Trước quyết tâm gần như kiên định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với quyền kiểm soát Greenland, một số chuyên gia băn khoăn không biết động cơ đã thúc đẩy tỉ phú New York muốn mua đảo tự trị thuộc Ðan Mạch.
![Ông Trump và tham vọng Greenland của Mỹ](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250215/images/pic.webp)
Thuyền đánh cá đậu trong bến cảng ở thị trấn Uummannaq ở phía Tây Greenland. Ảnh: Reuters
Giá trị của Greenland
Tổng thống Trump khẳng định, việc Mỹ kiểm soát Greenland là cần thiết để “bảo vệ thế giới tự do” và “đảm bảo an ninh toàn cầu”. Nhưng trong một lưu ý, Giáo sư Rob Huebert của Ðại học Calgary (Canada) chỉ ra Ðan Mạch là một phần của Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) do Washington dẫn đầu. Hệ thống giám sát của Greenland cũng kết nối với Bộ Tư lệnh Phòng thủ Hàng không Vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) thông qua Căn cứ Không gian Pituffik. Trung tâm này của Mỹ chuyên về phòng thủ tên lửa và nghiên cứu khoa học ở bờ biển Tây Bắc Greenland. “Chúng ta không nghĩ ra được cấu trúc an ninh địa chính trị nào trọn vẹn hơn những gì Greenland và Ðan Mạch đang có” - Giáo sư Huebert lưu ý.
Trong khi đó, Giáo sư Marc Lanteigne tại Ðại học Bắc Cực của Na Uy suy đoán Tổng thống Trump muốn sở hữu Greenland có thể vì giá trị của tài nguyên. Vùng đảo tự trị của Ðan Mạch có trữ lượng lớn dầu mỏ, khí đốt cùng nhiều khoáng sản quan trọng, kim loại quý và đất hiếm. Rất nhiều trong số đó chưa được khai thác do khủng hoảng khí hậu. Dù vậy, có ý kiến nói rằng tất cả điều trên vẫn chưa giải thích đầy đủ sự “say mê” của ông Trump với Greenland. Về suy nghĩ này, Giáo sư Marc Lanteigne nói rằng có thể Tổng thống Trump gắn tên mình với hòn đảo ở Bắc Cực vì muốn để lại dấu ấn riêng, khiến người dân Mỹ nhớ tới ông giống những người tiền nhiệm nổi tiếng trong quá khứ, điển hình như cố Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt. Hướng tiếp cận này đồng thời làm nhớ lại chủ nghĩa bành trướng của các cường quốc thế kỷ 19 để xây dựng vùng đệm xung quanh lợi ích quốc gia. Quan điểm này có thể lý giải cho mối quan tâm tương tự của Tổng thống Trump với Canada, Gaza và Kênh đào Panama.
Một trong những thỏa thuận đất đai địa chính trị gần đây nhất là vào năm 2017, khi Ai Cập nhượng lại chủ quyền của các đảo hầu như không có người là Tiran (80km2) và Sanafir (33km2) cho Saudi Arabia. Greenland rộng hơn nhiều với diện tích 2,166 triệu km2 và là nơi sinh sống của hơn 56.000 người. Ðể định giá bằng tiền cho một vùng lãnh thổ có kinh tế, chính quyền và nguồn lực riêng như vậy không dễ.
Theo cựu chuyên gia kinh tế tại Cục Dự trữ Liên bang New York David Barker, Mỹ từng mua lại Alaska với giá 7,2 triệu USD vào năm 1867 (xấp xỉ 242 triệu USD ngày nay). Trong Chiến tranh Thế giới thứ 1, Washington cũng mua lại Quần đảo Virgin từ Ðan Mạch với số vàng trị giá 25 triệu USD (tương đương 61 triệu USD theo tỉ giá hiện tại) vì lo Ðức Quốc xã sử dụng quần đảo này làm căn cứ hải quân. Khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Robert Lansing được cho đã đề xuất rằng nếu Ðan Mạch không muốn bán, Washington có thể dùng vũ lực chiếm đóng các đảo.
Nếu xét giá trị tài nguyên thiên nhiên, ông Barker cho biết Greenland có thể được định giá từ 12,5 đến 77 tỉ USD. Trước Chiến tranh Lạnh, Tổng thống Mỹ Harry S. Truman năm 1946 đã âm thầm đề xuất trả cho Ðan Mạch số vàng trị giá 100 triệu USD để đổi lấy hòn đảo phía Bắc. Ngoài sử dụng tiền mặt, tài liệu từ Cục Lưu trữ Quốc gia cho thấy Mỹ có thể trao đổi đất đai ở quận Point Barrow của Alaska để lấy một số khu vực giá trị về mặt quân sự của Greenland. Kế hoạch này, nếu được thông qua, cho phép Ðan Mạch làm chủ bất kỳ mỏ dầu nào được phát hiện ở Point Barrow.
Liệu ông Trump có thể đạt thỏa thuận?
Mối quan tâm của Tổng thống Trump không viển vông như bề ngoài, thay vào đó, Greenland gắn liền với tham vọng của Mỹ trong hơn một thế kỷ. Về ý nghĩa chiến lược, nếu biết thời tiết ở Greenland như thế nào thì sẽ biết thời tiết ở châu Âu như thế sau 48 giờ. Ðây là yếu tố quan trọng nếu xảy ra xung đột. Về kinh tế, khi băng tan ở Bắc Cực do biến đổi khí hậu, các tuyến vận chuyển ngắn hơn đang được mở ra giữa châu Âu, châu Á và Nga. Sẽ là bước ngoặt với Mỹ trước các đối thủ nếu giành quyền kiểm soát “bất động sản hạng sang” ở Bắc Cực.
Trong nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Trump đã đề xuất thỏa thuận liên quan Greenland nhưng nhanh chóng bị Ðan Mạch phản đối. Trong nhiệm kỳ này, ông Trump dường như sẽ không dễ bỏ qua. Từ khi nắm quyền hồi tháng 1, nhà lãnh đạo Mỹ đã nêu trực tiếp vấn đề với Thủ tướng Ðan Mạch Mette Frederiksen và phát đi cảnh báo áp thuế. Tỉ phú New York thậm chí không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để kiểm soát Greenland. Một số thành viên đảng Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ cũng đang ủng hộ Tổng thống Trump. Ngày 11-2, nghị sĩ Buddy Carter còn đệ trình dự luật đổi tên đảo Greenland thành “Red, White, and Blueland” (tạm dịch: Vùng đất Ðỏ, Trắng và Xanh). Dự luật cũng cho phép Tổng thống Trump đàm phán với Ðan Mạch để mua hoặc tiếp quản Greenland theo cách khác. “Nước Mỹ đã trở lại và sẽ sớm lớn mạnh hơn bao giờ hết với sự bổ sung của Vùng đất Ðỏ, Trắng và Xanh” - ông Carter cho biết.
Về lý thuyết, Tổng thống Trump sẽ cần đàm phán với Nuuk - thủ đô và là thành phố lớn nhất của Greenland. Theo kết quả thăm dò ý kiến gần đây do tờ báo Ðan Mạch Berlingske và nhật báo Sermitsiaq của Greenland ủy quyền cho thấy, 85% người dân vùng lãnh thổ này không muốn trở thành một phần của Mỹ. Gần một nửa trong số đó coi sự quan tâm của Tổng thống Trump là mối đe dọa. Trong vô số kịch bản, giới quan sát cho biết thực tế nhất là Mỹ sẽ thuyết phục dư luận Greenland chuyển sang độc lập. Như vậy, Washington có thể đàm phán với một chính phủ ít cứng rắn hơn.
MAI QUYÊN (Theo ABC News, financialpost)