|
Đô đốc Mike Mullen (trái) và ông Trần Bính Đức trong cuộc gặp mới đây. Ảnh: AFP |
Mỹ và Trung Quốc vẫn đối đầu nhau trong nhiều vấn đề hệ trọng như việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, tranh cãi về biển Đông và hoạt động do thám của hải quân Mỹ ở khu vực mà Trung Quốc xem là vùng lãnh hải thuộc chủ quyền của họ. Đô đốc Mike Mullen, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ, nhận định như vậy trong cuộc họp báo cuối cùng tại trung tâm báo chí đối ngoại ở Washington hôm đầu tuần này, trước khi ông nghỉ hưu vào mùa thu tới.
Đô đốc Mullen cho rằng quân đội hai nước đã có “bước đi mạnh mẽ” cải thiện quan hệ thông qua các cuộc thảo luận giữa ông với Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc Trần Bính Đức trong các chuyến thăm qua lại của hai ông hồi tháng 5 và giữa tháng 7. Theo Đô đốc Mullen, hiện nay ít ra hai bên đã có cơ sở cho các cuộc đối thoại sắp tới và một số thách thức chung rất xác thực mà hai nước có thể tiếp tục cùng hợp tác như nạn cướp biển, khủng bố và cứu trợ thảm họa. Tuy nhiên, ông Mullen thừa nhận rằng thật khó để hai quân đội xóa bỏ quá khứ khác biệt, bởi vì hai nước không thể tìm được điểm chung về nhiều vấn đề.
Nói về việc Mỹ sắp quyết định bán 66 máy bay chiến đấu F16 mới cho Đài Loan vào ngày 1-10 tới, ông Mullen cho rằng Mỹ có “trách nhiệm hợp pháp” với Đài Loan, mặc dù ông nói không muốn việc buôn bán này làm rạn nứt quan hệ quân sự với Trung Quốc. Tháng Giêng năm ngoái, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết bán số vũ khí trị giá 6,4 tỉ USD cho Đài Loan, trong đó có hệ thống tên lửa và trực thăng, chọc giận Bắc Kinh cắt đứt quan hệ quân sự trong một năm.
Khi được hỏi về thông tin 2 chiến đấu cơ SU-27 của Trung Quốc đã chặn máy bay do thám U-2 của Mỹ hoạt động ở eo biển Đài Loan hôm 29-6, ông Mullen nói: “Cả hai bên đều rất cẩn trọng về vấn đề này và chúng tôi không mong muốn lặp lại sự cố năm 2001” - ông Mullen đề cập tới vụ tai nạn xảy ra khi máy bay chiến đấu Trung Quốc ngăn cản máy bay do thám quân sự của Mỹ trên vùng biển gần đảo Hải Nam của Trung Quốc năm 2001 (vụ va chạm đã làm một phi công Trung Quốc thiệt mạng, còn các thành viên phi hành đoàn Mỹ bị bắt giữ 11 ngày, dẫn tới căng thẳng ngoại giao giữa hai nước). Đô đốc Mullen khẳng định Mỹ sẽ không bị ngăn cản thực hiện các chuyến bay trên không phận quốc tế và Trung Quốc sẽ tiếp tục nhìn thấy máy bay của Mỹ di chuyển ở khu vực đó. Theo ông Mullen, các chuyến bay do thám này rất quan trọng. Máy bay do thám của Mỹ thường cất cánh tại căn cứ ở đảo Okinawa (Nhật Bản) và quá cảnh ở Đài Loan. Quân đội Trung Quốc đã kêu gọi Lầu Năm Góc ngưng tất cả các chuyến bay do thám dọc duyên hải Trung Quốc, cáo buộc Mỹ vi phạm chủ quyền nước này. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc đó.
Mặc dù cho rằng Mỹ không đứng về phía nào trong cuộc tranh cãi ở Biển Đông, nhưng ông Mullen cảnh báo căng thẳng leo thang “có thể đẩy nhiều nước vào tình thế toan tính sai lầm”. Đô đốc Mullen khẳng định Washington không công nhận cái mà Trung Quốc tuyên bố là “khu vực đặc quyền kinh tế”, đồng thời cho rằng cần duy trì hiện trạng nhiều nước có quyền tự do hàng hải trên biển. Trong suốt cuộc họp báo, ông Mullen nhấn mạnh rằng khu vực châu Á - Thái Bình Dương rất quan trọng cho an ninh quốc gia Mỹ và Washington tiếp tục can dự vào an ninh ở khu vực.
Theo báo The Hindu của Ấn Độ, những nhận định của ông Mullen về việc Mỹ duy trì tiềm lực quân sự ở Thái Bình Dương là “nhằm gởi thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc, vốn đang phô trương sức mạnh đối trọng với Mỹ ở khu vực”.
THÁI BÌNH (Theo Chinadaily, WSJ, LA Times)