04/01/2008 - 09:53

Puntland - "Vương quốc" của bọn tội phạm

Từ khi các nhà lãnh đạo địa phương tự tuyên bố thành lập vùng bán tự trị Puntland vào năm 1998, khu vực Đông Bắc Somalie có trên 2,4 triệu dân này liên tiếp xảy ra các vụ bắt cóc tống tiền, vận chuyển người nhập cư bất hợp pháp và cướp biển.

 Một nhóm hải tặc ở Puntland. Ảnh: Businessfacilities 
Ngày 2-1 vừa qua, 2 nhân viên của tổ chức Thầy thuốc không biên giới (MSF) “may mắn” được phóng thích sau một tuần bị bắt cóc. Bà Mercedes Garcia, bác sĩ người Tây Ban Nha, và cô y tá người Argentina tên Pilar Bauza bị một nhóm vũ trang bắt ngày 26-12-2007 khi đang trên đường tới bệnh viện chăm sóc cho những trẻ em suy dinh dưỡng. Lực lượng an ninh Puntland sau đó được triển khai bao vây nơi ẩn náu của bọn chúng tại một khu vực núi non hiểm trở gần thủ phủ Bossasso và hai bên đã diễn ra đọ súng nhưng không giải cứu được con tin. Sau một tuần thương lượng, bà Garcia và cô Bauza mới được an toàn trở về. Dù chính quyền Puntland và MSF không công bố điều kiện để hai con tin được phóng thích, dư luận cho rằng món tiền chuộc chẳng phải là nhỏ.

4 ngày trước khi xảy ra vụ bắt cóc trên, nhà báo độc lập người Pháp Gwen Le Gouil cũng được trả tự do sau 8 ngày làm con tin cho một băng nhóm tội phạm hoạt động tại Bossasso. Tiền chuộc vẫn là yêu sách của bọn bắt cóc.

Và cũng nhằm mục đích kiếm tiền chuộc, giới tội phạm vũ trang Puntland đặc biệt hoạt động mạnh trên Biển Somalie, nơi thường xuyên lui tới của các tàu đánh bắt cá, chở hàng và cả lương thực cứu tế từ nước ngoài. Hồi tháng 8 năm ngoái, tàu Danica White của Đan Mạch sau khi bị bọn hải tặc bắt giữ đã được chính phủ nước này chi 1,5 triệu USD để đổi lấy tự do cho thủy thủ đoàn. Cuối tháng 11-2007, tàu vận tải hóa chất Golden Nori mang cờ hiệu Nhật Bản cũng bị hải tặc tấn công, may nhờ có sự xuất hiện kịp thời của một tàu hải quân Mỹ nên mới thoát nạn. Đầu năm 2007, một tàu chở hàng bị bắt cóc trong 4 tháng và số tiền chuộc lên tới 2,5 triệu USD. Với hơn 10 vụ hải tặc trong năm 2007, Tổ chức hàng hải quốc tế nhận xét Biển Somalie là một trong những đường vận tải thủy nguy hiểm nhất thế giới.

Do Puntland là một trong những điểm trung chuyển chính đi từ Đông Phi nghèo khó tới vùng Vịnh giàu dầu mỏ, giới tội phạm còn “chịu trách nhiệm” vận chuyển người nhập cư trái phép vào Trung Đông. Bọn chúng thường sử dụng loại tàu nhỏ và chở đông người nên dễ xảy ra hậu quả đáng tiếc. Hồi trung tuần tháng 12-2007, hai tàu chở người nhập cư bất hợp pháp bị bão đánh chìm làm 200 người bỏ mạng. Thậm chí, khi bị lực lượng tuần tra biển truy bắt, bọn chúng sẵn sàng đẩy “hành khách” trên boong tàu xuống biển nhằm phi tang chứng cứ. Theo Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn, 2007 là “năm thảm kịch trên Vịnh Aden” với hơn 1.400 người chết và mất tích trong tổng số 24.000 người nhập cư trái phép đi qua.

Giới chuyên gia cho biết phần lớn các băng nhóm tội phạm Puntland xuất thân từ từng lớp ngư phủ và do đời sống kinh tế khó khăn nên chuyển sang làm những “nghề” sinh lợi mà không có gì hơn là bắt cóc tống tiền, đưa người vượt biên trái phép. Chính quyền Puntland mặc dù có dùng một số biện pháp trấn áp các băng nhóm vũ trang nhưng không hiệu quả bởi theo dư luận, có một số lãnh đạo ngầm hậu thuẫn cho bọn chúng hoạt động để được chia phần.

Trong khi đó, chính quyền trung ương Somalie không thể làm được gì trong bối cảnh phải đương đầu với cuộc chiến chống lại các phiến quân Hồi giáo tranh giành quyền kiểm soát đất nước. Từ sau cuộc nội chiến tàn khốc năm 1991 đến nay, Somalie chưa thành lập được một chính phủ dân cử và cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các phe phái vẫn đang tiếp diễn.

PHÚC NGUYÊN (Theo Le Figaro, AFP)

Chia sẻ bài viết