|
Tổng thống Sarkozy (phải) và Tổng thống Nazarbayev của Kazakhstan. Ảnh: AFP |
Ngày 6-10, nhân chuyến thăm của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tới Thủ đô Astana, Kazakhstan đồng ý cho phép binh sĩ và trang thiết bị quân sự Pháp được phép quá cảnh ở nước này để tới Afghanistan. Tổng thống Sarkozy cùng người đồng cấp nước chủ nhà Nursulatan Nazarbayev đã chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận này.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pháp, thỏa thuận cho phép binh sĩ Pháp quá cảnh tại Kazakhstan, gồm cả đường sắt lẫn hàng không, được thảo luận 2 năm. Theo đó, nếu đi bằng xe lửa, binh sĩ Pháp có thể đi qua nước láng giềng Kyrgyzstan và Tajikistan, nơi quân Pháp đang đồn trú. Pháp cũng đang đàm phán với Kyrgyzstan để sử dụng căn cứ không quân Manas, hỗ trợ hoạt động của quân Pháp ở Afghanistan. Hiện Pháp đã được phép sử dụng không phận Tajikistan.
Kazakhstan nằm giữa Nga và 3 nước Trung Á giáp Afghanistan chứ không tiếp giáp Afghanistan, nhưng đang được phương Tây ve vãn, vì có trữ lượng dầu khí lớn và vị trí chiến lược giáp giới Trung Quốc và Nga. Đầu năm nay, Mỹ cũng đạt được thỏa thuận với Kazakhstan cho phép vận chuyển hàng phi quân sự đến Afghanistan, thông qua lãnh thổ nước này. Washington đang nỗ lực đa dạng hóa các tuyến đường cung cấp hậu cần, do tuyến quan trọng qua Pakistan thường xuyên bị quân nổi dậy tấn công. Thỏa thuận này cho phép Mỹ vận chuyển hàng bằng đường sắt thông qua Nga, Kazakhstan và Uzbekistan chi viện cho liên quân ở Afghanistan. Liên quân do Mỹ cầm đầu ở Afghanistan đang tăng quân số trong nỗ lực tiêu diệt Taliban, trước mối đe dọa khủng bố lan rộng sang Trung Á.
Tuy nhiên, trong khi Mỹ chật vật đàm phán với các nước Trung Á và chỉ nhận được các thỏa thuận phi quân sự, thì Pháp có vẻ thuận lợi hơn.
Ngoài thỏa thuận quân sự trên, các tập đoàn Pháp còn ký một loạt hợp đồng năng lượng với Kazakhstan. Thương vụ tổ hợp Total SA và GDF Suez mua 25% cổ phần dự án mỏ khí đốt Khvalynskoye ngoài khơi biển Caspie, được “chính thức hóa” bằng thỏa thuận trị giá 1,47 tỉ USD. Mỏ khí này hiện đang được tập đoàn Lukoil của Nga phát triển và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2016, với sản lượng lên tới 9 tỉ m3/năm. Với hợp đồng trên, vai trò của Total được nâng lên ở Kazakhstan, khi hãng này đang kiểm soát 16,8% cổ phần dự án mỏ dầu khổng lồ Kashagan. Tổ hợp các công ty Pháp cũng được tham gia xây dựng tuyến đường ống trị giá 2 tỉ USD liên kết mỏ Kashagan tới biển Caspie, để từ đó dầu được chuyển bằng tàu tới Azerbaijan và bơm vào đường ống dẫn tới châu Âu. Tập đoàn Thales SA của Pháp ký hợp đồng trị giá 150 triệu USD cung cấp radio cho quân đội Kazakhstan. Công ty này hy vọng đây sẽ là thỏa thuận mở đường cho hợp đồng lớn hơn, trị giá 3 tỉ USD, cung cấp thiết bị thông tin cho quân đội Kazakhstan, thị trường lâu nay thuộc về các nhà cung cấp quân sự Nga.
Ngoài ra, các công ty năng lượng hạt nhân hai bên còn thành lập liên doanh để cung cấp nhiên liệu cho các nhà máy điện hạt nhân. Kazakhstan có thể trở thành nhà cung cấp uranium lớn nhất thế giới sau khi liên kết với các đối tác ở Nga, Nhật và Trung Quốc vài năm gần đây, nhằm tham gia vào tất cả các công đoạn trong quy trình sản xuất nhiên liệu hạt nhân.
N. KIỆT (Theo Reuters, WSJ, AP)