(TTXVN)- Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) - thành lập 5 thập kỷ trước đây với mục tiêu thống nhất chính sách của các nước xuất khẩu dầu - đang bị chia rẽ sâu sắc vì kế hoạch cắt giảm sản lượng và nâng giá dầu.
Bộ trưởng dầu mỏ Iran, Gholamhossein Nozari cho biết quan điểm của Iran muốn OPEC cắt giảm sản lượng tới 2,5 triệu thùng mỗi ngày, tương đương 8% sản lượng của OPEC và bằng mức sản xuất của Koweit. Trong khi đó Bộ trưởng dầu mỏ Algérie, nước đang là Chủ tịch luân phiên của OPEC, nói rằng OPEC có kế hoạch cắt giảm sản lượng, nhưng chỉ khoảng 1 triệu thùng/ngày. Hiện nay có hai quan điểm trái ngược trong OPEC khó hòa giải giữa Arabie Séoudite, nước có tiếng nói quan trọng nhất của OPEC và 2 thành viên là Venezuela và Iran về vấn đề cắt giảm sản lượng.
Giá dầu thô đã giảm 53% từ mức đỉnh 147,27 USD/thùng ngày 11-7-2008. Ngày 22-10 giá dầu giao dịch tại New York chỉ còn chưa đến 70 USD/thùng. Theo các nhà phân tích của hãng tin kinh tế Bloomberg, mâu thuẫn của OPEC xảy ra vì nhu cầu các nước thành viên đa dạng. Theo đánh giá của Merrill Lynch, Arabie Séoudite chấp nhận giá dầu không thấp hơn 30 USD/thùng, trong khi Các tiểu vương quốc A-rập thống nhất muốn giá không xuống thấp hơn 40 USD và Koweit là 55 USD. Iran lại muốn giá dầu phải đứng ở mức 100 USD/thùng, còn Venezuela muốn giá dầu cao hơn, tới 120 USD/thùng.
Arabie Séoudite chưa đưa ra quan điểm chính thức, nhưng có thể sẽ chống lại ý định cắt giảm sản lượng trên 1 triệu thùng/ngày vì sức ép của các nước phương Tây.