24/09/2020 - 23:06

Ông Trump lấp lửng chuyện chuyển giao quyền lực 

Tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về viễn cảnh “hậu bầu cử” dự báo quá trình chuyển giao quyền lực ở Mỹ có thể rơi vào hỗn loạn một khi ông thất bại trước đối thủ Joe Biden.

Cử tri ở 4 bang của Mỹ bắt đầu bỏ phiếu sớm hôm 18-9. Ảnh: AP

Chuyển giao quyền lực một cách suôn sẻ sau bầu cử tổng thống được coi là nguyên tắc dân chủ cơ bản ở Mỹ, thường bắt đầu ngay sau khi xác định người chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Thay vì cam kết tiến trình này diễn ra liền mạch, Tổng thống Trump tại cuộc họp báo hôm 23-9 lần nữa nghi ngờ tính công bằng của cuộc bầu cử và đề nghị mọi người “chờ xem điều gì xảy ra”.

Trước đó, Tổng thống Trump nhiều lần cảnh báo nguy cơ gian lận làm sai lệch kết quả bầu cử nếu các bang áp dụng hình thức bỏ phiếu qua thư theo lời kêu gọi của đảng Dân chủ. Nói với cánh phóng viên mới đây, Tổng thống Trump dường như còn có ý muốn hủy bỏ số lượng lớn các lá phiếu gởi qua bưu điện để có kỳ “bầu cử yên bình”. Tuần rồi, Twitter đã khóa tương tác bài đăng của ông Trump sau khi chủ nhân Nhà Trắng cảnh báo trường hợp số lượng phiếu bầu “mới và lớn chưa từng có” được gửi tới những người “không yêu cầu”. Ông Trump lập luận những người này có thể không nằm trong danh sách cử tri đã đăng ký, tạo ra những lá phiếu giả mạo.

Nếu kịch bản trên diễn ra, Tổng thống Trump không che giấu việc tiếp tục nắm quyền và sẽ không chuyển giao quyền lực. Cách đó một ngày, ông tuyên bố không loại trừ khả năng tranh chấp kết quả bầu cử sẽ được giải quyết tại Tòa án Tối cao. Ðây sẽ là tiền lệ chưa từng có bởi mọi ứng cử viên tổng thống Mỹ thất cử trong thời hiện đại đều chấp nhận thua cuộc ngay cả khi kết quả rất sít sao, điển hình như vụ George W. Bush thắng Al Gore tại tiểu bang Florida vào năm 2000.

Ứng viên Biden nói rằng ông không biết mình “đang ở nước nào” và thật sự “cạn lời” trước những tuyên bố “phi lý” của Tổng thống Trump. Trong khi đó, ban vận động tranh cử của ông Biden xác nhận họ đã chuẩn bị kỹ càng để đối phó bất kỳ “trò tai quái nào” từ ông Trump; đồng thời nhắc lại Chính phủ Mỹ hoàn toàn có khả năng “cưỡng chế” những kẻ xâm phạm ra khỏi Nhà Trắng.

Theo các nhà quan sát, việc một tổng thống Mỹ đương nhiệm không hoàn toàn tin tưởng quy trình bầu cử của nền dân chủ nước nhà là hết sức bất thường. Nhưng nếu xét lại kỳ bầu cử năm 2016, ông Trump cũng đã từ chối cam kết chấp nhận kết quả trong cuộc đua với ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton. Vì lẽ này, đảng Dân chủ kể từ khi khởi tranh cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 vẫn lo ngại nguy cơ ông Trump cố bám ghế bằng cách sử dụng các quyền hạn của tổng thống hoặc lôi kéo quân đội can thiệp. Trước suy đoán đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley trong phiên điều trần hồi tháng 7 cương quyết bảo vệ bản chất phi đảng phái của quân đội.

Hiện Tổng thống Trump đang đẩy nhanh tiến trình đề cử một thẩm phán Tòa án Tối cao thay thế bà Ruth Bader Ginsburg, người đã qua đời hôm 18-9 vì ung thư tụy. Ông cho biết sẽ công bố lựa chọn vào ngày 26-9 bất chấp sự phản đối của đảng Dân chủ, đồng thời kêu gọi Thượng viện bỏ phiếu thông qua đề cử của ông trước khi diễn ra cuộc bầu cử.

MAI QUYÊN (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết