Trong bài phát biểu ngắn trên truyền hình tối 27-2, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã thông báo quyết định thay thế một số bộ trưởng quan trọng trong chính phủ, trong đó có Bộ trưởng Ngoại giao, Nội vụ và Quốc phòng.
Ông chủ Điện Élysée tuyên bố cựu Thủ tướng Alain Juppé, 66 tuổi, nguyên là Bộ trưởng Quốc phòng, sẽ giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao và các vấn đề châu Âu, thay bà Michele Alliot-Marie, người đã đệ đơn từ chức chiều 27-2, sau nhiều tuần hứng chịu những chỉ trích của dư luận về chuyến thăm Tunisie của bà trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng ở nước này, cho dù bà khẳng định không làm điều gì sai trái.
Trong khi đó, ghế bộ trưởng quốc phòng sẽ được trao cho ông Gérard Longuet, nhân vật từng đảm nhiệm chức bộ trưởng công nghiệp và hiện là thủ lĩnh của đảng cầm quyền tại Thượng viện Pháp. Bộ trưởng Nội vụ, Lãnh thổ Hải ngoại và Nhập cư Brice Hortefueux vốn gây nhiều tai tiếng vì những phát ngôn phân biệt đối xử sẽ nhường chỗ cho ông Claude Guéant, Tổng Thư ký Phủ Tổng thống (Điện Élysée) và được coi là người có mối quan hệ thân cận với Tổng thống Sarkozy.
Phản ứng trước đợt cải tổ nội các lần thứ 4 trong vòng 11 tháng qua ở Pháp, nhà lãnh đạo đảng đối lập Ségolène Royal cho rằng Tổng thống Sarkozy bị nhiều áp lực buộc phải “trảm khẩn cấp” những vị bộ trưởng mà bà Royal cho là “chỉ biết tuân theo mệnh lệnh của Sarkozy”. Thủ lĩnh đảng Mặt trận Dân tộc theo đường lối cực hữu Marine Le Pen thì cho rằng “sách lược đối ngoại của nước Pháp thời gian qua và trong tương lai không phải do bà Alliot-Marie hay ông Alain Juppé thực hiện mà chính ông Sarkozy trực tiếp can dự”. Giới phân tích cho rằng những nhận định này của phe đối lập ở Pháp ám chỉ ông Sarkozy “nắm quá nhiều quyền hành và độc diễn trên chính trường”.
Trong khi đó, Tổng thống Sarkozy nói rằng ông đã đưa ra các quyết định cải tổ nội các sau khi thảo luận với Thủ tướng Francois Fillon. Theo các nhà phân tích, đây là những thay đổi nhằm thích ứng với những thách thức mới về an ninh và đối ngoại của Pháp, đặc biệt trong bối cảnh những biến động chính trị gần đây ở khu vực Bắc Phi và Trung Đông, là những khu vực mà Pháp vốn có ảnh hưởng to lớn.
KIẾN HÒA (Theo Le Figaro, Le Monde)