29/10/2019 - 13:32

Ông Trump được, mất trong vụ tiêu diệt thủ lĩnh IS 

Xung quanh tin tức thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt, có ý kiến cho rằng sự kiện này giúp Tổng thống Donald Trump đảo ngược “sóng gió” trên chính trường, trong khi số khác quan ngại thói quen “khoe thành tích” của chủ nhân Nhà Trắng ảnh hưởng hoạt động quân sự bí mật trong tương lai.

Hôm 27-10, Tổng thống Trump xác nhận thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong cuộc đột kích nửa đêm của lực lượng đặc nhiệm Mỹ tại ngôi làng nhỏ Barisha ở Tây Bắc Syria. Cái chết của kẻ khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới đánh dấu cột mốc quan trọng của liên quân do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống IS tại Iraq và Syria. Cũng có thể coi đây là thành tựu tiêu biểu của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, bên cạnh đà tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ.

Đặc biệt, sự kiện này phần nào giúp chủ nhân Nhà Trắng “ghi điểm” khi ông đang bị bủa vây trong cuộc điều tra luận tội và làn sóng chỉ trích quanh quyết định rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Syria. Còn nhớ tỷ lệ ủng hộ dành cho cựu Tổng thống Barack Obama đã tăng từ 46% lên 52% sau chiến dịch tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden tại Pakistan hồi năm 2011. Nhưng nếu như người tiền nhiệm chỉ dành 10 phút để thông báo, Tổng thống Trump trong cuộc họp báo kéo dài 48 phút đã thuật lại đầy đủ và đi sâu vào những chi tiết nhạy cảm về chiến dịch tuyệt mật ở Syria. Đáng chú ý nhất là mô tả cụ thể của ông Trump về hoạt động giám sát từ xa, thu thập thông tin kẻ thù cùng với số lượng, tuyến hoạt động của phi đội trực thăng chiến đấu. Lãnh đạo Mỹ còn công khai phương thức lực lượng biệt kích Delta thi hành nhiệm vụ, kể cả thời gian triển khai bao lâu.

Bài phát biểu của Tổng thống Trump được cho là vượt xa nội dung cần thông báo ngay lập tức gây lo lắng cho các tướng lĩnh quân đội. Nhiều cựu quan chức không hiểu lý do ông Trump công khai thông tin mang tính rủi ro như vậy. Theo cựu Trung tướng Michael Nagata từng phụ trách đơn vị đặc nhiệm chống IS của Mỹ giai đoạn đầu, các nhóm khủng bố dĩ nhiên hiểu biết về quân đội Mỹ nhưng chỉ dừng lại ở mức nào đó. Nhưng “nhờ” Tổng thống Trump, đối phương giờ đây có thể suy ra cách lực lượng chống khủng bố Mỹ thu thập thông tin và thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm.

Tổng thống Trump (giữa) cùng các quan chức cấp cao theo dõi chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS tại Phòng Tình huống của Nhà Trắng. Ảnh: White House

Điều này có thể gây khó khăn cho hoạt động tình báo và đe dọa chiến dịch quân sự bí mật của Lầu Năm Góc trong tương lai, nhất là khi nhiệm vụ tiêu diệt thủ lĩnh IS đã thành công nhưng không đồng nghĩa tổ chức này hoàn toàn đã bị xóa sổ. Theo hãng Newsweek, IS mới đây đã chỉ định thủ lĩnh mới là Abdullah Qardash, còn gọi là Hajji Abdullah al-Afari. Qardash từng là cựu sĩ quan quân sự Iraq và phục vụ chính quyền dưới thời nhà lãnh đạo Saddam Hussein.

Đảng Dân chủ lại nổi giận

Mặc dù cuộc đột kích thành công, nhưng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngược lại không tán thành chính quyền Trump lấy lý do “sợ rò rỉ”  để che giấu đảng Dân chủ về chiến dịch ở Syria. Theo luật, Tổng thống Mỹ phải thông báo cho Nhóm 8 gồm lãnh đạo hai đảng và chủ tịch ủy ban tình báo tại lưỡng viện quốc hội về các hành động bí mật. Song, ông Trump lần này chỉ báo cho thành viên đảng Cộng hòa là Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Richard Burr và thượng nghị sĩ Lindsey Graham vốn không nằm trong danh sách quy định. Ngược lại, phe Dân chủ bị loại trừ gồm có Chủ tịch Pelosi, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer và Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff.

Điều khiến bà Pelosi tức giận hơn hết là tổng thống giải thích việc giữ bí mật với đảng Dân chủ là để tránh “tổn thất về người”, nhưng cũng chính ông cho biết đã báo trước với Nga về chiến lược của Washington trong khu vực. Một số ý kiến cho rằng ông Trump lo ngại nguy cơ rò rỉ là điều dễ hiểu sau nhiều vụ tin tức quan trọng trong Nhà Trắng bị tuồn ra ngoài. Nhưng vấn đề là các vụ rò rỉ nghiêm trọng không xuất phát từ đảng Dân chủ mà bắt nguồn từ vòng tròn quyền lực xung quanh Tổng thống. Cũng qua tranh cãi lần này, giới quan sát cho biết chia rẽ giữa hai chính đảng ở Mỹ và giữa quốc hội với chính quyền Tổng thống Trump đang ngày càng lớn hơn.

MAI QUYÊN (Theo Politico, Guardian)

Chia sẻ bài viết