23/12/2020 - 20:07

Ông Trump nỗ lực phút chót giúp Israel 

Washington có thể tăng gấp đôi quỹ đầu tư từ hạn mức 1 tỉ USD hiện tại nếu Indonesia nối gót các quốc gia Trung Đông thiết lập quan hệ với Israel, Tổng Giám đốc Cơ quan Phát triển Tài chính Quốc tế Mỹ (DFC) Adam Boehler tiết lộ.

Quốc vương Maroc Mohammed VI (phải) gặp Cố vấn Nhà Trắng Kushner (giữa) và đại diện Israel hôm 22-12. Ảnh: GPO

Quốc vương Maroc Mohammed VI (phải) gặp Cố vấn Nhà Trắng Kushner (giữa) và đại diện Israel hôm 22-12. Ảnh: GPO

Tuần rồi, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã lên tiếng phản đối các thỏa thuận bình thường hóa gần đây giữa Israel với Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Sudan và Maroc. Jakatar đồng thời khẳng định không thiết lập quan hệ với Tel Aviv cho tới khi một Nhà nước Palestine được thành lập. Nhưng trong buổi phỏng vấn hôm 21-12, ông Boehler cho biết DFC vẫn đang thảo luận với Indonesia vấn đề trên. Nếu chính quyền Tổng thống Widodo sẵn sàng, cơ quan này có thể tăng nguồn tài trợ cho quốc gia có đông người Hồi giáo nhất thế giới thêm “một hoặc hai tỉ USD”.

Hiện tại, ông Boehler đang tham gia phái đoàn do Cố vấn Nhà Trắng Jared Kushner dẫn đầu tới Israel và Maroc để củng cố thỏa thuận bình thường hóa quan hệ hai nước theo Hiệp định Abraham do Mỹ làm trung gian. Ngày 22-12, tuyên bố chung giữa Maroc, Mỹ và Israel được công bố tại thủ đô Rabat của Maroc, nêu rõ “hai nước nhất trí ngay lập tức nối lại toàn bộ các kênh liên lạc chính thức và thiết lập đầy đủ các quan hệ ngoại giao, hòa bình và hữu nghị”. Cũng theo tuyên bố, Israel và Maroc nhất trí mở đường bay thẳng giữa 2 quốc gia, thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương năng động và sáng tạo. Bên cạnh đó, 2 nước cũng theo đuổi hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, tài chính và đầu tư, đổi mới và công nghệ, hàng không dân dụng, các dịch vụ thị thực và lãnh sự, du lịch, nguồn nước, nông nghiệp và an ninh lương thực.

Trước đó, ông Boehler cho biết DFC đã tham gia thành lập quỹ trị giá 3 tỉ USD giữa Mỹ với Israel và UAE để hỗ trợ đầu tư trong khu vực. Một trong những giao dịch tiềm năng đang được thẩm định là dự án xây dựng đường ống dẫn dầu từ UAE đến các cảng của Israel qua Saudi Arabia. Theo các chuyên gia kinh tế, dự án này sẽ vận chuyển dầu thô từ Trung Đông ra thị trường và phá vỡ các tuyến đường qua eo biển Hormuz, bờ biển Somalia. Không chỉ tiết kiệm chi phí vận chuyển dầu thô bằng tàu qua kênh đào Suez của Ai Cập và mang về bộn tiền cho Israel, dự án trên còn phù hợp với chiến lược của Mỹ tăng xuất khẩu khí đốt sang các quốc gia Trung Á, châu Âu để giảm ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc. Liên quan Bắc Kinh, ông Boehler nói thêm rằng ưu tiên trước khi ông Trump rời nhiệm sở vào đầu năm sau là hỗ trợ tái cấp vốn cho các nước Mỹ Latinh đang nợ Trung Quốc hàng tỉ USD.  “Chúng tôi đang thảo luận về việc liệu có thể triển khai một số trợ giúp trước ngày 20-1-2021 hay không, bởi đây là cơ hội để họ thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc” - ông Boehler nhấn mạnh.

Về phần chính quyền mới, Giám đốc DFC cho biết họ nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng và ông tin Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden cũng sẽ hỗ trợ các động thái này. Tuy cho biết sẽ đảo ngược nhiều chính sách của người tiền nhiệm, ông Biden từng hoan nghênh các thỏa thuận giữa Israel và thế giới Arab trong khi nhiều thành viên đảng Dân chủ chỉ trích bản chất các giao dịch này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 22-12 bày tỏ tiếc nuối khi tiến trình đàm phán giữa Israel và Lebanon về phân định biên giới trên biển và đất liền rơi vào bế tắc. Ông Pompeo đồng thời tái khẳng định Washington sẵn sàng cho vai trò trung gian hòa giải và thúc giục cả hai bên duy trì đàm phán dựa trên các yêu sách hàng hải tương ứng mà cả hai đã trình lên Liên Hiệp Quốc.

MAI QUYÊN (Theo Bloomberg, Times of Israel)

Chia sẻ bài viết