10/04/2011 - 09:43

Những "canh bạc" của ông Sarkozy

Cùng với cuộc chiến chưa có hồi kết tại Afghanistan, quân đội Pháp theo mệnh lệnh của Tổng thống Nicolas Sarkozy đang tiếp tục “xông pha” trên hai mặt trận mới ở Libye và Bờ Biển Ngà.

Quân đội Pháp tại Bờ Biển Ngà. Ảnh: AP

Theo báo Le Figaro của Pháp ngày 8-4, quân đội của Cộng hòa Pháp thứ 5 chưa bao giờ can thiệp cùng lúc nhiều mặt trận quốc tế như vậy: 4.000 binh sĩ tại Afghanistan, 7.000 quân ở Libye và 1.500 lính tại Bờ Biển Ngà. Tại Libye, quân đội viễn chinh Pháp có một tàu sân bay Charles De Gaulle với khả năng tác chiến cao nhất, hai tàu khu trục, 16 máy bay chiến đấu và 17 máy bay chuyên dụng khác. Đó là chưa kể số quân đang đồn trú ở nhiều nước châu Phi khác hay tại Kosovo và Liban. Tính chung, Bộ Quốc phòng Pháp cho biết nước này hiện nay có 22.000 quân đang làm nhiệm vụ ở nước ngoài. Mặc dù vậy, phát biểu trước Thượng viện Pháp ngày 7-4, Bộ trưởng Quốc phòng Gérard Louguet nói rằng chính quyền chưa huy động hết 30.000 quân, vốn được “Sách trắng quốc phòng” năm 2008 của nước này, cho phép triển khai ở hải ngoại trong vòng 1 năm. Có điều, ông thừa nhận quân đội Pháp đang đối mặt với áp lực hao tiền tốn của nếu các cuộc xung đột quân sự kéo dài trong bối cảnh chính phủ đang phải thắt chặt chi tiêu ngân sách.

Theo tờ Thời báo New York của Mỹ, ông chủ Điện Élysée là người sốt sắng nhất ủng hộ hành động quân sự ở Libye và Bờ Biển Ngà, nhưng với điều kiện phải thuyết phục Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn. Vì thế, Pháp đã cùng với Anh và Liban soạn thảo nghị quyết 1973 lập vùng cấm bay chống Libye, và cùng với Nigeria soạn thảo nghị quyết 1975 trừng phạt Tổng thống mãn nhiệm Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo. Ông Sarkozy biện hộ rằng sử dụng sức mạnh quân sự là nhằm “bảo vệ dân thường” vốn được phát triển từ ý tưởng “quyền tự vệ” thịnh hành cách đây một thập niên. Dĩ nhiên, cái kiểu lập luận của ông Sarkozy đã bị Nga và Trung Quốc, hai ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an, phản đối mạnh mẽ. Didier Mathus, nghị sĩ đảng Xã hội tại Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Pháp, cũng không tán đồng cách diễn giải của ông Sarkozy. Nghị sĩ Mathus nói “nếu ông Sarkozy dùng chiêu bài đó thì cứ mỗi tuần ông ta có thể tuyên bố một cuộc chiến trên khắp hành tinh”.

Có ý kiến cho rằng nhà lãnh đạo Pháp muốn sử dụng hình ảnh chiến sự ở bên ngoài để làm phai nhạt các vấn đề đối nội vốn đang bất lợi cho đảng cầm quyền trước cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống sắp tới. Tuy nhiên, nghị sĩ đảng Xã hội Jean-Marie Le Guen so sánh ông Sarkozy có cái gì đó giống cựu Tổng thống Mỹ George Bush, tức là có “thói quen sử dụng sức mạnh quân sự mà không hề nghĩ tới hậu quả chính trị ra sao”. Cho nên, giới quan sát gọi hai động thái quân sự mới của ông Sarkozy là “canh bạc” may rủi.

KIẾN HÒA
(Theo Le Figaro, NYTimes, Guardian)

Chia sẻ bài viết