11/01/2014 - 18:27

Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội

(CT)- Ngày 11-1-2014, Ban Dân vận Trung ương tổ chức hội nghị (trực tuyến) triển khai Quyết định số 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) và các đoàn thể chính trị - xã hội (CT-XH) và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy định về việc MTTQVN, các đoàn thể CT-XH và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương và các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương chủ trì hội nghị. Dự tại điểm cầu TP Cần Thơ có đồng chí Nguyễn Hữu Lợi, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố cùng các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy, Ủy ban MTTQVN, các sở, ban, ngành thành phố; Ban Dân vận các quận, huyện...

Quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể CT-XH, có 5 Chương, 19 Điều. Quy chế quy định đối tượng giám sát của MTTQVN và các đoàn thể CT-XH là các cơ quan từ Trung ương đến cơ sở, cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước; còn đối tượng phản biện xã hội là các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước. Quy chế cũng quy định cụ thể nội dung, phạm vi, phương pháp, quyền và trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội của MTTQVN và các đoàn thể CT-XH; quyền và trách nhiệm của đối tượng được giám sát, phản biện xã hội… Trong đó, nội dung giám sát được là việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Nhà nước của cơ quan, tổ chức và cá nhân; còn nội dung phản biện xã hội tập trung vào sự cần thiết, tính cấp thiết của văn bản dự thảo; sự phù hợp của văn bản dự thảo với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, thực tiễn của đơn vị, địa phương; tính đúng đắn, khoa học, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính khả thi của văn bản dự thảo;…

Quy định về việc MTTQVN, các đoàn thể CT-XH và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, có 5 Chương, 21 Điều. Đối tượng góp ý của MTTQVN và các đoàn thể CT-XH gồm các tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở; các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương và cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Bộ Chính trị cũng quy định cụ thể nguyên tắc, phạm vi, chủ thể, nội dung, phương pháp góp ý của MTTQVN, các đoàn thể CT-XH và nhân dân trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Trong đó, nội dung góp ý đối với tổ chức Đảng là các dự thảo nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, kết luận,… của Đảng có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, chức năng, nhiệm vụ của MTTQVN, các đoàn thể CT-XH; dự thảo báo cáo chính trị của cấp ủy, tổ chức Đảng trước mỗi kỳ đại hội; mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên với nhân dân; góp ý việc thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, mối quan hệ giữa đảng viên với nhân dân. Trong xây dựng chính quyền, góp ý cho việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, việc thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, HĐND; thực hiện cải cách hành chính; phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãnh phí; việc thực hiện các quy định của pháp luật về dân chủ ở cơ sở; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, đại biểu dân cử, sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang;…

Đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, nêu rõ: Vấn đề giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân luôn được Đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc hiện thực hóa trong đời sống xã hội. Giám sát, phản biện xã hội và góp ý đã được xác định trong nghị quyết của Đảng, trong các văn bản quy phạm pháp luật nhằm phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân để xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước và chính quyền các cấp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Trong những năm qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đã thực hiện có hiệu quả vai trò của mình. Các hoạt động giám sát, phản biện xã hội, lấy ý kiến góp ý đối với một số hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Các hoạt động đã góp phần tích cực vào việc xây dựng Cương lĩnh chính trị, Hiến pháp, pháp luật, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng ý thức trách nhiệm, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, công tác giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân chưa được nhiều, nhiều nơi còn hình thức, kém hiệu quả.

Đồng chí Hà Thị Khiết nhấn mạnh: Việc Bộ Chính trị ban hành "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị- xã hội"; "Quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền" có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp đổi mới của Đảng ta trong tình hình hiện nay. Sự ra đời của Quy chế, Quy định này thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với việc phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Đây thực sự là kết quả phản ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta, là sự hòa quyện giữa ý Đảng lòng dân trong quá trình phát triển, triển khai và cụ thể hóa cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ".

QUỐC TRƯỞNG-TTXVN

Chia sẻ bài viết