31/05/2009 - 07:43

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII:

Quốc hội xem xét đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục đào tạo và 3 dự thảo luật, thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị

Sáng 30-5, QH làm việc tại Hội trường nghe thành viên Chính phủ trình bày Tờ trình Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014, Tờ trình dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, dự thảo Luật Cơ yếu, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam trình bày Tờ trình dự thảo Luật Người cao tuổi.

Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân trình bày Tờ trình Đề án đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2009-2014 cho biết, mục tiêu của Đề án là xây dựng cơ chế tài chính mới cho giáo dục, nhằm huy động ngày càng tăng và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của nhà nước và xã hội để nâng cao chất lượng và tăng quy mô giáo dục và đào tạo. Đề án cũng hướng tới mục tiêu xây dựng hệ thống các chính sách để tiến tới mọi người ai cũng được học hành với nền giáo dục có chất lượng ngày càng cao.

Theo Phó Thủ tướng, trong khi nền kinh tế nước ta đã chuyển sang cơ chế thị trường được 20 năm, đã hình thành các cơ sở giáo dục ngoài công lập ngày một tăng, thì cơ chế tài chính giáo dục thực tế vẫn chưa có thay đổi về chất so với thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp. Việc quản lý ngân sách giáo dục rất phân tán: các địa phương quản lý 74% ngân sách nhà nước chi cho giáo dục hàng năm, các bộ, ngành khác 21%, Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý 5%. Các địa phương, các bộ, ngành không có báo cáo về tình hình và hiệu qủa sử dụng ngân sách giáo dục cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo không đủ điều kiện để đánh giá hiệu quả đầu tư của nhà nước cho giáo dục trong toàn quốc. Chế độ học phí xây dựng từ 11 năm trước chưa thay đổi. Mức học phí quá thấp, dưới khả năng chi trả của người dân ở các vùng đô thị, không phù hợp với mặt bằng giá cả cùng với chính sách cải cách tiền lương trong những năm qua...

Cho ý kiến vào nội dung xác định học phí và hỗ trợ của Nhà nước, địa phương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH cho rằng, khi người học chấp nhận đóng học phí cao hơn thì họ có quyền chính đáng đòi hỏi phía cơ sở giáo dục phải cam kết và hơn thế phải có cơ chế cụ thể đảm bảo chất lượng giáo dục tương xứng với mức học phí đã thu. Thuật ngữ “chất lượng cần thiết tối thiểu” đối với “chương trình đại trà” trong Đề án là không rõ ràng, cụ thể và chỉ nên dùng tạm thời trong quá trình phấn đấu đạt mục tiêu “chất lượng chuẩn”. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần công bố tiêu chuẩn thể hiện bằng các tiêu chí cụ thể đối với “chất lượng chuẩn” làm cơ sở cho công tác kiểm định chất lượng.

Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, nếu áp dụng ngay từ đầu mức học phí trần như Đề án đề xuất thì mức tăng quá lớn và đột ngột đối với một số địa phương và một bộ phận học sinh. Bởi vậy, nên có lộ trình tăng dần từng năm và mức học phí trần dự kiến chỉ nên áp dụng vào năm cuối của Đề án.

Ủy ban đề nghị đối với năm học 2009-2010 chấp nhận tăng mức trần học phí của khối đào tạo nghề nghiệp (trừ trung cấp nghề, trung học chuyên nghiệp sau tốt nghiệp trung học cơ sở) ở mức không quá 1/3 mức tăng chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2000 đến 2009. Cụ thể là tăng mức trần học phí đại học từ 180.000đ/tháng lên 230.000đ/tháng (bậc cao đẳng có hệ số bằng 0,8 lần đại học) và đối với cao đẳng nghề từ 120.000 đ/tháng lên 155.000đ/tháng.

Bắt đầu từ năm học 2010-2011 sẽ thực hiện theo lộ trình của Đề án sau khi điều chỉnh và được phê duyệt.

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh gồm 8 chương, 81 điều quy định quyền và nghĩa vụ của người bệnh, người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; điều kiện đối với người hành nghề và cơ sở nghề khám bệnh, chữa bệnh; các quy định chuyên môn kỹ thuật; áp dụng kỹ thuật, phương pháp mới trong khám bệnh, chữa bệnh; sai sót chuyên môn kỹ thuật và giải quyết khiếu nại của người bệnh. Theo tờ trình của Chính phủ, việc ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng và Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh; đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác khám bệnh, chữa bệnh hiện nay cũng như yêu cầu phát triển và hoàn thiện hệ thống pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh; đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.

Cho ý kiến vào một số vấn đề của dự thảo Luật, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH cho rằng về cơ bản, nội dung của Luật phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng. Tuy nhiên, đây là luật chuyên ngành nên các quy định chỉ tập trung điều chỉnh mối quan hệ giữa thầy thuốc và cơ sở y tế với người bệnh, tiêu chuẩn và điều kiện hoạt động, hành nghề của cán bộ y tế cũng như của cơ sở khám chữa bệnh. Vấn đề cần phải tiếp tục quan tâm đó là Luật Khám bệnh, chữa bệnh cùng với các luật khác liên quan đến việc chăm sóc sức khỏe nhân dân đã được ban hành đến nay vẫn chưa thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong quá trình đổi mới.

Dự thảo Luật Người cao tuổi quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi; Hội người cao tuổi và trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với công tác người cao tuổi. Dự thảo Luật đã quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ mang tính đặc thù của nhóm người cao tuổi. Điều chỉnh, sửa đổi một số quy định của Pháp lệnh hiện hành để phù hợp với một số luật mới được ban hành, đồng thời bổ sung và quy định cụ thể hơn một số chính sách trong: chăm sóc sức khỏe; hoạt động văn hóa, giáo dục, thể dục thể thao, giao thông công cộng; chúc thọ, mừng thọ, tang lễ; xã hội hóa theo hướng ưu tiên lứa tuổi, đối tượng; đảm bảo công bằng hơn, bổ sung các quy định liên quan đến cơ sở chăm sóc người cao tuổi và Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Đối tượng người cao tuổi được hưởng các chính sách bảo trợ xã hội của Nhà nước được mở rộng hơn.

Dự thảo Luật Cơ yếu gồm 5 chương, 38 điều quy định về hoạt động cơ yếu; nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc tổ chức của Cơ yếu Việt Nam và chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động cơ yếu. Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, theo quy định của pháp luật hiện hành thì tổ chức cơ yếu chưa cụ thể, chưa quy định tổ chức Cơ yếu Việt Nam được thành lập ở đâu, đến cấp nào để đảm bảo nguyên tắc là đầu mối độc lập, trực thuộc cấp ủy và thủ trưởng cơ quan sử dụng cơ yếu. Một số văn bản pháp luật khác như Luật Công an, An ninh quốc gia, Pháp lệnh tình báo, Luật Giao dịch điện tử, Công nghệ thông tin... có một số quy định liên quan đến hoạt động mật mã, thông tin liên lạc. Tuy nhiên các quy định pháp luật về cơ yếu, hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin chưa thực sự đầy đủ và cụ thể, làm hạn chế việc tổ chức thực hiện một số nội dung của các văn bản này trên thực tế… Vì vậy, việc xây dựng và ban hành Luật Cơ yếu là yêu cầu khách quan nhằm hoàn thiện pháp luật về cơ yếu; nâng cao hiệu quả quản lý, tổ chức, triển khai, sử dụng cơ yếu, quản lý hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin; bảo đảm quốc phòng và an ninh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, yêu cầu phát triển công tác cơ yếu phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc ban hành Luật Cơ yếu sẽ tạo cơ sở pháp lý để xây dựng ngành Cơ yếu chính quy, hiện đại, vững mạnh về mọi mặt, đủ sức hoàn thành những nhiệm vụ mới do Đảng và Nhà nước giao...

w Buổi chiều, QH tiếp tục làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn có ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị.

Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Hà Văn Hiền đọc Báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự án luật này sau khi đã tiếp thu ý kiến các đại biểu tại kỳ họp thứ 4, bản dự thảo được chỉnh lý và trình ra Quốc hội kỳ họp này gồm 6 chương 77 điều, ít hơn bản dự thảo cũ 4 điều và đề nghị giữ nguyên tên gọi như đã trình là “Luật quy hoạch đô thị”.

Các đại biểu đều nhất trí việc cần thiết phải ban hành Luật quy hoạch đô thị; nhằm khắc phục những vấn đề bức xúc của đô thị nước ta đang trong giai đoạn phát triển “nóng” và khá “lộn xộn”; lối tư duy quản lý đô thị theo “nhiệm kỳ” đã gây nên nhiều bất cập, phản khoa học… không đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; gây ách tắc trong việc tiến tới quy chuẩn của đô thị văn minh; những mục tiêu cải thiện môi trường dân sinh, môi trường văn hóa và chất lượng sống của cư dân đô thị luôn bị phá vỡ do thiếu nhất quán giữa quy hoạch và quản lý.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chốt lại: Có 10 nhóm vấn đề cần chỉnh sửa là: 1- Các quy định phân loại đô thị, cân nhắc thêm tiêu chí nào? định lượng từng tiêu chí. 2- Về HĐKT và KTTS còn có ý kiến khác nhau; tinh thần của luật là không bắt buộc và không cấm việc thành lập tổ chức và pháp nhân này; có cơ chế giao cho Chính phủ quy định chứ không phải là một thiết chế hành chính; tuy nhiên sẽ có phiếu gửi xin ý kiến các đại biểu để hoàn chỉnh. 3- Các vấn đề về thẩm quyền quy hoạch đô loại thị đặc biệt; 4- việc phân loại quy hoạch và quy hoạch phân khu có ý kiến khác nhau, Quốc hội sẽ gửi phiếu xin ý kiến các đại biểu ; 5 - xem xét thêm quy hoạch xây dựng và quy hoạch đất đai cho rõ ràng; 6- thời hạn quy hoạch và tầm nhìn dài hơn quy định trong dự thảo luật và rà soát lại một số điều cho thống nhất; 7- về chức năng thẩm định đồ án quy hoạch còn nhiều ý kiến băn khoăn, nên quy định: Cấp huyện không trực tiếp làm quy hoạch mà chỉ đạo cơ quan chuyên môn lập quy hoạch; 8 –việc lấy ý kiến nhân dân, lấy ý kiến công khai để quy hoạch phải đủ thời gian, đối tượng cần thiết; 9- nguyên tắc quy hoạch đô thị phải bảo đảm bản sắc…có khuyến khích xây dựng nhà riêng, tiết kiệm đất... sẽ chỉnh sửa; vấn đề thứ 10 cần chú ý tính cụ thể của luật, kinh phí quy hoạch, quy hoạch công trình ngầm…sẽ được ban soạn thảo bổ sung để trình dự thảo Luật này ra kỳ họp sau của Quốc hội với chất lượng tốt nhất.

Theo dự kiến, thứ hai, ngày 1-6-2009, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ.

BÍCH THỦY - HỒNG QUÂN (TTXVN)

Chia sẻ bài viết