THÁI DUY-NHẬT QUANG
Hoạt động đối ngoại của nước ta năm qua tiếp tục diễn ra sôi động và hiệu quả trên nhiều mặt trận, góp phần nâng cao vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo động lực và điều kiện thuận lợi mới, giúp ta vượt qua khó khăn, thách thức, gặt hái thêm nhiều thành công trên con đường bảo vệ và xây dựng đất nước.
"Dĩ bất biến ứng vạn biến"
Theo giới quan sát, năm qua Biển Đông đã trở thành một trong những điểm nóng của nước ta, của khu vực và cả thế giới khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Tuy nhiên, trước tham vọng và ý đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, chúng ta đã có cách tiếp cận và xử trí hợp lý theo sách lược "Dĩ bất biến ứng vạn biến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2014 về "Tăng cường kết nối khu vực: Những ưu tiên về đầu tư, hạ tầng cơ sở và chính sách". Ảnh: TTXVN
Chúng ta đã khai thác mọi phương tiện truyền thông, mọi diễn đàn để tuyên truyền, làm cho các nước trong khu vực và trên thế giới hiểu rõ bản chất của sự việc, thông qua đó ủng hộ lập trường và quan điểm của ta. Chúng ta kiên quyết yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam với phương châm kiềm chế, bình tĩnh và linh hoạt để ứng phó kịp thời với mọi hành động, thủ đoạn của Trung Quốc, không để bất ngờ, không mắc mưu, không tạo cớ để Trung Quốc gây xung đột trên biển. Mặt khác, chúng ta cũng chuẩn bị đầy đủ hồ sơ và có đủ các bằng chứng pháp lý để khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng như không loại trừ phương án khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Chính sách đối ngoại mềm mỏng mà cương quyết của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Nhiều nước đã lên tiếng ủng hộ chúng ta, gây áp lực buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan khỏi vùng biển của ta. Đó được coi là thắng lợi lớn của chúng ta trong đối ngoại đa phương, cho thấy rõ đây là một bộ phận rất quan trọng trong tổng thể chính sách đối ngoại và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Các tổ chức, định chế quốc tế, các diễn đàn đa phương là nơi chúng ta bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích an ninh và phát triển; nâng cao vị thế của ta trên cơ sở hài hòa với các lợi ích chung; cùng chung tay giải quyết các thách thức toàn cầu và xây dựng quan hệ đối tác bình đẳng, cùng có lợi trên cơ sở đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, thể hiện tinh thần "Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".
Tiếp tục thể hiện bản lĩnh Việt Nam
Chúng ta đã kiên trì giữ vững nguyên tắc, linh hoạt về sách lược, đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên hàng đầu; triển khai đồng bộ, toàn diện, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Chúng ta tiếp tục chủ trương đưa các quan hệ hợp tác của nước ta với các nước đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất. Đây là ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; của các bộ, ngành, địa phương.
Chúng ta không ngừng củng cố và phát triển mối quan hệ với các nước láng giềng và bạn bè truyền thống, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện với Lào và Campuchia. Quan hệ của ta với các nước thành viên khác trong ASEAN cũng có những bước phát triển mới, đáng kể nhất là quan hệ của ta với Thái Lan. Nhân chuyến thăm của Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha hồi tháng 11 năm rồi, hai bên đã ký kết "Chương trình hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Thái Lan". Đây là thỏa thuận mà hai bên cùng nhau xác định phương hướng mở rộng quan hệ hợp tác giữa Thái Lan và Việt Nam trên tất cả các phương diện vì lợi ích chung của nhân dân hai nước và mang lại lợi ích tổng thể cho khu vực ASEAN.

Nhiều học giả và chuyên gia quốc tế ủng hộ lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Ảnh: VOV
Năm 2014 cũng là năm có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ của ta với các đối tác chiến lược như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Nga. Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) mà ta ký với Hàn Quốc trong năm qua được coi là "bước ngoặt mới" trong mối quan hệ hai nước, trở thành nền móng quan trọng mở rộng hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương lên 70 tỉ USD vào năm 2020. Trong khi đó, dù trải qua một năm đầy khó khăn về kinh tế với những biến động không nhỏ trên chính trường, Nhật Bản vẫn duy trì cam kết hỗ trợ Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách Viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản, đồng thời thể hiện rõ lập trường ủng hộ chúng ta trong giải quyết các cuộc tranh chấp trên Biển Đông. Vấn đề an ninh hàng hải trên Biển Đông cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của Tổng thống Ấn Độ Pranab Mukherjee trong chuyến thăm nước ta hồi tháng 9 năm qua, coi hợp tác an ninh quốc phòng là một trụ cột quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Cả Ấn Độ và Nga đều coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong chính sách hướng Đông của họ. Vì thế mà chuyến công du Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong năm qua đã mở ra một chương mới trong quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước với những định hướng và biện pháp lớn nhằm tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả.
Quan hệ giữa ta với Mỹ năm qua cũng có nhiều điểm nhấn quan trọng. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường quan hệ an ninh với sự chú trọng đặc biệt trong lĩnh vực hàng hải, đồng thời thúc đẩy hợp tác về giáo dục, khoa học và y tế. Với tư cách là đối tác toàn diện, giới chức Mỹ cam kết cùng Việt Nam đi đến hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là hiệp định có tiêu chuẩn rất cao. Washington khẳng định Mỹ sẵn sàng làm việc với Việt Nam trong khuôn khổ TPP để Việt Nam đáp ứng được những tiêu chuẩn của Mỹ và được công nhận là nền kinh tế thị trường. Ngoài TPP, chúng ta cũng đã chủ động tham gia, đưa ra nhiều đề xuất nhằm thúc đẩy đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực toàn diện (RCEP); đàm phán về FTA với Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh hải quan (gồm Nga, Belarus, Kazakhstan).
Chính những mối quan hệ tốt đẹp của ta với nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho ta trong việc đấu tranh bảo vệ các lợi ích chính đáng của ta trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, giúp ta thêm tự tin trên con đường phát triển của mình, đóng góp nhiều hơn cho nền hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Ngày 27-5-2014 đã trở thành ngày đặc biệt đối với Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngày những chiếc mũ nồi xanh chính thức được trao cho hai sĩ quan Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc. Phó Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ameerah Haq đánh giá: "Đây là hành động có ý nghĩa hơn mọi lời nói. Chính phủ Việt Nam đã chung tay góp sức cùng gìn giữ hòa bình, đối phó những thách thức an ninh mà Liên Hiệp Quốc đang phải đối mặt".
* * *
Có thể nói, những thành quả đối ngoại trong năm qua một lần nữa cho thấy Việt Nam không chỉ tham gia, mà còn khẳng định vai trò là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Chúng ta đã phát huy tốt sức mạnh của toàn dân tộc, của toàn hệ thống chính trị, triển khai nhất quán đường lối đối ngoại của Đảng "độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa", nhận diện đúng thời cơ và thách thức, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, lợi ích quốc gia, dân tộc, tranh thủ những điều kiện thuận lợi của hội nhập quốc tế, những nguồn lực bên ngoài để phục vụ công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.