc gia tộc Marcos nắm quyền kiểm soát đất nước và gần như chắc chắn sẽ không phải là người cuối cùng.

Ông Marcos Jr. (giữa) cùng các thành viên gia tộc Marcos trong một chiến dịch tranh cử tại tỉnh Ilocos Norte. Ảnh: AFP

Lịch sử gia tộc chính trị

Từ lâu, các gia tộc chính trị quyền lực đã cai trị quốc gia Ðông Nam Á này, nắm giữ các vị trí quan trọng bằng cách mua phiếu bầu hay dùng đến bạo lực. Giới phân tích nói rằng tình trạng này đã trở nên phổ biến hơn trong nhiều thập niên kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy nhằm lật đổ nhà độc tài Marcos Sr. và buộc gia đình ông phải lưu vong. Về sau này, các gia tộc mới vẫn bám chặt quyền lực chính trị, bóp nghẹt cạnh tranh bầu cử, làm cho kinh tế kém phát triển và nới rộng tình trạng bất bình đẳng.

“Quyền lực sinh ra quyền lực. Họ càng nắm quyền, càng tích lũy nhiều quyền lực thì họ càng trở nên mạnh mẽ hơn” - Tiến sĩ Julio Teehankee, giáo sư tại Ðại học De ​​La Salle, nhận định. Theo Tiến sĩ Teehankee, Philippines đã “sản sinh” ra khoảng 319 gia tộc, có từ khi đất nước này còn là thuộc địa của Mỹ vào nửa đầu thế kỷ 20. Hàng chục gia tộc trong số đó đã suy tàn nhưng vào năm 2019, các thành viên của ít nhất 234 gia tộc quốc gia Ðông Nam Á này đã giành được các vị trí quan trọng trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Giờ đây, những gia tộc này đang cho thấy sự “trở lại” của họ.

Theo Hãng tin AFP, sau khi nhà độc tài Marcos Sr. qua đời vào năm 1989, gia tộc Marcos đã trở lại “thành trì” Ilocos Norte và bắt đầu mua chuộc giới chức địa phương để có thể được bầu vào các vị trí cao hơn. Ðáng chú ý nhất là Marcos Jr, 64 tuổi, hiện đang trên đà chạm tới vinh quang cao nhất, đó là chức vụ tổng thống.

Không những vậy, các thành viên gia tộc Marcos còn muốn chiếm giữ các vị trí hàng đầu. Trong khi con trai cả của ông Marcos Jr. tìm cách trở thành một trong 2 thành viên quốc hội tỉnh Ilocos Norte, người anh họ ông muốn chiếm giữ vị trí còn lại. Ðặc biệt, cháu trai ông đang cạnh tranh để được tái bầu làm thống đốc tỉnh. Người em gái của ông Marcos Jr. là thượng nghị sĩ Imee Marcos dự kiến sẽ tham gia điều hành chính phủ nếu anh trai đắc cử tổng thống. Phát biểu với AFP, ông Marcos Jr. nói rằng gia tộc ông không phải là một triều đại nhưng Michael Marcos Keon, anh họ của ông, người đang tìm cách tái đắc cử thị trưởng thành phố Laoag, không đồng ý như vậy. “Ðây là tất cả những gì thuộc về triều đại. Tôi ngày hôm nay sẽ không giữ được vị trí này nếu như tôi không phải là thành viên gia tộc Marcos” - ông Keon thừa nhận.

Và sự thống trị của các gia tộc quyền lực

Tiến sĩ Ronald Mendoza, Hiệu trưởng Trường Chính phủ Ateneo, cho rằng sự nắm chặt quyền lực của gia tộc Marcos ở tỉnh Ilocos Norte chính là ví dụ “điển hình” của các tỉnh trên khắp Philippines. Và tầm ảnh hưởng của họ ngày càng lớn. Tiến sĩ Mendoza tiết lộ, có tới 80% thống đốc tỉnh thuộc các “triều đại lớn”, tức các gia tộc có từ 2 thành viên trở lên nắm quyền cùng lúc, so với mức chỉ 57% vào năm 2004. Trong khi đó, các gia tộc chính trị nắm giữ tới 67% số ghế trong Hạ viện, so với tỷ lệ 48% năm 2004 và 53% chức vụ thị trưởng thuộc về thành viên các gia tộc, tăng từ mức 40%.

Ðáng chú ý, khoảng 40% các tỉnh ở Philippines hồi năm 2010 có thành viên gia tộc đồng thời là tỉnh trưởng và đại diện quốc hội, và khoảng 70% các nhà lập pháp có nguồn gốc từ các gia tộc. Một ước tính cho thấy, khoảng 80% các nhà lập pháp trong độ tuổi từ 26-40 thuộc các gia tộc chính trị, qua đó báo hiệu sự xuất hiện của thế hệ kế thừa thứ hai và thứ ba của các gia tộc và phản ánh chiều sâu của mối liên kết giữa các gia tộc.

Cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2019 cũng chứng kiến sự thống trị của các gia tộc quyền lực. Con trai cả của Tổng thống Rodrigo Duterte là Paolo được bầu vào ghế nghị sĩ, con gái ông Sara là thị trưởng thành phố Davao và con trai út Sebastian là phó thị trưởng.

Thật ra, các gia tộc chính trị cũng tồn tại ở một số nước khác, nhưng sự hiện diện của họ tại Philippines thuộc hàng cao nhất thế giới. Chuyên gia phân tích Mark Thompson, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ðông Nam Á thuộc Ðại học Hongkong, thậm chí ví các gia tộc ở Philippines giống như các câu lạc bộ bóng đá. “Nếu bạn là câu lạc bộ Barcelona hay Paris Saint-Germain trong nền chính trị Philippines, thì không có lý do gì bạn không đào tạo ra thế hệ kế thừa tiếp theo” - ông Thompson bình luận.

Dù nhiều nỗ lực nhằm giảm bớt ảnh hưởng của các gia tộc chính trị được đưa ra nhưng hầu như không đạt được kết quả gì, trong đó gồm Hiến pháp năm 1987 của Philippines quy định rằng Quốc hội có quyền cấm các thành viên gia tộc tham gia chính trường. “Bạn không thể mong đợi một ngôi nhà đầy các triều đại thông qua luật chống triều đại”,- Tiến sĩ Teehankee mỉa mai.

Cử tri Philippines ngày 9-5 sẽ đi bỏ phiếu bầu chọn tổng thống, phó tổng thống, một phần lưỡng viện quốc hội và các vị trí địa phương như hội đồng, thống đốc, phó thống đốc, thị trưởng, phó thị trưởng. Có 19 ứng viên tổng thống và phó tổng thống. Ông Marcos Jr. là ứng viên tổng thống sáng giá nhất và bà Sara Duterte-Carpio, con gái của Tổng thống sắp mãn nhiệm Rodrigo Duterte, có khả năng cao nhất đắc cử phó tổng thống. 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết