Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Hoàng gia Anh vừa đi vào vào Biển Ðông để tham gia tập trận cùng với các đồng minh và đối tác tại biển Philippines. Dù đã được thông báo trước, nhưng việc nhóm tàu chiến hùng hậu của Anh thị uy trên Biển Ðông khiến dư luận Trung Quốc tỏ ra hết sức giận dữ.

Nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tại eo biển Singapore. Ảnh: BmoD
Hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth có sự hộ tống 2 khu trục hạm HMS Diamond và HMS Defender, 2 khinh hạm HMS Northumberland và HMS Kent, tàu ngầm hạt nhân lớp Astute, 2 tàu hậu cần RFA Tideforce và RFA Fort Victoria, khu trục hạm Mỹ USS The Sullivans và khinh hạm Hà Lan HNLMS Evertsen. Trên tàu HMS Queen Elizabeth có 8 tiêm kích F-35B của không quân Anh và 10 chiếc F-35 của thủy quân lục chiến Mỹ.
Sức mạnh quan hệ quân sự Anh - Mỹ
Bộ Quốc phòng Anh cho biết nhóm tác chiến tàu sân bay trên là lực lượng hàng hải và không quân tập trung lớn nhất được triển khai ở nước ngoài trong một thế hệ. Trong khi đó, sự hiện diện của tiêm kích tàng hình Mỹ trên tàu sân bay Anh thể theo thỏa thuận tích hợp hoạt động tác chiến giữa hạm đội tàu sân bay của 2 nước. Hôm 30-6, nhiều bức ảnh được đưa lên website của Hải quân Mỹ cho thấy các chiến đấu cơ Mỹ tham gia các hoạt động với tàu sân bay Anh ở Biển Ðông. “Một khu vực Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở đem lại hòa bình và ổn định là điều rất quan trọng trong việc đảm bảo sự phồn thịnh lớn hơn cho khu vực và thế giới”, chú thích các bức ảnh nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 26-7, nhóm tác chiến HMS Queen Elizabeth đi qua eo biển Singapore và tiến vào Biển Ðông, lần đầu tiên diễn tập cùng 3 chiến hạm của hải quân Singapore ở vùng biển quốc tế phía Nam Biển Ðông. Sau đó, nhóm tàu di chuyển theo hướng Bắc vào Biển Ðông.
Một phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Anh khẳng định nhóm tác chiến tàu sân bay nước này hoạt động trên Biển Ðông một cách hợp pháp, sử dụng tuyến đường trực tiếp nhất đi qua các vùng biển quốc tế để tiến hành tập trận với các đồng minh và đối tác ở biển Philippines. “Như Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace đã nói với Quốc hội Vương quốc Anh hồi tháng 4, chúng tôi sẽ không đi sang bên kia thế giới để khiêu khích. Chúng tôi sẽ tự tin, nhưng không đối đầu”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Anh nhắc lại lời ông Wallace trong tuyên bố hôm 30-6.

Cận cảnh tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Ảnh: Getty
Ðược biết, nhóm tác chiến tàu sân bay Anh sẽ tham gia các cuộc tập trận với Mỹ, Úc, Pháp, Nhật Bản ở biển Philippines, một động thái phô trương sức mạnh đa quốc gia nhằm vào Trung Quốc. Phát biểu tại Singapore hôm 27-7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin gọi việc Anh triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay trên Biển Ðông là sự kiện “lịch sử” nhằm phản bác các yêu sách phi pháp của Trung Quốc tại khu vực. Ngoài ra, theo ông Austin, động thái này còn thể hiện sức mạnh quan hệ đối tác của cả Anh và Mỹ với các nước khác trong khu vực.
Trung Quốc phản ứng mạnh
Viết trên trang website bằng tiếng Anh của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), chủ tịch Viện Nghiên cứu quốc gia về Biển Ðông của Trung Quốc Wu Shicun mô tả rằng việc Luân Ðôn triển khai tàu sân bay tới Biển Ðông như một nỗ lực “hồi tưởng lại những ngày vinh quang của Ðế quốc Anh”. “Chuyến đi này của HMS Queen Elizabeth không chỉ đơn giản cái mà Luân Ðôn gọi là vượt qua vùng Biển Ðông theo luật pháp quốc tế, mà là một thủ đoạn được lên kế hoạch cẩn thận nhằm phục vụ nhiều mục đích. Ðiều này không có gì bí mật khi Anh đã từng đồng lõa với Mỹ trong vấn đề Biển Ðông, theo sát sự dẫn đầu và nhảy theo nhịp điệu của Mỹ”, ông Xu viết. Ông này tỏ ra giận dữ hơn: “ Biển Ðông là biểu tượng của quá khứ thuộc địa huy hoàng của nước Anh, qua đó đế chế lâu đời tự hào về các thuộc địa trên toàn thế giới của mình đã vận chuyển tài sản và kho báu mà họ cướp được ở châu Á”.
Hoàn cầu Thời báo thì cho rằng “ý tưởng hiện diện của Anh tại Biển Ðông là nguy hiểm”. “Nếu Luân Ðôn cố thiết lập sự hiện diện quân sự trong khu vực với ý nghĩa địa chính trị, nó sẽ chỉ phá vỡ hiện trạng của khu vực... Và nếu họ có bất kỳ hành động thực sự nào chống lại Trung Quốc, họ đang tìm kiếm một thất bại”, tờ báo trên cảnh báo. Dự kiến vào cuối năm nay, Anh sẽ có 2 tàu chiến thường trực tại khu vực.
Hoàn Cầu Thời báo hôm 27-7 cũng đưa tin Trung Quốc vừa tổ chức tập trận quân sự tại 2 khu vực ở phía Bắc Biển Ðông cùng thời điểm nhóm tác chiến tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh đi qua eo biển Singapore. “Mặc dù các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc có thể không liên quan trực tiếp tới các tàu chiến Anh, nhưng các cuộc tập trận này cho thấy quân đội Trung Quốc đang trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao”, Thời báo Hoàn Cầu dẫn lời một chuyên gia quân sự không nêu tên ở Bắc Kinh bình luận.
Phó Tổng thống Mỹ sắp thăm Việt Nam
Ngày 30-7, Nhà Trắng thông báo Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ thăm Singapore và Việt Nam trong tháng 8 nhằm tăng cường các mối quan hệ với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo Hãng CNBC, bà Harris sẽ trở thành phó tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam và là quan chức cấp cao nhất của chính quyền Tổng thống Joe Biden tới khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thông báo của Nhà Trắng nêu rõ chuyến công du sắp tới của bà Harris nhằm thúc đẩy ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Biden là xây dựng lại các mối quan hệ đối tác toàn cầu và duy trì an ninh quốc gia. Nhà Trắng cho biết, trong chuyến công du này, bà Harris sẽ thảo luận với giới chức các nước sở tại về tình hình an ninh khu vực, cách thức ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng như vấn đề biến đổi khí hậu. Thông báo của Nhà Trắng khẳng định nỗ lực chung của các nước là thúc đẩy trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
ÐỨC TRUNG (Tổng hợp)