04/01/2011 - 09:00

Nữ Tổng thống xuất thân từ dân quân

Hôm 1-1 vừa qua, bà Dilma Rousseff (ảnh) chính thức nhậm chức Tổng thống Brazil, trở thành người phụ nữ đầu tiên được dân cử điều hành đất nước lớn nhất khu vực Nam Mỹ. Cứng rắn và mạnh mẽ, ở tuổi 63, bà Rousseff, cựu lãnh đạo phong trào khởi nghĩa chống chế độ độc tài quân sự ở Brazil, được báo giới nước ngoài cho là người phụ nữ có quyền lực nhất thế giới.

Bài học đầu tiên

Bà Rousseff là con gái của một người nhập cư gốc Bulgarie - ông Pedro Rousseff và một nữ giáo viên bản xứ. Sinh ra và lớn lên ở tỉnh Belo Horizonte (thủ phủ bang Rio de Janeiro), tuổi thơ bà Rousseff từng mơ ước sẽ trở thành nữ diễn viên ba lê, lính cứu hỏa hay một nghệ sĩ xiếc nhào lộn. Tuy nhiên, gia cảnh không may khi ông Pedro, một doanh nhân thành công ở Brazil, qua đời lúc bà mới 14 tuổi. Cùng với mẹ, bà Rousseff và các anh em trong nhà phải làm việc cật lực để sinh nhai.

Nền tảng giáo dục đầu tiên của bà Rousseff là tại trường dòng dạy bằng tiếng Pháp. Tại đây, bà tiếp thu những bài học đầu tiên về tính tương thân tương ái. Một lần, các tu sĩ đưa lớp học của bà tới một khu vực nghèo của thành phố để chỉ cho họ thấy khoảng cách quá lớn giữa số ít người trung lưu và số đông người nghèo. Bà Rousseff nhớ rất rõ chuyện bà đã xé tờ tiền làm hai để cho một đứa trẻ ăn xin đến trước cửa nhà mình, mà không biết rằng nó chẳng còn giá trị.

Con đường chông gai

Bà Rousseff bắt đầu nhận thức về chính trị sau khi chuyển sang trường trung học công lập. Tại trường, bà chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm của nhà lý luận chính trị người Pháp Rogis Debray và một giáo viên cũng là đồng chí của bà dạy về chủ nghĩa Mác. Trường này cũng là trung tâm của phong trào hoạt động sinh viên chống chế độ độc tài quân sự, sau khi các tướng lĩnh quân đội tiếm quyền Tổng thống Joao Goulart thuộc phe cánh tả vào năm 1964. Dưới chế độ độc tài quân sự, nhân quyền bị xem nhẹ, các vụ bắt bớ, mất tích và tra tấn trở nên phổ biến. Ngân sách dành cho giáo dục bị cắt giảm 50%.

Không chịu được cảnh bất công, bà Rousseff tham gia các tổ chức bí mật, chủ trương đấu tranh vũ trang chống lại chế độ quân sự bất hợp pháp. Năm 1967, bà gia nhập phái cấp tiến của đảng Xã hội Brazil. Trong thập niên 1960-1970, phong trào đấu tranh vũ trang mà bà tham gia có tên là VAR-Palmares (đội tiên phong cách mạng vũ trang Palmares) đã tiến hành nhiều vụ thủ tiêu những tên đồ tể nước ngoài, được đưa đến Brazil để huấn luyện “đội quân tử thần” của chế độ độc tài. Đầu năm 1970, bà bị cảnh sát vây bắt cùng một đồng chí tại một quán bar ở Sao Paulo. Tại nhà tù Tiradentes (Sao Paulo), bà trải qua 22 ngày bị tra tấn dã man như châm điện và dụng cụ gây tổn thương nghiêm trọng da thịt, mà bà ví tương tự như tù binh ở nhà tù Abu Ghraib của Iraq. Bà bị kêu án 6 năm tù và 18 năm không được hoạt động chính trị vì tội “âm mưu lật đổ”. Án phạt sau đó được rút ngắn còn 3 năm và bà được tự do vào năm 1973.

Không lâu sau khi ra tù, bà chuyển tới Porto Alegre, để quay lại học ngành kinh tế và tốt nghiệp năm 1977. Tuy nhiên, bà không làm được lâu dài công việc đầu tiên vì quá khứ đấu tranh, vì vậy bà quyết định trở lại trường để lấy bằng thạc sĩ.

Đầu thập niên 1980, khi giới cầm quyền nới lỏng kiểm soát, bà Rousseff cùng chồng - luật sư theo cánh tả Carlos Araujo (họ gặp nhau khi bà Rousseff trốn đến Rio de Janeiro năm 1969), đẩy mạnh hoạt động trong đảng Lao động Dân chủ (PDT), do Leonel Brizola, em rễ của cựu Tổng thống bị lật đổ Joao Goulart, lãnh đạo. PDT giành thắng lợi trong cuộc bầu cử và bà Rousseff được giao nhiều công việc khác nhau như một cố vấn và viên chức tại địa phương và cấp bang. Năm 1993, Thống đốc Rio de Janeiro, ông Grande do Sul bổ nhiệm bà làm người đứng đầu ngành năng lượng bang. Bà rời vị trí này một năm sau đó, cũng như chia tay với ông Araujo, dù 2 năm sau được nối lại, nhưng lại tan vỡ lần nữa vào năm 2000. Vụ việc này khiến bà không thể hoàn thành chương trình thạc sĩ. Năm 1999, bà được bổ nhiệm công việc cũ, hiện nay gọi là Thư ký Khoáng sản, Năng lượng và Truyền thông.

Bước ngoặt cuộc đời

Cấp trên của bà khi đó là Thống đốc Olivio Dutra, người của đảng Lao động, nhưng bà Rousseff là thành viên PDT. Trong thời gian này, Chủ tịch PDT Brizola gây sức ép buộc các thành viên của PDT rút khỏi chính quyền. Bà Rousseff rời bỏ PDT vào năm 2001 để gia nhập đảng Lao động do ông Lula da Silva lãnh đạo với quan điểm tương đồng về tăng trưởng kinh tế và xóa nghèo đói. Bà Rousseff rời chính quyền năm 2002 và làm việc cho chiến dịch tranh cử của ông Silva, dẫn đến thành công đưa ông lên nắm quyền. Cuối năm 2002, ông Silva triệu tập cuộc họp khẩn cấp các chuyên gia khi Brazil đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng năng lượng tồi tệ nhất lịch sử. Trong vai trò người đứng đầu ngành năng lượng bang Rio de Janeiro, bà Rousseff đã tự tin trình bày rành mạch đề án của bà trước ông Silva. Cựu Tổng thống Silva nhớ lại: “Bà ấy nói với tôi, không, Tổng thống, không phải như thế mà là như vầy... khi chỉ vào màn hình máy tính xách tay”. Không lâu sau đó, ông Silva quyết định bổ nhiệm bà vào chiếc ghế Bộ trưởng Năng lượng và Khoáng sản.

Năm 2004, ông Silva đưa bà Rousseff lên làm chánh văn phòng nội các và ủng hộ bà thay thế chiếc ghế của ông. Sau thắng lợi ở cuộc bầu cử tổng thống hồi năm rồi, bà Rousseff tuyên bố sẽ tập trung thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ Brazil. Để chứng thực điều đó, bà đã bổ nhiệm ít nhất 8 người cùng phái vào nội các, một chính phủ có nhiều nữ nhất ở Brazil từ trước đến nay.

N. KIỆT (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết