23/04/2018 - 10:20

Nhóm nhạc Việt - qua thời hay thiếu bản sắc? 

Đã có một thời, các nhóm nhạc góp phần làm nên thương hiệu nhạc Việt. Thế nhưng, hiện nay hầu như không có nhóm nhạc nào thành công. Vì đâu nên nỗi?

Người yêu nhạc Việt vẫn chưa quên thời kỳ tỏa sáng của nhóm 1088, Quả Dưa Hấu, Tam ca 3A, Tam ca Áo trắng, Tam ca Ba con mèo, AC&M, Mây Trắng, Mắt Ngọc, Mặt Trời Đỏ… Âm nhạc của họ không chỉ tồn tại trong ký ức thanh xuân của nhiều người, mà còn góp phần tạo nên thời hoàng kim của nhạc Việt những năm 1990.

Nhóm nhạc AC&M biểu diễn cùng ca sĩ Hồng Nhung - những cái tên làm nên thời hoàng kim cho nhạc Việt.

Nhóm nhạc AC&M biểu diễn cùng ca sĩ Hồng Nhung - những cái tên làm nên thời hoàng kim cho nhạc Việt. Ảnh: ĐĂNG HUỲNH

 

Những năm gần đây, thi thoảng cũng xuất hiện vài nhóm nhạc trẻ. Tiêu biểu là nhóm 365 do ca sĩ Ngô Thanh Vân đầu tư, V.Music của Hồ Ngọc Hà, Arista của Hồ Quỳnh Hương... Có hậu thuẫn mạnh từ các ca sĩ đã thành danh, các nhóm nhạc được hướng dẫn định hình phong cách, chọn nhạc, quảng bá hình ảnh; thế nhưng, những nhóm nhạc này cũng không thể tồn tại lâu và mất hút trong làng giải trí. Chỉ có nhóm 365 để lại chút dấu ấn sau khi đã tan rã; nhờ có Isaac, Jun Phạm đa tài đa nghệ ở cả sân khấu ca nhạc, điện ảnh, truyền hình. 

Phải chăng người yêu nhạc Việt không còn chuộng nhóm nhạc như thời 20 năm về trước? Chưa hẳn! Bởi những nhóm nhạc Hàn Quốc vẫn thu hút lượng người hâm mộ khổng lồ và những chuyến lưu diễn của họ đến Việt Nam đều rất thành công. Hay thi thoảng nhóm Bức Tường, MTV, AC&M tái hợp vẫn được khán giả yêu thích.

Vấn đề ở đây là nhóm nhạc Việt dần thiếu bản sắc, bắt chước những nhóm nhạc nổi tiếng quốc tế. Điển hình nhất là đầu tháng 4 này, nhóm nhạc nam do ca sĩ Tăng Nhật Tuệ đỡ đầu mang tên Zero9 đã ra mắt khán giả và giới thiệu MV đầu tay mang tên “POM”. Zero9 gồm 7 thành viên với những cái tên xa lạ với văn hóa Việt: Leo (sinh năm 2000), Zane (1997), Jbin (1998), Kayz (1997), Minkook (1999), Alan (1994) và Han (1998). Họ theo đuổi dòng nhạc Trap và Hip-Hop, vốn được những nhóm nhạc Hàn Quốc đương đại sử dụng. Ngay khi ra mắt MV, nhóm nhạc đã bị dư luận lên án vì hát chẳng ra hát, rap chẳng thành rap, phong cách thì na ná nhóm nhạc BTS của Hàn Quốc. Chính nhóm nhạc này cũng thừa nhận đang phấn đấu trở thành một BTS phiên bản Việt. Thế nhưng, với người yêu nhạc Việt, dường như đây là một “phiên bản lỗi”!

Thời buổi hội nhập, dĩ nhiên người hoạt động âm nhạc cũng phải tiếp cận trào lưu. Thế nhưng, việc không định hình được phong cách âm nhạc và bắt chước máy móc khiến người nghe nhạc có cảm giác như “râu ông nọ cắm cằm bà kia”. Sẽ là chủ quan nếu nói nhóm nhạc Việt đã hết thời. Sự thiếu bản sắc và lai căng khiến những nhóm nhạc tự bước vào ngõ cụt.

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết