24/07/2009 - 08:30

"Ô phòng thủ" Trung Đông của Mỹ

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong buổi họp báo tại Thái Lan. Ảnh: AFP

Tại lễ bế mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN ở Thái Lan hôm 22-7, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói rằng Washington có thể sẽ thiết lập “ô phòng thủ” cho Trung Đông nếu Iran tiếp tục chương trình hạt nhân của nước này. Theo bà Clinton, cảnh báo trên là để Tehran xem lại tham vọng hạt nhân của họ, nhưng không ít người cho rằng đó là dấu hiệu chính quyền Tổng thống Barack Obama chuẩn bị thừa nhận thực tế về một quốc gia Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.

Mục đích của “ô phòng thủ”, theo Ngoại trưởng Clinton, là để các nhà lãnh đạo Iran thấy rằng dù cho họ có bom hạt nhân thì cũng không uy hiếp được ai. Việc bà Clinton đề cập tới “ô phòng thủ” cho thấy Washington cam kết sẽ trả đũa bất kỳ cuộc tấn công nào vào các đồng minh của họ ở Trung Đông, một chính sách tương tự “ô hạt nhân” mà Mỹ dành cho Nhật Bản và Hàn Quốc để đối phó với vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Thực ra, theo giới quan sát, với sự hiện diện quân sự của Mỹ ở khu vực, bà Clinton không cần thiết phải “hăm dọa” như vậy. Năm ngoái, Mỹ đã bổ sung 40.000 binh sĩ tới các căn cứ quân sự xung quanh vùng Vịnh như Qatar, Bahrain và Arabie Séoudite. Washington cũng cam kết cấp viện trợ quân sự khổng lồ trị giá 13 tỉ USD cho Ai Cập và 30 tỉ USD cho Isreal trong vòng 10 năm, bắt đầu từ 2008.

Ngoại trưởng Mỹ cho rằng dựng lên “ô phòng thủ” không có nghĩa là từ bỏ chính sách hiện nay đối với Iran, vốn kết hợp giải pháp ngoại giao với trừng phạt. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những lời lẽ của bà Clinton cho thấy Washington đang chuẩn bị cho khả năng thất bại của các giải pháp này. Những nỗ lực của phương Tây nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc hơn đối với Iran đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Nga và Trung Quốc. Một số quan chức chủ chốt của Nhà Trắng cũng cho rằng có thể một ngày nào đó Mỹ phải thừa nhận về cường quốc hạt nhân Iran.

Chính vì vậy, phát biểu của bà Clinton lập tức bị phản ứng từ chính quyền Israel, vốn cảm thấy mối đe dọa từ chương trình hạt nhân của Iran. Dan Meridor, Bộ trưởng Năng lượng và Tình báo Israel, nói: “Tôi không xúc động khi nghe tuyên bố của Mỹ rằng họ sẽ bảo vệ các đồng minh bằng ô hạt nhân, vì như thế họ gần như thừa nhận rằng Iran sẽ có vũ khí hạt nhân. Tôi cho đó là một sai lầm”. Cách mà Tel Aviv muốn là tấn công quân sự để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Tehran.

Theo Robert Malley, nhà phân tích của Tổ chức Khủng hoảng quốc tế, phát biểu của bà Clinton không có nghĩa là Mỹ chấp nhận Iran có vũ khí hạt nhân, nhưng những đánh giá đó và phản ứng của ông Meridor cho thấy sự không hài lòng trong mối quan hệ hiện nay giữa Mỹ và Israel. Còn James Dobbins, trước đây là nhà ngoại giao Mỹ và hiện đang làm việc tại tập đoàn Rand Corp, cho rằng phát biểu của bà Clinton có lẽ cũng nhằm mục đích tái đảm bảo với các nước láng giềng của Iran và thuyết phục họ không phát triển vũ khí hạt nhân. Nhiều người lo sợ các nước như Ai Cập và Arabie Séoudite sẽ khởi động chương trình vũ khí hạt nhân một khi Tehran có khả năng chế tạo bom nguyên tử.

N.MINH (Theo LA Times, NYT, AP)

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton trong buổi họp báo tại Thái Lan. Ảnh: AFP

Chia sẻ bài viết