Tại bộ phận vật tư vô trùng của Bệnh viện Đa khoa Singapore (SGH), các nhân viên phải làm việc suốt ngày đêm để làm sạch và đóng gói các thiết bị phẫu thuật cung cấp cho các phòng mổ và phòng thủ thuật của bệnh viện, cả cho các trung tâm tim và mắt gần đó. Nổi bật trong số những nhân viên cần mẫn này chính là nữ y tá 81 tuổi Loke Lye Chan - người đã công tác tại bệnh viện 60 năm và chưa bao giờ nghĩ đến việc nghỉ hưu.
Bà Loke Lye Chan đang kiểm tra dụng cụ phẫu thuật.
Bà Loke hiện giám sát việc quản lý hàng tồn kho và cung cấp dụng cụ phẫu thuật. Công việc hằng ngày khiến bà luôn bận rộn, nhất là vào buổi chiều khi các phòng mổ nộp danh sách các dụng cụ cần thiết cho các cuộc phẫu thuật sắp diễn ra. SGH có hơn 40 phòng mổ lớn và dưới sự dẫn dắt của nữ y tá kỳ cựu Loke, vốn có tính tỉ mỉ và cẩn thận, hoạt động của phòng vật tư vô trùng luôn diễn ra thuận lợi. Dù đã ở tuổi U90 nhưng với bà, không bao giờ là quá già để làm y tá.
Cơ duyên đến với nghề y tá khởi đầu vào năm 1962, khi Loke - mới ngoài 20 tuổi - đọc được một mẩu quảng cáo kêu gọi học nghề y tá và nghĩ đây là cơ hội tốt vì y tá là một nghề cao quý. Cô gái trẻ sau đó vượt qua quá trình tuyển chọn và đào tạo gần 2 năm rưỡi tại Bệnh viện Thomson Road.
Sau khi tốt nghiệp, Loke đến SGH làm việc và được phân công coi sóc các phòng bệnh. Tại đây, Loke đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ nhất trong sự nghiệp y tá, bao gồm việc từng bị một bệnh nhân đang mê sảng dọa đánh vì nhầm lẫn với người khác. Sự cố đó tuy đáng sợ, nhưng không khiến bà từ bỏ nghề đã chọn.
Một thời gian sau, Loke được chuyển đến làm việc tại phòng mổ, phụ trách theo dõi và chăm sóc bệnh nhân trước và sau phẫu thuật. Công việc nhiều áp lực hơn do phải luôn cảnh giác cao độ vì tình huống sinh tử có thể xảy ra bất cứ lúc nào, đặc biệt là đối với bệnh nhân hậu phẫu. “Bạn phải quan sát rất kỹ và cần phản ứng nhanh chóng. Nếu không người ta sẽ chết” - Loke nhớ lại những thời khắc căng thẳng. Dù vậy, bà Loke cho biết rất yêu nghề và công việc này mang lại cho bà niềm vui to lớn mỗi khi thấy bệnh nhân do mình chăm sóc khỏi bệnh và xuất viện. “Chăm sóc bệnh nhân khiến tôi hạnh phúc” - Loke bày tỏ, nói thêm rằng sự đồng cảm là yếu tố cốt lõi để trở thành một y tá tốt.
Năm 1989, Loke chuyển đến làm việc tại bộ phận vật tư vô trùng của SGH. Tuy không còn tiếp xúc bệnh nhân, nhưng bà nghĩ đây là cơ hội để học kỹ năng mới. Mặc dù đa số mọi người không nhìn thấy bộ phận vật tư vô trùng, nhưng nó đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của bệnh viện. Nơi này đảm bảo tất cả dụng cụ phẫu thuật đều được rửa sạch và khử trùng sau khi dùng. Mỗi ngày, bộ phận này xử lý khoảng 1.300 bộ dụng cụ phẫu thuật.
Phó giám đốc điều dưỡng của SGH - Goh Meh Meh - nhận xét bà Loke là “tấm gương tốt”, là nhân viên “rất đáng tin cậy” và là một “chuyên gia” vì đã đảm đương hầu hết các vai trò trong bộ phận vô trùng suốt 30 năm qua. Đối với đồng nghiệp, Loke giống như một người mẹ, luôn sẵn lòng chia sẻ những món ăn yêu thích và những lời động viên. Không chỉ vậy, bà còn là một người rất chăm chỉ rèn luyện sức khỏe. Loke cho biết bà đã vượt qua mức 5.000 bước đi mỗi ngày mà chương trình Thử thách Đi bộ Quốc gia Singapore đề ra. “Hàng ngày, tôi đi lên xuống lầu nhiều lần. Cứ như vậy, tôi tập thể dục hàng ngày” - bà kể.
Tháng 11 năm ngoái, bà Loke đã nhận giải thưởng phục vụ lâu dài đánh dấu năm thứ 60 làm việc tại SGH. Trước đó vào năm 2022, bà còn được Đại hội Công đoàn Quốc gia (NTUC) trao Giải thưởng Công nhân kiểu mẫu vì đã thích ứng với những thay đổi về năng suất lao động và đổi mới công nghệ tại nơi làm việc. Nữ y tá kỳ cựu cho biết đây là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của mình. Loke tiết lộ gia đình cũng ủng hộ bà tiếp tục làm việc. “Thật tốt khi giúp đỡ được mọi người. Tôi thích công việc của mình. Nếu khỏe mạnh, tôi sẽ tiếp tục làm y tá” - bà chia sẻ nguyện vọng của mình.