09/04/2008 - 09:42

Quân đội Mỹ sẽ ở Iraq vô thời hạn?

Binh sĩ Mỹ tuần tra dọc sông Tigris, phía Nam Baghdad. Ảnh: AFP

Bản dự thảo thỏa thuận khung chiến lược giữa chính phủ Mỹ và Iraq về tương lai các binh sĩ Mỹ ở Iraq vừa được báo The Guardian (Anh) tiết lộ hôm qua 8-4. Thỏa thuận đề ngày 7-3, đóng dấu “mật” và “nhạy cảm”, trong đó dự kiến thay đổi vai trò hiện nay của Liên Hiệp Quốc ở Iraq và cho phép Mỹ “thực hiện các hoạt động quân sự tại Iraq, cũng như bắt giữ các cá nhân khi cần thiết vì lý do an ninh”...

Việc cho phép Mỹ thực hiện các quyền hạn đó được mô tả là “tạm thời” và theo thỏa thuận thì Mỹ không có ý định lập căn cứ vĩnh viễn hoặc hiện diện quân sự lâu dài ở Iraq. Tuy nhiên, việc không ấn định thời gian hay những giới hạn về quân số, vũ khí... đối với các lực lượng Mỹ và liên quân ở Iraq cho thấy thỏa thuận này sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ cả ở Mỹ lẫn Iraq.

Báo Guardian cho rằng thỏa thuận trên là phương án dự phòng cho sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Iraq trong trường hợp ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử vào cuối năm nay (cả hai ứng viên tiềm năng của đảng Dân chủ là Hillary Clinton và Barack Obama đều chủ trương rút binh sĩ Mỹ về nước). Bà Hillary lập tức chỉ trích mạnh mẽ một thỏa thuận như vậy. Bà cho rằng chính quyền Tổng thống Bush đang tìm cách “trói tay” tổng thống kế tiếp bởi cam kết các lực lượng Mỹ sẽ bảo vệ Iraq vào bất cứ lúc nào. Theo bà Hillary, đảng Cộng hòa đang thúc đẩy thêm 4 năm nữa chính sách Bush - Cheney - McCain (John McCain - ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa) về việc can dự vào cuộc nội chiến kéo dài ở Iraq, trong khi các mối đe dọa khác đối với nước Mỹ ngày càng cao.

Hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói rằng thỏa thuận dự kiến này sẽ tương tự như hàng chục thỏa thuận về “quy chế các lực lượng” mà Mỹ ký với các nước khác trên thế giới và sẽ không cam kết bảo vệ Iraq. Tuy nhiên, các thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ cho rằng thỏa thuận với Iraq khác xa so với các thỏa thuận khác và thực chất đây là một hiệp ước, vốn cần phải được Thượng viện thông qua theo qui định của hiến pháp. Các quan chức Nhà Trắng cũng thừa nhận rằng nếu bao hàm việc đảm bảo an ninh cho Iraq thì cần được Quốc hội phê chuẩn. Nhưng đưa thỏa thuận này ra bàn ở Quốc hội do đảng Dân chủ chiếm đa số như hiện nay là điều mà chính quyền Tổng thống Bush không mong muốn.

N.MINH (Theo Guardian, AFP, BBC)

    Hôm qua, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Iraq - Tướng David Petraeus và Đại sứ Mỹ tại Iraq Ryan Crocker có cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ về những “tiến bộ” ở Iraq. Phiên điều trần diễn ra trong bối cảnh bạo lực bùng phát trở lại ở các khu vực của người Hồi giáo dòng Shiite cuối tuần qua. Các cuộc đụng độ giữa lực lượng liên quân và các phần tử nổi dậy hôm 7-4 làm 12 người chết, trong đó có 3 lính Mỹ (đưa số binh sĩ Mỹ thiệt mạng tại Iraq lên 4.023 người). Trước đó, báo cáo của Viện Hòa bình Mỹ cũng cho rằng Washington gần như không đạt được thành tựu nào ở Iraq so với 1 năm trước, mặc dù bổ sung thêm 30.000 quân hồi năm ngoái. Báo cáo này cho rằng để tình hình chính trị ở Iraq tiến triển có thể mất 5-10 năm nữa và Mỹ phải duy trì sự hỗ trợ toàn diện đối với Iraq.

Chia sẻ bài viết