Một vụ ám sát có thể thay đổi cuộc đua tới Nhà Trắng như thế nào? Ðây là câu hỏi mà cử tri Mỹ đã phải hỏi tới 2 lần trong mùa bầu cử năm nay, khi ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump liên tiếp đối mặt âm mưu bạo lực.
Chiến dịch của ông Trump hy vọng sẽ thu hút được sự chú ý của người dân Mỹ sau khi thoát ám sát lần 2. Ảnh: Reuters
Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 đang bước vào giai đoạn nước rút khi còn chưa tới 2 tháng là đến ngày bỏ phiếu, thậm chí nhiều lá phiếu sớm đã được gửi qua thư ở một số nơi. Ðối với sự kiện quan trọng diễn ra 4 năm một lần ở Mỹ, giới quan sát đánh giá chiến dịch tranh cử tổng thống năm nay là một trong những kỳ hỗn loạn nhất trong lịch sử xứ cờ hoa khi một ứng viên tổng thống đối mặt tới 2 lần ám sát bất thành.
Trong vụ việc mới nhất làm tăng thêm bầu không khí căng thẳng, Cục Ðiều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã bắt giữ nghi phạm nhưng chưa cung cấp thông tin chi tiết về động cơ của kẻ này. Tuy nhiên, ông Trump khi trả lời phỏng vấn kênh Fox News cáo buộc đương kim Tổng thống Joe Biden cùng cấp phó Kamala Harris “phá hủy đất nước từ bên trong lẫn bên ngoài”, rằng những phát biểu cực kỳ kích động như mô tả ông “phát xít” hay “mối đe dọa với nền dân chủ” của lãnh đạo cấp cao Nhà Trắng đã truyền cảm hứng cho những nỗ lực ám sát. “Vì những lời lẽ của phe cánh tả, súng đã nổ và tình hình sẽ chỉ trở nên tồi tệ hơn” - ông Trump nói trong bài đăng đổ lỗi phản ứng bạo lực của phe cánh tả đã đẩy nước Mỹ tới bờ vực mới của lòng căm thù, sự lạm dụng và nghi ngờ.
Trong khi cánh hữu chỉ trích và lan truyền thuyết âm mưu về một nhà nước ngầm, những người cánh tả ngược lại nghi ngờ vụ ám sát cựu Tổng thống Trump là “kịch bản” được dựng lên trước đồn đãi cho rằng bị nhắm mục tiêu lần 2 là cơ hội để chiến dịch tranh cử của đảng Cộng hòa thúc đẩy hoạt động gây quỹ đang bị chậm lại ở thời điểm bà Harris dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò. Ý kiến này dựa trên cơ sở vụ tấn công hồi tháng 7, khi đó hình ảnh cựu tổng thống đổ máu khi một viên đạn sượt qua tai nhưng vẫn không ngừng thúc giục người ủng hộ “chiến đấu” đã giúp ông đạt bước tiến chính trị khi hoàn toàn được ủng hộ tại Ðại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa. Trong những lần xuất hiện tiếp theo, ông Trump với một bên tai bị thương đã ghi dấu ấn mạnh với cử tri và gần như đảm bảo chiến thắng vào tháng 11 bởi đối thủ lúc đó, Tổng thống Biden bị tụt lại rất nhiều sau màn tranh luận thảm hại vào cuối tháng 6.
Trong khi đảng Cộng hòa giữ thái độ lạc quan, chuyên gia Rina Shah cho biết phản ứng im lặng của cộng đồng với sự cố mới nhất có thể khiến họ thất vọng. Theo chuyên gia chính sách và chính trị Michael Fauntroy tại Ðại học George Mason, sự thờ ơ ngoài kia phản ánh mức độ “bình thường hóa” của mối đe dọa bạo lực trong đời sống chính trị Mỹ. Nhiều kênh truyền thông còn dự báo hỗn loạn chắc chắn sẽ xảy ra vào tháng 11, trong đó nước Mỹ sẽ đối mặt nhiều vụ tương tự sự kiện bạo loạn trên Ðồi Capitol nếu đại cử tri đoàn bỏ phiếu xác nhận chiến thắng của ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Harris. Viễn cảnh như vậy cũng không có gì lạ khi sự phân cực cực độ, phủ nhận bầu cử, các vụ truy tố lịch sử và thông tin sai lệch đã tràn lan ở Mỹ những năm qua.
Ngày 15-9, đội ngũ tranh cử của ông Trump cho biết nhiều phát súng đã được bắn về phía ứng viên tổng thống của đảng Cộng hòa khi ông đang chơi golf tại sân của mình ở West Palm Beach, bang Florida, song may mắn ông vẫn an toàn. Nghi phạm Ryan Wesley Routh sau đó đã bị bắt giữ.
MAI QUYÊN (Theo AP, Guardian)