Tổng thống Trump (phải) và người đồng cấp Macron. Ảnh: WSJ
Quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron bắt đầu gây chú ý sau cái bắt tay “nắn gân” nhau bên lề cuộc họp thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 2017. Tình bạn ít ai ngờ này sau đó càng được củng cố khi ông Trump nhận lời mời sang thăm đồng minh bên kia Đại Tây Dương đúng dịp kỷ niệm Quốc khánh Pháp và 100 năm ngày quân đội Mỹ tham gia Chiến tranh thế giới thứ nhất.
Mối quan hệ “không thể bẻ gãy” theo lời ông Trump tiếp tục được khẳng định khi Tổng thống Macron thăm Nhà Trắng tháng 4-2018 và được tiếp đón trọng thị mà chưa nguyên thủ nào có kể từ ngày ông Trump nhậm chức. Cả hai đã gạt bất đồng và liên tục dành cho nhau lời khen ngợi. Truyền thông Mỹ vốn thường chỉ trích Tổng thống Trump cũng tỏ ra hoan nghênh tình bạn kỳ lạ này. Ông Macron được ví như “hy vọng cuối cùng” của các đồng minh Mỹ để giảm bớt “thảm họa” trong tính cách của chủ nhân Nhà Trắng.
Nhưng từ giữa năm ngoái, rạn nứt bắt đầu xoáy sâu quan hệ “Trump-Macron” khi cả hai không tìm được tiếng nói chung trong vấn đề biến đổi khí hậu, thương mại, tình hình Syria, thỏa thuận hạt nhân Iran và chống khủng bố. Những màn bắt tay, ôm hôn giờ nhường chỗ cho nghi thức xã giao qua loa. Trên các diễn đàn quốc tế, ông Macron không“nể tình” khi chỉ trích “chủ nghĩa biệt lập mang tính gây hấn” mà Washington hướng tới dựa theo chính sách “nước Mỹ trên hết”. Tổng thống Trump cũng không nhịn khi giễu lãnh đạo Pháp về tình hình rối ren trong nước và chỉ đích danh ông Macron không được thay mặt Mỹ nói chuyện trong vấn đề Iran.
Tại cuộc họp báo bên lề thượng đỉnh NATO hôm 3-12, bầu không khí lạnh nhạt giữa hai nhà lãnh đạo càng thêm khẳng định quan hệ thắm thiết đã là quá khứ. Hai bên gần như “trở mặt” khi lời qua tiếng lại về nhận xét trước đó của ông Macron, rằng NATO đang “chết não” do Washington quay lưng với đồng minh. Kịch tính nhất là khi ông Trump bông đùa gửi các tay súng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng từ Syria về Pháp, Tổng thống Macron lập tức yêu cầu lãnh đạo Mỹ “hãy nghiêm túc”. Ông Macron còn nhấn mạnh “không lùi bước” dù Tổng thống Trump có coi những bình luận về NATO là “khó chịu” và “xúc phạm”.
Theo các nhà quan sát, vị tổng thống trẻ nhất của Pháp trước đó đã cẩn thận xây dựng hình ảnh chính trị gia thân thiện khi tạo mối quan hệ thân mật với nhiều nhà lãnh đạo. Nhưng trong công cuộc tìm lại vị thế cho Paris, quan điểm của ông Macron có thể giống Tổng thống Trump, đó là dù tình bạn đặc biệt thì cũng có giới hạn và sẽ không lớn hơn mối quan tâm địa chính trị.
MAI QUYÊN