07/11/2009 - 09:11

Ông Abbas gây sức ép với Mỹ?

Tổng thống Mahmoud Abbas (giữa) trong cuộc họp với ban lãnh đạo Fatah ở Ramallah hôm 5-11. Ảnh: AP 

Ngày 5-11, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tuyên bố sẽ không ứng cử nhiệm kỳ tiếp theo trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra vào đầu năm tới, vì Mỹ thiên vị Israel và thất vọng về sự trì trệ của tiến trình hòa bình Trung Đông. Nếu ông Abbas rời khỏi chính trường chắc chắn sẽ để lại khoảng trống quyền lực ở Palestine, và đây sẽ là đòn giáng mạnh vào nỗ lực nối lại đàm phán hòa bình của Tổng thống Mỹ Barack Obama. Lâu nay, ông Abbas được xem là nhân vật ôn hòa, luôn theo đuổi mục tiêu đàm phán hòa bình để thành lập nhà nước Palestine và chấm dứt xung đột với Israel.

Trong tuyên bố, ông Abbas cho rằng việc Israel mở rộng các khu định cư Do Thái đã “làm tổn thương sự tin cậy trong đàm phán” và “hủy hoại tất cả những nỗ lực hòa bình”. Theo hãng tin Reuters (Anh), ông Abbas cảm thấy bị lừa dối khi Washington, mà cụ thể là Ngoại trưởng Hillary Clinton trong chuyến thăm Trung Đông đầu tuần này, đột ngột giảm sức ép đối với Tel Aviv về việc buộc họ ngưng xây dựng các khu định cư Do Thái ở Bờ Tây, phần lãnh thổ người Palestine muốn thành lập nhà nước.

Vài tháng qua, dư luận Palestine chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Abbas vì cho rằng ông đã nhượng bộ quá nhiều với Israel mà không nhận được sự phản hồi tương xứng. Sự tức giận của người dân Palestine lên tới đỉnh điểm khi ông Abbas hồi tháng rồi ủng hộ báo cáo của LHQ về cuộc chiến tranh Israel gây ra ở Dải Gaza mùa đông năm ngoái. Ông Abbas sau đó đã phải rút lại sự ủng hộ này. Với vị thế cầm quyền đang bị tranh giành bởi phong trào Hồi giáo Hamas (đã chiếm giữ Dải Gaza 2 năm trước), nếu tiếp tục nhượng bộ Israel, phong trào Fatah của ông Abbas có thể sẽ thất bại trong bầu cử sắp tới.

Tuy nhiên, các nhà phân tích hoài nghi khả năng Palestine diễn ra bầu cử như dự kiến vào ngày 27-1-2010, bất chấp ông Abbas có tranh cử hay không. Bởi trong tuyên bố của mình, ông Abbas không nói rõ có từ chức Chủ tịch Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) hay không, vị trí quyết định quá trình đàm phán hòa bình với Israel. Ông Abbas lên lãnh đạo PLO thay cố Tổng thống Yasser Arafat 5 năm trước và trở thành tổng thống Palestine không lâu sau đó. Ông Abbas cũng không chuẩn bị người thay thế mình ở Fatah nếu ông ra đi. Các nhân vật có khả năng thay ông Abbas đều có những hạn chế nhất định. Cụ thể, cựu giám đốc cơ quan an ninh Mohammad Dahlan không nhận được ủng hộ rộng rãi ở Bờ Tây; ông Marwan Barghouti thì được lòng dân nhưng hiện đang thụ án tù chung thân ở Israel; còn Thủ tướng Salam Fayyad được phương Tây hậu thuẫn, nhưng thiếu sự ủng hộ của người Palestine.

Thực tế là phong trào Fatah không có sự lựa chọn nào khác ngoài ông Abbas. Điều đó có nghĩa là sẽ khó cho nhà lãnh đạo 74 tuổi này từ chối vị trí hiện nay. Các nhà lãnh đạo Fatah lo ngại ông Abbas ra đi sẽ làm phong trào này suy yếu thêm, nhất là khi họ từng thất bại trước Hamas trong cuộc tổng tuyển cử năm 2006. Ủy ban điều hành PLO đã lên tiếng bác bỏ quyết định của ông Abbas.

Do vậy, không phải không có lý khi có người cho rằng động thái của ông Abbas chỉ là “làm mình làm mẩy”, buộc Washington phải gia tăng sức ép lên Tel Aviv.

N. MINH (Theo Reuters, WSJ, AFP)

Chia sẻ bài viết