05/07/2022 - 09:05

Nước Mỹ lục đục vì giá xăng 

MAI QUYÊN (Theo AFP, Reuters)

Nhà Trắng vừa phải lên tiếng bảo vệ Tổng thống Joe Biden, phản bác cáo buộc của người sáng lập Amazon Jeff Bezos cho rằng chính phủ “sai lầm” trong cách giải quyết lạm phát và giá năng lượng trong nước đang cao ngất ngưởng.

Tỉ phú Bezos (trái) và Tổng thống Biden. Ảnh: Getty Images

Lạm phát tăng cao do giá hàng hóa, dịch vụ và năng lượng leo dốc hiện là “cơn đau đầu chính trị” với Nhà Trắng và Tổng thống Biden. Dữ liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 30-6 cho thấy, Chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 6,3% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số PCE lõi (không bao gồm năng lượng và thực phẩm vốn dễ dao động về giá) cũng tăng 4,7%, cao hơn nhiều so với mức 2% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đặt ra.

Washington cho rằng lạm phát tăng chủ yếu vì các vấn đề liên quan chuỗi cung ứng do đại dịch COVID-19 và chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Gần đây, Tổng thống Biden còn thường xuyên chỉ trích các công ty dầu mỏ trong nước vì “trục lợi” trong khi giá khí đốt tăng vọt. Tuần rồi, ông yêu cầu các công ty đang điều hành trạm xăng dầu và kiểm soát giá nhiên liệu phải hạ giá giữa “thời điểm chiến tranh và nguy cơ toàn cầu”. Tuy nhiên, theo tỉ phú Bezos, các phát biểu của Tổng thống Biden hoặc “cố tình bóp méo” tình hình lạm phát hoặc cho thấy sự thiếu hiểu biết về động lực thị trường cơ bản.

Cuộc “khẩu chiến” tiếp tục khi Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 3-7 trực tiếp chỉ trích người giàu thứ 3 thế giới, rằng những gì đang diễn ra không phải cách nền kinh tế vận hành mà là “sự thiếu trách nhiệm” của thị trường đối với người tiêu dùng Mỹ. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cũng bảo vệ tổng thống khi cho biết ông Biden đang nói chính xác những gì mà mọi người có thể hiểu, còn lập luận của ông Bezos hoàn toàn sai lầm. Theo quan chức này, Tổng thống Biden đang nỗ lực để hạ giá nhiên liệu, bao gồm yêu cầu Quốc hội hành động trong đề xuất đình chỉ thuế khí đốt liên bang cũng như quyết định khai thác nguồn dự trữ dầu chiến lược của Mỹ.

Ðây không phải lần đầu tiên tỉ phú Bezos xung đột với Nhà Trắng vì lạm phát. Vào tháng 5, Tổng thống Biden nói rằng muốn giảm lạm phát thì cần bảo đảm các tập đoàn giàu nhất đóng phần thuế hợp lý. Ông Bezos khi đó đã đả kích việc gắn khủng hoảng lạm phát với vấn đề đánh thuế các công ty và coi đây là “định hướng sai lầm”. Theo ông, các doanh nghiệp không có tác động đáng kể lên tình trạng mất cân bằng cung cầu và các yếu tố thị trường khiến giá cả leo thang, rằng đề xuất của chính phủ nhắm vào cá nhân giàu có cùng những công ty lớn không thể giải quyết lạm phát mà chỉ làm vấn đề trầm trọng thêm.

Người Mỹ không tin tưởng ông Biden

Bất kể kết quả của trò chơi “đổ lỗi chính trị” này là gì, giới phân tích cho rằng người Mỹ chỉ mong đợi chính phủ hành động trên mặt trận lạm phát và nhiều khả năng sẽ bày tỏ kỳ vọng đó tại cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11. Trong bối cảnh này, một cuộc khảo sát mới của Harvard CAPS-Harris Poll trên 1.308 người Mỹ cho thấy tỷ lệ tín nhiệm Tổng thống Biden đang ở mức 38%, thấp đáng kể so với đầu nhiệm kỳ. Con số trên cùng với cuộc khủng hoảng giá xăng và lạm phát chưa được kiềm chế làm dấy lên dự đoán đảng Dân chủ có thể đối mặt thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới.

Cuộc khảo sát trên cũng cho biết 71% không muốn Tổng thống Biden tái tranh cử vào năm 2024. Trong đó, 45% cho rằng ông điều hành đất nước “tồi”, hơn 30% nói ông quá cao tuổi và 25% nói đã đến lúc thay đổi. Nhưng nó cũng không đồng nghĩa cựu Tổng thống Donald Trump có thể giành được lợi thế nếu tham gia đường đua đến Nhà Trắng. Trước đó, có tin ông Trump dựa vào tỷ lệ ủng hộ ngày càng ảm đạm đối với Tổng thống Biden có thể sớm ra quyết định tranh cử tổng thống vào năm 2024. Nhưng theo kết quả thăm dò mới đây, 61% nói ông Trump không nên chạy đua vào Nhà Trắng. Tình huống ông Biden và ông Trump tiếp tục đối đầu, 60% người tham gia khảo sát cho biết sẽ bầu cho một ứng viên độc lập ôn hòa.

Chia sẻ bài viết