30/10/2021 - 06:26

Nữ chính trị gia ưu tiên giáo dục và y tế 

Nghiên cứu mới đây của Đại học Colorado Boulder (Mỹ) nhận thấy, khi phụ nữ giành được ghế trong các cơ quan lập pháp quốc gia như Thượng viện Mỹ hay Quốc hội Israel, các nước này bắt đầu chi tiêu nhiều hơn cho những ưu tiên như giáo dục hay chăm sóc sức khỏe.

Thành viên Quốc hội Mỹ khóa 117 tuyên thệ tại Điện Capitol hồi tháng 1. Ảnh: Phys

Thành viên Quốc hội Mỹ khóa 117 tuyên thệ tại Điện Capitol hồi tháng 1. Ảnh: Phys

Nghiên cứu được tiến hành trong bối cảnh phụ nữ ngày càng giành được nhiều ghế hơn trong quốc hội trên toàn cầu nhưng vẫn phải vật lộn để gầy dựng sự tín nhiệm. Chẳng hạn, tại Rwanda, phụ nữ chiếm 59 trong tổng số 106 ghế tại quốc hội nước này, tương đương 56%. Trong khi đó tại Mỹ, 143 trong số 535 ghế tại Hạ viện và Thượng viện là do phụ nữ nắm giữ, tương đương 27%. Trong bối cảnh đó, một câu hỏi được đặt ra là việc phụ nữ tăng cường sự hiện diện trong chính trị có thực sự tác động đáng kể đến pháp chế hay không.

Để trả lời câu hỏi trên, Hannah Paul, đồng tác giả của nghiên cứu cùng cộng sự đã sử dụng các công cụ học máy để sàng lọc dữ liệu trong thế giới thực từ gần 150 quốc gia. Họ phát hiện rằng sự hiện diện của phụ nữ trong chính trị rất quan trọng, đặc biệt là đối với lĩnh vực giáo dục. Nhóm nghiên cứu nhận thấy số lượng phụ nữ ngày càng tăng trong các cơ quan lập pháp quốc gia có thể thúc đẩy chi tiêu cho giáo dục nhưng chỉ khi tỷ lệ hiện diện của họ đạt khoảng 20%. Song, khi phụ nữ chiếm hơn 40% số ghế, chi tiêu cho giáo dục mới có xu hướng ổn định.

Nghiên cứu cũng nhận thấy, khi phụ nữ giữ khoảng 15-35% số ghế trong cơ quan lập pháp của một quốc gia, chi tiêu dành cho chăm sóc sức khỏe sẽ tăng từ mức khoảng 6,4% GDP lên hơn 6,7% GDP. Tuy nhiên, chi tiêu dành cho quốc phòng giảm mạnh khi ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia các cơ quan lập pháp. Theo đó, chi tiêu quốc phòng chỉ chững lại ở mức khoảng 1,8% GDP khi tỷ lệ hiện diện của họ đạt 35%.

Andrew Philips, phó giáo sư khoa học chính trị, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết phát hiện trên đã làm nổi bật mối quan hệ phức tạp giữa giới tính và chính trị. Trong tương lai, các nhà nghiên cứu hy vọng tiếp tục tiến hành các cuộc thăm dò để xem liệu sự hiện hiện của phụ nữ trong các cơ quan lập pháp quốc gia có giúp làm tăng trình độ học vấn hay tuổi thọ của công dân hay không.  

Trước đó, nhiều nghiên cứu về các thị trưởng thành phố và các chính trị gia khác cũng chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo nữ thường ưu tiên chi tiêu cho giáo dục và y tế, trong khi nam giới nghiêng về chi tiêu cho an ninh và giao thông.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) Antonio Guterres tại cuộc họp Hội đồng Bảo an LHQ mới đây nhấn mạnh sự cần thiết của việc giải quyết những thách thức và khoảng cách vốn ngăn cản phụ nữ có tiếng nói bình đẳng trong các vấn đề về hòa bình và an ninh quốc tế. Ông Guterres cho rằng những nữ lãnh đạo chính là những người xây dựng hòa bình, những người tạo nên sự thay đổi và lãnh đạo nhân quyền. Theo ông Guterres, công việc của họ là làm trung gian và thương lượng với các nhóm vũ trang, thực hiện các hiệp định hòa bình, thúc đẩy quá trình chuyển đổi hòa bình, đấu tranh cho quyền của phụ nữ và sự gắn kết xã hội trong cộng đồng. 

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu 2021 

Tối 28-10 (theo giờ địa phương), tại Thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự và phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu năm 2021 với chủ đề “Phụ nữ - Chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu”. Hội nghị năm nay thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, hàng chục quan chức cấp bộ trưởng/thứ trưởng, hàng trăm nữ lãnh đạo doanh nghiệp và đại diện các tổ chức phụ nữ.

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết