MAI QUYÊN (Theo AP, Bloomberg)
Trong động thái đi ngược nỗ lực của Ðức và ngầm đối đầu với Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi châu Âu “nội địa hóa” tiến trình tự chủ chiến lược, cụ thể là mua sắm vũ khí do khu vực sản xuất thay vì dựa vào bên ngoài.
Tổng thống Macron tại Triển lãm Hàng không Paris.
Hồi tháng 8-2022, Thủ tướng Ðức Olaf Scholz đề xuất xây dựng hệ thống phòng không chung châu Âu trong bối cảnh xung đột Ukraine và các thách thức an ninh khác xảy ra. Theo Thủ tướng Scholz, duy trì lá chắn phòng thủ chung sẽ hiệu quả hơn về mặt chi phí so với việc từng quốc gia phát triển giải pháp riêng.
Vì mục tiêu trên, Berlin vào tháng 10-2022 công bố sáng kiến Lá chắn Bầu trời châu Âu (ESSI) trị giá 18,5 tỉ USD, cho phép những nước tham gia mua chung các tổ hợp thiết bị phòng không và tên lửa. Ðể đẩy nhanh tiến trình thực hiện, chính quyền Thủ tướng Scholz cân nhắc sử dụng các hệ thống phòng không sẵn có đã được chứng minh hiệu quả, chẳng hạn như Patriot do Mỹ chế tạo, Arrow 3 của Israel và hệ thống IRIS-T tân tiến do Ðức sản xuất.
Song, chương trình mua sắm vũ khí mà chính quyền Thủ tướng Scholz khởi xướng không làm hài lòng Pháp khi ủng hộ mua khí tài quân sự từ nước ngoài. Ðức sau đó để ngỏ cánh cửa để Paris gia nhập bằng cách bổ sung hệ thống tên lửa MAMBA do Pháp - Ý sản xuất. Nhưng chính quyền Tổng thống Macron đã bác bỏ khả năng tham gia ESSI, duy trì quan điểm rằng kế hoạch phòng thủ của Berlin không bảo vệ đầy đủ chủ quyền của châu Âu và chỉ tạo thêm mối quan hệ phụ thuộc mới.
Tính toán của Pháp
Quốc phòng là vấn đề mà Pháp và Ðức hay nảy sinh mâu thuẫn, thường Paris chủ yếu phàn nàn Berlin không đầu tư đủ cho an ninh trong nhiều thập kỷ. Nhưng khi chính quyền Thủ tướng Scholz bắt đầu cải thiện năng lực quốc phòng, Tổng thống Macron lại cho rằng sẽ sai lầm khi lao vào thực hiện bằng cách mua những gì sẵn có mà không cân nhắc giải pháp mang tính chiến lược.
Là một trong những quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, có người cho rằng động cơ của Pháp là muốn thiết lập xu hướng quốc phòng do nước này thống trị. Bác bỏ luận điểm đó, Tổng thống Macron tại cuộc họp bên lề Triển lãm Hàng không Paris khẳng định “châu Âu phải bảo vệ châu Âu”, cụ thể hơn là sử dụng khí tài khu vực sản xuất thay vì hàng nước ngoài vốn khó kiểm soát. Nói rộng ra, theo ông Macron, Liên minh châu Âu (EU) về lâu dài cần có quyền tự chủ chiến lược của riêng mình thay vì phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ thông qua NATO. Ðể làm được điều này, nhà lãnh đạo Pháp cho biết khu vực cần xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng vững mạnh và gia tăng các thỏa thuận mua bán vũ khí trong EU.
Trước mắt, Tổng thống Macron xác nhận báo cáo trước đó của hãng tin Reuters đối với việc nước này cùng với Bỉ, Cộng hòa Síp, Estonia và Hungary ký ý định thư mua chung hệ thống phòng không Mistral của Pháp. Sắp tới, ông Macron cho biết Bỉ cũng sớm tham gia dự án “Hệ thống Tác chiến trên không tương lai - FCAS”. Là đối trọng với chương trình Tempest của liên danh Anh, Ý, Thụy Ðiển và Nhật Bản, FCAS hoạt động dựa trên hợp tác giữa hãng chế tạo máy bay Airbus của châu Âu, tập đoàn Pháp Dassault Aviation cùng công ty Indra của Tây Ban Nha và một loạt nhà thầu phụ khác. FCAS cũng là dự án chủ chốt trong nỗ lực tích hợp năng lực quân sự của lục địa già, từ đó giảm bớt tình trạng phụ thuộc vào nguồn cung khí tài Mỹ.
Ðây không phải lần đầu tiên ông Macron kêu gọi các nhà lãnh đạo châu Âu mua thiết bị do khu vực sản xuất. Theo ông, châu Âu cần phát triển nền công nghiệp quốc phòng của riêng mình và đây sẽ là chìa khóa để tăng cường quyền tự chủ chiến lược. Tự chủ chiến lược là khái niệm được Tổng thống Macron nhiều lần kêu gọi châu Âu hướng đến. Nó phản ánh sự kiên định của giới tinh hoa Pháp đối với tư duy “đồng minh nhưng không liên kết”, kể cả là quốc gia có truyền thống hợp tác lâu đời như Mỹ.