21/11/2022 - 23:07

Phó Tổng thống Mỹ thăm Philippines 

MAI QUYÊN (Theo Reuters, CNN)

Sau khi rời Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tổ chức ở Thái Lan, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris bắt đầu chuyến thăm Philippines nhằm thúc đẩy quan hệ đồng minh lâu năm, chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr hội đàm cùng Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: Reuters

Khởi động chuyến công du 3 ngày, Phó Tổng thống Harris ngày 21-11 có cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Ferdinand Marcos Jr và người đồng cấp Sara Duterte - con gái nhà lãnh đạo Philippines tiền nhiệm Rodrigo Duterte. Trong các ngày tiếp theo, bà Harris dự kiến thăm một tàu tuần duyên ở đảo Palawan và tiếp xúc các quan chức chính quyền, lực lượng phụ trách an ninh hàng hải và ngư dân địa phương.

Chuyến thăm của bà Harris là chuyến công du cấp cao nhất tới Philippines của một quan chức chính quyền Tổng thống Biden, kể từ khi Tổng thống Marcos nhậm chức hồi tháng 6. Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt lớn trong quan hệ giữa hai đồng minh lâu năm sau thời gian bị đánh giá thấp dưới thời ông Duterte. Ðây cũng là một phần trong nỗ lực xóa bỏ mọi nghi ngờ về cam kết của Mỹ đối với châu Á - Thái Bình Dương khi Trung Quốc tích cực mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.

Cam kết của Mỹ

Trước thềm cuộc gặp Tổng thống Marcos, một quan chức Mỹ cho biết bà Harris đem đến Manila thông điệp vui mừng về mối quan hệ an ninh ổn định và ngày càng vững chắc hơn giữa hai nước. Nổi bật trong đó là thái độ sát cánh cùng đồng minh thông qua các tuyên bố tăng cường cam kết “không lay chuyển” của Washington bảo vệ Philippines nếu người dân, các lực lượng, tàu và máy bay quốc gia Ðông Nam Á bị tấn công trong vùng biển tranh chấp. Trong cuộc gặp, bà cũng thảo luận với Tổng thống Marcos về 21 dự án mới trị giá 82 triệu USD do Mỹ tài trợ, bao gồm mở rộng các địa điểm phòng thủ xung quanh Philippines trong khuôn khổ Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) ký năm 2014 giữa Washington và Manila.

Trong khi đó ở Palawan, khu vực giáp ranh Biển Ðông, bà Harris đề cập nhiều hơn về sức mạnh của liên minh và cam kết của chính quyền Tổng thống Biden trong duy trì trật tự dựa trên luật lệ quốc tế ở Biển Ðông và rộng hơn là Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương vì “nhận ra tác động của điều đó đối với cuộc sống cũng như sinh kế của người dân Philippines”. Theo Hãng tin AFP, sự hiện diện của bà Harris ở Palawan giúp gửi thông điệp trấn an tới Philippines khi thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với phán quyết của tòa án quốc tế năm 2016. Trước đó, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với một số vùng lãnh thổ ở ngoài khơi Palawan và phần lớn Biển Ðông. Nhưng phán quyết của Tòa Trọng tài ở The Hague (Hà Lan) đã vô hiệu hóa các yêu sách của Trung Quốc khi nói rõ các tuyên bố của họ không có cơ sở pháp lý, mang lại chiến thắng cho Manila. Song, Philippines không thể thực thi phán quyết và kể từ đó đã đệ trình hàng trăm phản đối về cái mà họ gọi là sự xâm phạm, quấy rối của lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc cùng đội tàu đánh cá khổng lồ của nước này.

Ngoài hợp tác an ninh, chuyến thăm của bà Harris còn tăng cường quan hệ đối tác giữa Washington với Manila trong nhiều lĩnh vực, bao gồm hành động chống biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế kỹ thuật số cùng hợp tác về hạt nhân dân sự, an ninh lương thực, sức khỏe và hàng hải.

Chia sẻ bài viết