24/01/2019 - 18:58

Phi công quân sự ‘’đắt sô’’ ở Mỹ 

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt phi công trầm trọng, nhiều hãng hàng không dân sự của Mỹ đã nảy ra ý tưởng sử dụng phi công trực thăng quân sự.

Theo Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), năm 1987 xứ cờ hoa có khoảng 827.000 phi công. Nhưng trong hơn 3 thập niên qua, con số này đã giảm 30%, trong khi nhu cầu bay của người dân lại tăng đáng kể. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo số lượng khách di chuyển bằng phương tiện này sẽ tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Thiếu phi công đe dọa sự tăng trưởng của ngành công nghiệp hàng không dân dụng nước này.

 Một phi công trực thăng quân sự học lái máy bay dân sự tại trung tâm huấn luyện bay ở California.

Trong bối cảnh trên, khai thác nguồn phi công trực thăng quân sự được cho là cách giải bài toán thiếu hụt phi công nhanh nhất. Shaun Perez, người từng lái trực thăng Apache ở chiến trường Afghanistan, nằm trong số hàng trăm đồng nghiệp khác đã nhận được những lời mời hấp dẫn từ các hãng hàng không nội địa.

 Theo báo cáo hồi năm 2016 của tập đoàn sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Boeing, 42% phi công thương mại của Mỹ sẽ buộc phải chia tay khoang lái ở tuổi 65 trong 10 năm tới.

Tuy nhiên, việc FAA quyết định tăng số giờ bay huấn luyện tối thiểu từ 250 giờ lên 1.500 giờ kể từ năm 2013 mới là lý do chính buộc các hãng hàng không tìm đến phi công quân sự. Chính vụ rơi máy bay làm 50 người chết ở Buffalo (New York) hồi năm 2009 đã khiến Quốc hội Mỹ phải điều chỉnh những quy định về tuyển dụng phi công đối với các hãng hàng không dân sự.

Không chỉ phải đáp ứng số giờ bay huấn luyện của FAA, các học viên thông thường phải mất nhiều năm đào tạo và tốn hơn 100.000USD để sở hữu bằng lái máy bay chở khách. Trong khi đó, phi công quân sự chỉ cần tham gia một khóa huấn luyện bổ sung kéo dài khoảng 90 ngày và tốn kém ít hơn. Hiện có 10 hãng hàng không nội địa Mỹ đang hỗ trợ những phi công trực thăng đến 50.000USD để thanh toán chi phí học lái máy bay dân sự.

Để hỗ trợ các phi công trực thăng chuyển sang nghề lái “chim sắt” dân sự, Rotary To Airline Group đã được thành lập vào cuối năm 2017. Với hơn 7.000 phi công và thợ máy, tổ chức phi lợi nhuận này giúp các hãng hàng không thiết kế những chương trình chuyển đổi phi công. Được biết, trong số 701 “lính mới” gia nhập Envoy (một nhánh của hãng American Airline) trong năm 2018, thì có hơn 25% là những người từng lái trực thăng quân sự, so với chỉ 11% và 5% lần lượt của các năm 2017 và 2016. Năm nay, Envoy dự định sẽ thuê 626 phi công, khoảng ¼ trong số này có thể đến từ chương trình chuyển đổi phi công.

Các máy bay chở khách đa động cơ có thể di chuyển nhanh hơn trực thăng khoảng 5 lần và có bảng điều khiển phức tạp hơn. Để điều khiển những cỗ máy này, các cựu phi công trực thăng quân sự phải hoàn thành bài đánh giá về khả năng vận hành máy bay cánh cố định của FAA cũng như tích lũy đủ thời gian bay cần thiết. Dù vậy, các nhà tuyển dụng cho biết nhìn chung, cựu phi công trực thăng quân sự thích nghi rất nhanh với những khác biệt về tốc độ và hệ thống điều khiển ở máy bay dân sự, đồng thời tỷ lệ hạ cánh thành công của họ cũng cao hơn những người khác.

THANH BÌNH (Theo Reuters, wcfcourier.com)

Chia sẻ bài viết