06/04/2010 - 09:07

Nước lại làm "nóng" Nam Á

Dòng nước trên sông Ấn qua Pakistan đang suy kiệt. Ảnh: AP

Nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt và tưới tiêu đang nổi lên thành vấn đề mới nhất làm cho mối quan hệ, vốn “cơm không lành canh không ngọt” giữa Ấn Độ và Pakistan, thêm căng thẳng. Các nông dân Pakistan tố cáo Ấn Độ “cướp nguồn nước” của họ bằng những dự án xây dựng nhà máy thủy điện trên dòng sông Ấn (Indus). Các quan chức Pakistan ngày 4-4 cũng nói rằng Ấn Độ đã vi phạm Hiệp ước Nước sông Ấn (IWT), một thỏa thuận do Ngân hàng Thế giới làm trung gian đã được hai nước láng giềng Nam Á này ký kết năm 1960.

Có thể nói, kể từ khi IWT được ký kết năm 1960 đến nay, Ấn Độ và Pakistan đã trải qua hơn 130 vòng đàm phán nhằm tìm giải pháp chia sẻ nguồn nước nhưng đều không mang lại kết quả. Và vòng đối thoại tương tự diễn ra trong 3 ngày hồi cuối tuần rồi tại thành phố Lahore của Pakistan cũng chẳng có tiến triển gì. Sự thất bại này khiến người ta lo ngại, nhất là trong bối cảnh khô hạn đang trở thành vấn đề bức xúc, cuộc chiến tranh giành nguồn nước giữa hai quốc gia có vũ khí hạt nhân này sẽ diễn ra. Chính Bộ trưởng Nông nghiệp Pakistan Nazar Muhmmad Gondal mới đây đã tuyên bố Islamabad sẵn sàng cho cuộc chiến tranh vì nguồn nước với New Delhi.

Theo IWT, Ấn Độ được toàn quyền sử dụng 3 dòng sông phía Đông là Ravi, Sutlej và Bayas, trong khi Pakistan được hưởng 3 dòng sông phía Tây gồm Jehlum, Chenab và Indus (sông Ấn). Tuy vậy, hiệp ước cho phép Ấn Độ có thể xây dựng các đập thủy điện trên các dòng sông phía Tây với điều kiện không xây hồ dự trữ nước. Chính vì thế, Ấn Độ đã xây dựng đập thủy điện Baglihar hồi năm 2008 trên sông Chenab, nơi mà nguồn nước chảy từ khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát sang Pakistan. Các quan chức và nông dân Pakistan đều cho rằng đập thủy điện này đã làm giảm nghiêm trọng dòng chảy của sông Chenab. Người đứng đầu Mặt trận Thống nhất Nông dân Pakistan, ông Ayub Meyo, cho biết nỗi lo lớn nhất hiện nay của Pakistan chính là nguy cơ cạn kiệt của sông Chenab chảy qua tỉnh Punjab, tỉnh đông dân nhất trong số 4 tỉnh của nước này. Theo ông, sông Chenab là “mạch sống” của người nông dân Punjab, bởi nó cung cấp nguồn nước tưới tiêu cho 65-70% đất canh tác của họ. Một thống kê sơ bộ cho biết đập thủy điện trên đang làm Pakistan thiệt hại mỗi năm 140 tỉ rupee (1,66 tỉ USD).

Và không chỉ có đập thủy điện Baglihar, Ấn Độ đã và đang xây dựng hàng loạt đập thủy điện khác mà Pakistan cáo buộc là bất hợp pháp vì chúng vi phạm IWT. Một báo cáo mới đây cho biết Ấn Độ đã tiến hành xây dựng 52 đập thủy điện nằm ngoài Hiệp ước IWT. Trong số này, Pakistan “lưu ý” đến các con đập thủy điện trên sông Ấn, như đập Nemobaaz Go, Chutak, và đặc biệt là đập Kargil lớn thứ hai thế giới. Còn trên sông Jehlum, Ấn Độ có hai đập thủy điện gây nhiều tranh cãi trong dư luận Pakistan là Wullar và Kishenganga.

Các nhà phân tích chiến lược Pakistan cho rằng Ấn Độ đã và đang sử dụng nguồn nước như là “một công cụ nhằm gây bất ổn định chính trị, kinh tế và xã hội của Pakistan”. Họ cho rằng đây là một loại chiến tranh mới, tuy không có các phương tiện vũ khí gây thương vong nhưng có thể làm thiệt hại tất cả các lợi ích của Pakistan. Pakistan còn cho rằng để đạt mục tiêu này, Ấn Độ đã “bí mật hỗ trợ kỹ thuật” giúp chính quyền Afghanistan xây dựng một con đập trên sông Kabul, vốn có nhiều nhánh đổ ra sông Ấn.

Về phần mình, Ấn Độ khẳng định nước này vẫn tôn trọng các cam kết theo Hiệp ước IWT và phủ nhận các cáo buộc nói trên của Islamabad. New Delhi tuyên bố hai bên vẫn còn cơ hội tìm kiếm các giải pháp hiệu quả cho cuộc tranh chấp nguồn nước và trước mắt là vòng đàm phán mới sẽ diễn ra vào tháng 5 tới.

PHÚC GIA AN
(Theo TheNational.ae, Kashmir Watch)

Dòng nước trên sông Ấn qua Pakistan đang suy kiệt. Ảnh: AP

Chia sẻ bài viết