16/11/2022 - 08:16

Nỗi lo “bùng nổ dân số” ở Ấn Ðộ 

MAI QUYÊN

Ấn Ðộ đang đối mặt thách thức nhân khẩu học ngày càng sâu sắc, khi nước này chuẩn bị vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Cư dân một số bang miền Nam Ấn Ðộ dự kiến già hơn trung bình 12 tuổi so với miền Bắc trong 15 năm tới. Ảnh: EPA

Ngày 15-11, dân số thế giới cán mốc 8 tỉ người. Từ nay đến năm 2050, hơn một nửa mức tăng dân số toàn cầu dự kiến tập trung ở 8 nước gồm Cộng hòa Dân chủ Congo, Ai Cập, Ethiopia, Nigeria, Pakistan, Philippines, Tanzania và Ấn Ðộ.

Một quốc gia, hai câu chuyện

Ấn Ðộ đang là nhà của hơn 1,39 tỉ người. Với tốc độ 86.000 trẻ sơ sinh được sinh ra ở Ấn Ðộ mỗi ngày so với 49.400 trẻ ở Trung Quốc, nước này dự kiến vượt cường quốc châu Á (hiện có 1,41 tỉ người) trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023 và đạt 1,65 tỉ người vào năm 2060.

So với tốc độ tăng dân số đáng kể từ 350 triệu người sau khi giành độc lập năm 1947 lên 1 tỉ người vào năm 1997, tỷ lệ sinh trung bình ở Ấn Ðộ bắt đầu giảm hồi những năm 1980. Tuy nhiên, sự gia tăng dân số không đồng đều cộng với khoảng cách giàu nghèo khá lớn giữa hai miền Nam - Bắc có thể làm trầm trọng “nỗi lo bùng nổ dân số” của Ấn Ðộ.

Theo đó, 1/3 dân số Ấn Ðộ trong 10 năm tới tăng chủ yếu ở 2 bang miền Bắc Bihar và Uttar Pradesh. Ngược lại, ở các bang miền Nam phát triển hơn, tỷ lệ dân số hầu như đã đạt được sự ổn định, thậm chí đang giảm ở một số khu vực. Khác biệt này đang diễn ra và có xu hướng phân hóa ngày càng sâu sắc. Về lâu dài, Chính phủ Ấn Ðộ có nguy cơ đối mặt tình trạng bùng nổ trẻ sơ sinh và già hóa dân số cùng lúc.

Theo Hãng tin Guardian, độ tuổi trung bình của một người Ấn là 29 và New Delhi đang gặp nhiều áp lực trong tạo công ăn việc làm cho lực lượng đông đảo này. Trên khắp Ấn Ðộ, tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên là 23% và chỉ 1/4 sinh viên tốt nghiệp có việc làm. Mặc dù tỷ lệ biết đọc, viết của phụ nữ Ấn đang tăng lên, nhưng chỉ có 25% nữ giới tham gia vào lực lượng lao động.

Ngoài những khó khăn về mặt xã hội, chia rẽ nhân khẩu học giữa các bang miền Nam và Bắc Ấn Ðộ dường như đang bị “chính trị hóa” và có thể đe dọa ổn định quốc gia. Năm ngoái, chính quyền Uttar Pradesh vốn do đảng Bharatiya Janata theo chủ nghĩa dân tộc Hindu (BJP) lãnh đạo, đã đề xuất dự luật kiểm soát dân số gắt gao nhằm đảm bảo mỗi cặp vợ chồng có hai con. Ðề xuất này bị một số người coi là cuộc tấn công của BJP nhắm vào người Hồi giáo để thu hút cử tri theo đạo Hindu. Ở Uttar Pradesh và các bang đông người theo đạo Hồi, dù không có cơ sở nhưng một bộ phận người dân vẫn tin rằng các gia đình Hồi giáo sinh quá nhiều con, sử dụng hết các nguồn tài nguyên và khiến dân số theo đạo Hindu đối mặt nguy cơ trở thành thiểu số. Hiện ở Ấn Ðộ, người theo đạo Hồi chiếm 14% dân số, trong khi người theo đạo Hindu là 80%.

Áp lực đè nặng các thành phố

So với vài chục năm trước, lo ngại về kịch bản “quả bom dân số” đã giảm bớt nhưng sức ép vẫn đè nặng lên mặt bằng đô thị của Ấn Ðộ khi tốc độ đô thị hóa không ngừng tăng lên. Dù vậy, các thành phố lớn trên khắp Ấn Ðộ như New Delhi, Mumbai, Chennai và Kolkata vẫn đang vật lộn với các vấn đề về phát triển cơ sở hạ tầng nhà ở, nước, giao thông và ô nhiễm.

Tất cả điều trên khiến chất lượng cuộc sống ở các đô thị Ấn Ðộ xấu đi nhanh chóng và sẽ càng trầm trọng hơn trong vài thập kỷ tới do biến đổi khí hậu. Theo Rumi Aijaz của Quỹ nghiên cứu quan sát trụ sở ở New Delhi, sự thích nghi của các khu vực đô thị là một trong những thách thức lớn nhất và Chính phủ Ấn Ðộ cần có phản ứng phù hợp kịp thời trước khi đạt sự ổn định dân số.

Chia sẻ bài viết