Trước sắc lệnh mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắm vào Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), các nhà hoạt động cảnh báo động thái răn đe này đi ngược lại lợi ích của Mỹ tại những khu vực xung đột mà tổ chức tư pháp quốc tế trụ sở ở Hà Lan đang điều tra.
![Ông Trump trừng phạt ICC](https://baocantho.com.vn/image/fckeditor/upload/2025/20250207/images/16-1.webp)
Trụ sở ICC tại thành phố The Hague, Hà Lan. Ảnh: ICC
Ngày 6-2, Tổng thống Trump ký sắc lệnh cho phép áp dụng trừng phạt kinh tế và nhập cảnh đối với những người làm việc trong ICC, sau cáo buộc cơ quan này lạm dụng quyền lực tiến hành các cuộc điều tra “vô căn cứ” cũng như phát lệnh bắt giữ gây nguy hiểm cho công dân và quân nhân Mỹ. Hành động của Nhà Trắng cũng đáp trả lệnh bắt hồi tháng 11-2024 của ICC đối với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và cựu Bộ trưởng Quốc phòng nước này Yoav Gallant về cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người ở Gaza. Ông chủ Nhà Trắng ký sắc lệnh này khi Thủ tướng Netanyahu đang thăm Washington.
Tổng Thư ký Tổ chức Ân xá Quốc tế Agnès Callamard chỉ trích sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ mang tính trả thù và gửi đi thông điệp rằng Israel đứng trên luật pháp và các nguyên tắc chung của công lý quốc tế. Đây không phải lần đầu Tổng thống Trump nhắm vào ICC. Ở nhiệm kỳ đầu, ông Trump đã áp trừng phạt lên quan chức cấp cao ICC sau khi cơ quan này tiến hành điều tra Mỹ có phạm tội ác chiến tranh ở Afghanistan hay không. Trong sắc lệnh mới, chủ nhân Nhà Trắng nêu rõ ICC không có thẩm quyền đối với Mỹ hoặc Israel; nói thêm rằng “hành vi ác ý” của tòa án tạo ra tiền lệ nguy hiểm đe dọa xâm phạm chủ quyền của Mỹ; làm suy yếu công tác an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại quan trọng của Washington cùng những đồng minh thân cận như Israel.
Ông Trump trong sắc lệnh còn đề nghị tổ chức tư pháp quốc tế phải tôn trọng quyết định của những nước không đưa nhân sự vào quyền tài phán của ICC. Năm 2001, ICC thành lập để điều tra các hành vi tàn bạo bị cáo buộc sau sự tan rã của Nam Tư và cuộc diệt chủng ở Rwanda. Sự ra đời của tổ chức cấu thành cải cách quan trọng nhất của luật pháp quốc tế từ năm 1945 khi cung cấp thẩm quyền truy tố và xét xử những cá nhân bị cáo buộc thực hiện 4 tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất gồm diệt chủng, tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và xâm lược. Hiện có 125 quốc gia phê chuẩn hiệp ước gọi là Quy chế Rome, trong đó yêu cầu tất cả thành viên bắt giữ và giao nộp cá nhân mà ICC có lệnh bắt giữ nếu họ đặt chân vào lãnh thổ mình.
Giống như Israel hay Trung Quốc và Nga, Mỹ không phải thành viên hoặc công nhận ICC. Năm 2002, Washington ra luật cho phép Lầu Năm Góc giải phóng bất kỳ công dân Mỹ hoặc nước đồng minh bị tòa này giam giữ. Hiện Nga cũng cấm Công tố viên trưởng ICC Karim Khan nhập cảnh và đưa ông cùng 2 thẩm phán ICC vào danh sách truy nã sau khi cơ quan này ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin với cáo buộc liên quan cuộc chiến ở Ukraine.
Được biết, trong lệnh mới, Tổng thống Mỹ có quyền hạn rộng rãi trong việc đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh đối với nhân viên ICC cùng thành viên gia đình nếu Washington xác định họ chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm của ICC trong các cuộc điều tra hoặc truy tố công dân Mỹ và một số nước đồng minh nhất định. Hiện chưa rõ danh sách cá nhân cụ thể bị trừng phạt, nhưng các quan chức ICC đã chuẩn bị cho các lệnh trừng phạt tác động đến những nhân vật cấp cao, bao gồm Công tố viên trưởng Karim Khan. Trước đó, người tiền nhiệm Fatou Bensouda bị Mỹ áp lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản sau quyết định của bà trong cuộc điều tra tội ác chiến tranh ở Afghanistan và các cáo buộc liên quan lực lượng vũ trang Israel trên vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Sau khi tiếp quản ghế công tố viên trưởng, ông Khan đã đẩy nhanh tiến trình điều tra kể từ vụ Hamas tấn công Israel vào tháng 10-2023 và các đợt ném bom trả đũa của Nhà nước Do Thái ở Gaza.
ICC đã có biện pháp bảo vệ nhân viên trước lệnh trừng phạt tài chính của Mỹ khi trả trước 3 tháng lương. Cuối năm ngoái, Chủ tịch ICC Tomoko Akane cảnh báo rằng lệnh cấm vận tiềm năng của chính quyền Trump có thể nhanh chóng gây tổn hại hoạt động của tòa án trong mọi tình huống và mọi vụ án.
Chính quyền Mỹ bị kiện liên quan đến giải thể USAID
Ngày 6-2, Liên đoàn viên chức chính phủ lớn nhất của Mỹ và Hiệp hội công nhân dịch vụ đối ngoại Mỹ đã đệ đơn kiện chính quyền Tổng thống Donald Trump nhằm đảo ngược quyết định giải thể Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID).
Ðơn kiện được đệ trình lên Tòa án liên bang Washington D.C với bị đơn là Tổng thống Trump, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ. Các nguyên đơn cáo buộc chính quyền Mỹ đã có các hành vi “vi hiến và bất hợp pháp”, tạo ra một “cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn cầu”. Những hành động bị coi là vi hiến bao gồm các sắc lệnh ngày 20-1 của Tổng thống Trump tạm dừng mọi viện trợ nước ngoài của Mỹ và yêu cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ dừng các dự án của USAID trên toàn cầu.
Các nguyên đơn cho rằng không một hành động nào nêu trên được thực hiện theo sự cho phép của Quốc hội, cơ quan duy nhất có quyền giải thể USAID theo luật liên bang. Vì thế, bên nguyên yêu cầu Tòa án liên bang Washington D.C ra phán quyết khôi phục nguồn tài trợ của USAID, mở lại các văn phòng và chặn các lệnh tiếp theo nhằm vào cơ quan này.
|
MAI QUYÊN (Theo Reuters, ABC NEWS)