01/02/2025 - 12:38

Sắc màu đồng bằng

“Chúng ta thấy miền Nam có màu sắc, luôn luôn đổi mới, dựa trên một cơ sở. Đó là tinh thần phóng túng, lanh lẹ, sẵn sàng đón hương xa của người khai hoang” - Nhà nghiên cứu Sơn Nam nhấn mạnh điều này khi viết cuốn “Nói về miền Nam” (Lá Bối ấn tống, 1967).

Quả vậy, chính sự nhanh nhạy, sáng tạo của tiền nhân trên bước đường mở đất đã làm nên một đồng bằng trù phú và đầy sắc màu văn hóa. Nói đến miền Tây là nghĩ đến những dòng sông, kinh rạch, nghĩ về nước bạc đồng bằng. Lại nghĩ đến tre xanh giữ đất, giữ quê, lại nhớ về sắc hồng sen Đồng Tháp, bâng khuâng hột muối trắng Bạc Liêu… Và, còn có những sắc màu di sản đương đại, như nối dài cuộc hành trình của đất và người đồng bằng, mà gốm đỏ Vĩnh Long là điển hình.

Những màu sắc ấy của đồng bằng được kiến tạo qua những tháng cùng năm, qua bao thăng trầm, bao phận người, phận đời dọc dài sông nước. Trong bức tranh đa sắc ấy, có những gam màu độc đáo đã trở thành di sản, là biểu tượng của quê hương, xứ sở. Ấy là quá trình lọc lựa của thời gian. Ấy là những viên kim cương mang màu phù sa lấp lánh.

Sắc màu đồng bằng

 

Sắc màu đồng bằng

Người miền Tây không gọi lũy tre làng mà là những bờ tre xanh ven kinh, rạch, trên những gò đất cao hay bên hông nhà. Đời tre như đời người, tre già măng mọc, cùng người đồng bằng khẩn hoang, giữ đất và vươn mình trong nắng gió phương Nam. Màu xanh của tre điểm tô cho đất, biểu trưng cho cốt cách và chiều sâu văn hóa của người nơi đây.

“Con đường tre đẹp nhất miền Tây” là cách nhiều người gọi vườn tre Tư Sang ở ấp Phú Xuân, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Vườn tre rộng chừng hơn 1 héc-ta, nổi bật với con đường tre dài gần 1 cây số, thẳng tắp, giao ngọn mát rượi, xanh rờn gối mình bên cánh đồng Hậu Giang vàng ươm mùa gặt. Con đường tre như dẫn du khách vào xứ sở thần tiên của châu thổ Cửu Long, để nghe tre rì rào trong gió chướng...

Chủ nhân của vườn tre Tư Sang là lão nông Đặng Văn Sang, năm nay đã qua tuổi 90, đôi chân đã yếu, đôi mắt đã mờ nhưng tình yêu với cây tre vẫn luôn nóng hổi. Cả đời ông gắn với cây tre. Hồi chiến tranh, dưới nhiều gốc tre sau vườn, ông Tư đào hầm nuôi chứa cán bộ cách mạng. Tre già măng mọc, những bụi tre trong chiến tranh giờ vẫn tươi xanh như chàng trai lực điền, trong nắng thanh bình.

Mấy năm nay, vì muốn vườn tre được nhiều người biết đến, ông Tư Sang hợp tác với một nhóm doanh nhân trẻ ở TP Cần Thơ để làm du lịch. Vườn tre Tư Sang bây giờ là điểm tham quan nổi tiếng, ai cũng trầm trồ trước vẻ đẹp của tre. Anh Đỗ Thành Huấn, nhà đầu tư vườn tre Tư Sang, nói rằng, anh bị chinh phục ngay từ lần đầu nghe ông Tư Sang kể về tình yêu tre. Vậy nên, anh quyết tâm xây dựng thương hiệu cho vườn tre. “Tre vốn rất quen thuộc, dân dã, gắn liền với nông thôn Việt Nam nên tôi tin rằng, ai đến đây cũng cảm giác như tìm về cội nguồn” - anh Huấn nói. Ông Tư Sang tiếp lời: “Tôi mừng lắm, vườn tre được nhiều du khách tìm đến. Sau này, có nhắm mắt cũng yên lòng”.

Sắc màu đồng bằng

Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo TP Cần Thơ và các đại biểu trồng tre trong khuôn viên Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ. Đây là những bụi tre được ươm từ vườn tre Lăng Bác. Ảnh: DUY KHÔI

Một câu chuyện ý nghĩa khác về tre, đó là vườn tre trong khuôn viên Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ. Đi trong vườn tre này, lòng chúng tôi bỗng ngân nga mấy câu thơ của nhà thơ Viễn Phương:

“Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng”

Đây là những bụi tre được nhân giống từ vườn tre Lăng Bác và được trồng nơi đất thiêng Đền Hùng. Có tổng cộng 270 cây tre được Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức ươm và chuyển vào TP Cần Thơ, chia thành 54 khóm để trồng trên đồi. Đồi tre là con dốc thoai thoải với những hàng tre được trồng uốn lượn, thân tre ngà óng ánh, lá xanh rờn tươi tốt sau gần một năm rưỡi bén rễ. Du khách đến tham quan Đền thờ Vua Hùng TP Cần Thơ sau khi chiêm bái Quốc Tổ, ra thăm đồi tre, cảm nhận ý nghĩa thiêng liêng từ những bụi tre ngà.

Sắc màu đồng bằng

Nét quê ngày Tết bên bờ tre, bụi trúc. Ảnh: DUY KHÔI

Trong buổi nói chuyện về văn hóa tre tại vườn tre Tư Sang cách đây không lâu, nhà nghiên cứu Nhâm Hùng tự hào rằng, tre có cuộc hành trình không đứt gãy từ Bắc chí Nam. Đó là cây tre Thánh Gióng giữ nước, là tre để “cô gái sông Ba đầu búi tóc thon. Tay vót chông miệng hát không nghỉ” và còn là tre làm nên lũy nên thành ngay trên vùng đất Trấn Giang xưa để bảo vệ xứ sở. Tre là đôi quang gánh của các bà, các mẹ; là cái thúng, cái nia xay, giã, dần, sàng; là cái lọp, cái lờ bắt con cá, con tôm… Tre đi vào đời sống bằng sự dung dị, đằm sâu. Khi nhắc đến tre, người ta lại nghĩ đến những phẩm hạnh thanh cao, người quân tử, nói về sự can trường, không chê đất cằn, không ngại bão giông, ngay thẳng, thủy chung.

Trong “Vân đài loại ngữ”, nhà bác học Lê Quý Đôn ghi nhận có tới 67 loại tre. Chỉ kể ở ĐBSCL, tre cũng có rất nhiều loại, từ tre mỡ, tre gai, tre tàu, tre mạnh tông đến tre bông, tầm vông… Mỗi loại một công dụng. Người miền Tây năng động trong cách trồng tre và dùng tre. Triết lý “uốn tre từ thuở còn non” có lẽ chưa đúng với xóm nghề ở Ô Lâm (Tri Tôn, An Giang) khi bà con đốt lửa hơ để uốn thẳng tầm vông. Tầm vông cũng là một loại tre, thân nhỏ, ruột đặc và tiện dụng trong đời sống hằng ngày. Người dân làng nghề Thới Long (Ô Môn, Cần Thơ) thì chẻ tre bện lọp tép. Làng nghề ngót trăm năm này xuất phát từ nghề sông nước và từ những bụi tre sau hè, đầu bến.

Sắc màu đồng bằng

Anh Đào Nguyên Quang Kiệt chăm chút các sản phẩm mỹ nghệ từ tre. Ảnh: NVCC

Người trẻ hôm nay chọn tre để khởi nghiệp. Rời thị thành, anh Đào Nguyên Quang Kiệt, ngụ ấp Bình Hòa, xã Bình Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, về quê và khởi nghiệp cùng tre. Sản phẩm tre mỹ nghệ với thương hiệu Cường Thịnh được khách hàng rất ưa chuộng. Anh Kiệt nói rằng: “Tuổi thơ tôi bên bụi tre đầu xóm, cây tre gắn liền với gia đình tôi, tôi luôn trăn trở về tre. Sau gần 9 năm, bây giờ tôi vẫn thấy đó là quyết định đúng”. Anh Kiệt nói thêm, tre có tiềm năng rất lớn mà chỉ cần có ý tưởng, tre sẽ có cuộc đời mới.

Tre theo bước chân tiền nhân trong cuộc Nam tiến, đó là bước chân nguồn cội, làm nên sức sống đồng bằng. Điều đó cũng cho thấy mạch nguồn không đứt gãy, tình dân tộc, nghĩa đồng bào vẫn xanh tươi như những hàng tre, dù miền xuôi hay miền ngược, dù miền Bắc hay miền Nam. Tre xanh uyển chuyển trước bão giông. Tre can trường trong bom đạn. Và hôm nay, tre trở thành biểu tượng của hòa bình, của ngoại giao Việt Nam. “Ngoại giao cây tre” được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần phân tích và nhấn mạnh: “Trước những biến chuyển lớn của thời đại, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam càng thể hiện rõ ràng bản sắc “cây tre Việt Nam: vững ở gốc, chắc ở thân, uyển chuyển ở cành”” (trích từ cuốn “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam””).

Tiến sĩ Nguyễn Minh Ca, Trường Đại học Tây Đô, phân tích thêm, chính sự linh hoạt, mềm dẻo của tre phản ánh tư tưởng của Việt Nam trong tình hình hội nhập quốc tế hiện nay. Tuy mềm dẻo, linh hoạt nhưng cũng rất cứng rắn trong quan điểm lập trường đối với các vấn đề quốc tế. Có thể nhìn thấy ở cây tre Việt Nam nhiều phương diện: biểu tượng văn hóa trong quảng bá quốc gia; phát triển kinh tế xanh và là vật liệu quan trọng có thể thay thế gỗ; góp phần bảo vệ môi trường và đặc biệt là giữ gìn bản sắc, phát huy giá trị truyền thống Việt Nam. “Thời kỳ hội nhập, cây tre không chỉ là biểu tượng mà còn là nguồn tài nguyên, giúp Việt Nam xây dựng hình ảnh quốc gia bền vững, hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc văn hóa” - Tiến sĩ Nguyễn Minh Ca nhấn mạnh.

Rõ ra, trong đời sống đương đại, tre và văn hóa tre đã được nâng lên tầm cao vượt trội. Chiều 30, giương cao ngọn tre treo nêu đón Tết cổ truyền, lại nghĩ về hành trình tre xanh dọc dài đất nước.

Sắc màu đồng bằng

 

“Những lò gạch, gốm đỏ sẽ trở thành những lâu đài rực rỡ, lung linh dưới ánh mặt trời. Nơi đây không chỉ tạo ra những sản phẩm quý hiếm, có giá trị, mang bản sắc vùng ĐBSCL, mà còn là địa chỉ hấp dẫn du khách muôn phương” - Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh trong đêm khai hội “Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh” tại tỉnh Vĩnh Long. Sự liên tưởng của Phó Thủ tướng về những lò gạch bên dòng Cổ Chiên, ven kinh Thầy Cai cũng là lời tri ân tiền nhân, là gửi gắm với hậu thế về di sản quê hương.

Sắc màu đồng bằng

Bên dòng Thầy Cai, những lò gạch như “lâu đài rực rỡ”. Ảnh: DUY KHÔI

Ngày cuối năm, căn nhà của ông Nguyễn Văn Buôi ở TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long, rộn ràng hơn hẳn. Một căn nhà đặc biệt làm toàn bộ bằng gốm đỏ Vĩnh Long. Du khách đến tấp nập, trang phục xúng xính để chụp ảnh cùng gốm đỏ. Nhìn khách thích thú trải nghiệm ngôi nhà, ông Tư Buôi cứ cười hoài, quay sang nói: “Mỗi người tới đây, khi về, chắc ít nhiều cũng nhớ đến gốm đỏ Vĩnh Long quê mình”.

Ông Tư Buôi là một trong những “pho sử” về làng nghề gạch, gốm đỏ ở Vĩnh Long. Làng nghề trăm năm, có lúc dần bị mai một, ấy là vào khoảng những năm 1990… Và rồi người làng nghề đã “buông dầm cầm chèo”, khôi phục và phát triển nghề làm gốm đỏ. “10 năm sau thôi, đầu năm 2000, gốm đỏ Vĩnh Long có tiếng, bán ra nước ngoài luôn” - ông Tư Buôi nhớ lại. Riêng ông Tư có cách lưu giữ sắc đỏ gốm cho riêng mình. Ông cất một ngôi nhà hoàn toàn bằng gốm đỏ Vĩnh Long, sau đó là cả một khu tham quan, nghỉ dưỡng đỏ rực màu đất thăng hoa. Ông còn tổ chức cho học sinh, du khách trải nghiệm làm gốm, kể cho họ nghe chuyện đất, chuyện nghề. Ông muốn lưu giữ sản phẩm gốm, tinh hoa làng nghề cho thế hệ sau. Ông quả quyết: “Lò gốm tắt thì nhóm lại được chớ lửa nghề mà tắt, khó nhóm lắm. Chú Tư “chụm củi” trong lòng hoài”.

Sắc màu đồng bằng

Ông Tư Buôi tâm huyết với những công trình bằng gốm đỏ Vĩnh Long. Ảnh: DUY KHÔI

Từ TP Vĩnh Long, chúng tôi dong tàu về với Mang Thít trên dòng Cổ Chiên, rồi rẽ vào kinh Thầy Cai. Nếu ví Mang Thít là “vương quốc gốm đỏ” thì kinh Thầy Cai chính là “kinh thành”. Dọc hai bên bờ kinh, những lò gốm san sát, rực đỏ trên nền trời xanh, soi mình dưới dòng kinh thẳng tắp. Làng nghề có từ đầu thế kỷ XIX, rực rỡ vào đầu thế kỷ XX, trải qua bao thăng trầm, vẫn giữ cho mình màu đỏ tinh nguyên. Gốm làm từ đất, nung trong lửa đỏ, đây cũng là hai nguyên liệu quyết định chất lượng gốm. Điều này Vĩnh Long hội đủ, đó là loại đất sét mịn màng, dẻo dai, được nung từ lò chụm bằng trấu, chứ không đốt bằng củi hay khí ga. Lửa trấu cháy “âm âm” mà nóng đậm, tỏa nhiệt đều, nung những khối đất quê hương tươi màu gốm. Gốm đỏ Vĩnh Long là sự thăng hoa của đất, của người, của lưu niên thế kỷ.

Ông Đoàn Văn Đực (Hai Đực), chủ cơ sở gạch, gốm Thanh Đức, năm nay đã 82 tuổi, vẫn nhớ như in những chặng đường của làng nghề cũng như những người đi trước đã mở lối cho gốm đỏ Vĩnh Long. “Gạch hết “ăn”, nên nhiều người nghĩ tới làm gốm, cũng phải công phu lắm mới học nghề, rồi làm thành cái riêng của mình” - ông Hai nói. Quả vậy, trong nhiều làng gốm trăm năm, ngàn năm trên đất mẹ Việt Nam, gốm đỏ Vĩnh Long dù “tuổi trẻ” nhưng “tài cao”. Gốm đỏ Vĩnh Long không chỉ có bình bông, chậu kiểng, mà nay còn có cả đồ mỹ nghệ, lưu niệm, vật dụng gia đình, đi sâu vào đời sống mỗi người.

Sắc màu đồng bằng

Du khách tham quan lò gốm đỏ. Ảnh: DUY KHÔI

Bà Đoàn Thị Ngọc Diệp, Chủ tịch Hiệp hội Gạch gốm mỹ nghệ tỉnh Vĩnh Long, kể rằng, nghề làm gạch gốm ở Vĩnh Long có từ rất sớm, khoảng thế kỷ XVII, theo chân những cư dân đến khai phá vùng đất này. Đất mới đãi người mới. Nghề làm gốm ra đời từ sự nhào nặn giữa đất và người. Rồi đến đầu thế kỷ XIX, nghề gốm trở thành làng nghề dọc triền sông Cổ Chiên.

Bà Diệp kể tiếp, đến giữa thế kỷ XX, Vĩnh Long có 39 lò hoạt động sản xuất gạch, ngói với khoảng trên dưới 700 nhân công. Những năm 2000, với sự phát triển của gốm đỏ và nhu cầu gạch ngói tăng cao, làng nghề lập nên kỳ tích với gần 2.300 miệng lò. Sau đó, nhiều lò đã tắt lửa, nhiều người đã chuyển nghề, nay thì có khoảng 900 lò gạch, gốm. Chừng ấy tồn tại sau bao thăng trầm đủ cho thấy sức sống của nghề. Bà Diệp nói: “Bây giờ, sản phẩm gốm đỏ Vĩnh Long rất đa dạng, thường được các lò sản xuất theo đơn đặt hàng. Thị trường xuất khẩu của gốm đỏ chủ yếu sang các nước châu Âu, với doanh thu toàn ngành bình quân khoảng trên 500 tỉ đồng mỗi năm”.

Sắc màu đồng bằng

Nghệ nhân tạo hình gốm. Ảnh: MINH TRUNG

Những ngày diễn ra Festival “Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh” ở Vĩnh Long, nhiều người tìm về dòng Thầy Cai để ngắm những miệng lò san sát, nhìn những chiếc ghe chở gạch gốm xứ này nối nhau thành dòng, vươn ra sông rộng, biển lớn. Người ta lại tìm về nơi yên nghỉ của ông Cai Tổng Huỳnh Đình Ngộ, người có công đào kinh Thầy Cai, để thắp hương kính nhớ bậc Hậu Hiền. Người làng nghề lại nhắc nhau những cái tên như Ba Nghĩa, Ba Khiêm, Sáu Lộc, những người đã khai mở nghề làm gốm đỏ, với quả quyết: “Không có họ, sẽ không có nghề gốm đỏ!”.

Uống nước thì phải nhớ nguồn, người Vĩnh Long có được sắc đỏ của gốm hôm nay luôn ghi nhớ công những người khai mở. Chính từ lòng thành ấy, địa phương luôn nâng niu, gìn giữ nghề quê bằng cả tấm lòng hậu thế. Dịp Festival “Gạch gốm đỏ - Kinh tế xanh”, tỉnh Vĩnh Long đã công bố Đồ án quy hoạch chung xây dựng khu lò gạch, gốm với quy mô 3.060ha, thuộc địa bàn các xã: Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú, Hòa Tịnh (huyện Mang Thít) là khu du lịch trọng điểm của tỉnh, định hướng là khu du lịch quốc gia. Địa phương kỳ vọng hồi sinh và lan tỏa làng nghề gạch gốm trăm năm. Trước đó, Đề án di sản đương đại Mang Thít cũng đã được triển khai, với nội dung quan trọng là bảo tồn và phát triển ngành nghề sản xuất gạch, gốm truyền thống, gồm 649 lò với hơn 360 hộ.

Gốm đỏ trở thành di sản đương đại. Những người dân bên bờ Cổ Chiên, bên kinh Thầy Cai, ngày ngày đắm mình trong lò nung cũng là đang thực hành di sản đương đại. Họ còn là những di sản sống động, rực rỡ cạnh sắc đỏ gốm Vĩnh Long. Từ Hà Nội, nghe danh gốm đỏ Vĩnh Long mà đến, anh Lưu Anh Tú, một kiến trúc sư, đánh giá rằng, làng nghề gạch, gốm bên kinh Thầy Cai là chỉnh thể hoàn hảo của cụm làng nghề kiến trúc, mang tính riêng biệt. Ấn tượng với sự sáng tạo thông qua những sản phẩm thủ công truyền thống, anh Tú ví von rằng, ta thử tưởng tượng, hiện vật gốm tìm thấy trong quá trình khảo cổ từ trăm năm trước nay là cổ vật thì nay, nghề gốm Vĩnh Long vẫn cần mẫn làm nên “cổ vật”, làm của để dành cho trăm năm nữa.

Dòng chảy di sản đương đại Mang Thít vẫn luôn cần mẫn như dòng chảy Cổ Chiên. Một lễ hội mang tầm quốc gia, một con đường mang tên “Gốm đỏ Vĩnh Long” ngay giữa lòng thành phố, một làng nghề vẫn đỏ lửa sớm hôm, những dòng người vẫn tấp nập tìm về kinh Thầy Cai coi những mẻ gạch, gốm vừa ra lò… Tất cả gợi nhớ đạo lý phương Nam ngàn đời: Tiền Hiền khai khẩn, Hậu Hiền khai cơ, cháu con nối nghiệp giữ nghề.

Sắc màu đồng bằng

“Rằm tháng bảy nước nhảy khỏi bờ. Dòng sông Cửu Long đã no đầy, lại tràn qua bờ, chảy qua các sàn nhà, tràn qua cả mặt con đường đá. Nước trong ao hồ, nước trong đồng ruộng của mùa mưa hòa lẫn với nước của dòng sông Cửu Long. Đồng ruộng, vườn tược và cây cỏ như biết giữ lại hạt phù sa ở quanh mình, nước lại trong dần” (trích “Mùa nước nổi” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng).

Nhắc về vị “Thần Nông” của đồng bằng - Giáo sư Võ Tòng Xuân, nhà báo Vũ Thống Nhất nhớ lại cuộc trò chuyện với Giáo sư tại một hội nghị về sử dụng nguồn nước sông MeKong. Khi đó, Giáo sư Võ Tòng Xuân khẳng định rằng, cần có tư duy mới về nước với một chiến lược tổng thể, dài hạn, hợp thực tiễn và hiệu quả hơn. Nước phải trở thành “yếu tố hàng hóa” trong cơ chế thị trường, phải chắt chiu, khai thác, tận dụng hiệu quả từng loại nước cho từng vùng sinh thái. Nước ngọt thì sạ lúa, trồng cây, nước mặn thì nuôi tôm, nuôi cá. Tư duy nhạy bén, sáng tạo đó đã được người đồng bằng chắt chiu suốt hàng trăm năm qua.

Lời chia sẻ của Giáo sư như đánh thức những suy nghĩ mới về con nước đồng bằng. Có thể ví von, đồng bằng đang “nằm trên đống vàng” là chiếc nôi êm sông nước. Nhà báo Vũ Thống Nhất nêu ví dụ, đô thị Cần Thơ rất đặc biệt, đó là ngoài khoảng 60 cây số chiều dài sông Hậu chảy qua, còn có nhiều cồn đất lớn từ sông nước mà thành như cồn Tân Lộc, cồn Sơn, cồn Khương, cồn Cái Khế, cồn Ấu... Cần Thơ có chợ nổi Cái Răng, là tinh hoa của tinh hoa sông nước, là “báu vật sông nước” của Cần Thơ. “Giá trị của sông nước, cồn, chợ nổi từng được một nhà đầu tư Nhật Bản bật thốt sau khi tham quan: “Chỉ cần bán không khí cũng hốt bạc”!” - nhà báo Vũ Thống Nhất nhớ lại.

Sắc màu đồng bằng

Bến chợ quê. Ảnh: DUY KHÔI

Suy rộng ra, ĐBSCL ước đoán có chừng 30.000 cây số sông, kinh, rạch, đó là chưa kể đến kinh, rạch nội đồng, quy mô nhỏ. Với dân số đồng bằng khoảng 17,43 triệu người, mỗi người thụ hưởng 1,72 mét sông. Con số ấy làm chúng ta giật mình với vốn liếng thiên nhiên ban cho và ông cha để lại. Dọc dài châu thổ Cửu Long, đây dòng Tiền Giang, kia dòng Hậu Giang. Dòng Ba Thắc, Hàm Luông, Cổ Chiên năm tháng chảy xuôi. Dòng Năm Căn, Bảy Háp, Trèm Trẹm, Gành Hào, Chắc Băng cũng êm đềm con nước. Sóng Vàm Nao, nước Vàm Cỏ lại thương về những giề lục bình trôi nơi Cái Lớn, Cái Bé. Những dòng sông mẹ vẫn chở phù sa vun bồi cho đất, dù đục dù trong, dù mặn hay ngọt.

Và từ con nước bạc đồng bằng ấy, biết bao hoa trái đã trổ sinh trên vùng đất này, được định danh bằng niềm tự hào: văn hóa sông nước. Diễn trình hình thành văn hóa sông nước miền Tây làm nên nét đặc sắc cho xứ sở. Diễn ngôn mang dấu ấn sông nước là điển hình. Người miền Tây đã chơi là chơi hết mình, “chìm xuồng tại bến”, “bứt dây thả tuốt”. Cũng dòng nước linh đinh, khi thì nước lớn, khi thì nước ròng, lúc lại nước nhửng, nước rong, lại còn nước bò, nước đứng. Cũng cùng trên đất mẹ miền Tây, sông Vàm Cỏ Đông “nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng” nhưng dòng Tiền Giang, Hậu Giang lại khi trắng đục khi đỏ quạch phù sa. Nhóm nghiên cứu Lê Thị Tố Quyên - Huỳnh Văn Đà (Trường Đại học Cần Thơ) trong nghiên cứu về sinh thái và cư trú ĐBSCL đã chỉ ra điểm thú vị rằng, người miền Tây có 3 kiểu định cư chính: trước sông sau ruộng, vùng giáp nước và trước đường sau sông. Mới thấy, người miền Tây hàng trăm năm qua đã quen nếp sống buông dầm cầm chèo, nhất cận thị nhị cận giang, trên bến dưới thuyền, gạo chợ nước sông. Từ đó, những tri thức văn hóa dân gian sông nước được hình thành rõ nét.

Với nhà văn Trương Chí Hùng (Trường Đại học An Giang), nước là văn hóa, là cốt cách của người đồng bằng. Người miệt này từ chuyện ăn, ở, đi lại, nói năng, sinh hoạt, thậm chí tâm linh đều gắn liền với sông nước. “Tính cách người Việt Nam nói chung và người miền Tây nói riêng là theo “tính thủy”, thể hiện ở sự linh hoạt, mềm dẻo, uyển chuyển” - nhà văn Trương Chí Hùng nói. Nhà văn quê hương Vàm Nao tâm tình: “Bao phận người quê tôi gắn liền với dòng sông, từ khi sinh ra cho đến lúc về cát bụi, ba má tôi cũng không ngoại lệ. Đó là những ký ức và chiêm nghiệm tôi đã chắt chiu rất lâu để đưa vào tác phẩm”.

Những câu văn mở đầu bài viết này được trích từ tác phẩm kinh điển “Mùa nước nổi” của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, được đưa vào sách giáo khoa. Với mùa nước nổi, phải chăng cá linh từ bao giờ đã là “sứ giả” và bông điên điển là “biểu trưng”. Tiến sĩ Nguyễn Quốc Nghi (Trường Đại học Cần Thơ) đánh giá, mùa nước nổi là tài nguyên du lịch đặc sắc của miền Tây, đủ sức cạnh tranh mang tầm quốc tế. Những trải nghiệm, khám phá mùa nước nổi, từ làng nghề, ẩm thực đến tri thức dân gian… sẽ là sản phẩm du lịch “đến đây thì ở lại đây”.

Trong “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, nhà nghiên cứu Sơn Nam viết: “Từ đời Gia Long, Minh Mạng… ai cũng biết đào kinh thì đất ráo phèn, ruộng nương dễ khai phá, dân chúng thích quy tụ nơi sông sâu nước chảy”. Điều này đã gói gọn tập quán khẩn hoang, cư trú và lập nghiệp của người đồng bằng. Kinh Vĩnh Tế nay đã 200 năm lẻ, và hơn chục năm lại đây, đất An Giang “trên cơm dưới cá” lại có kênh Ông Kiệt theo cách gọi dân gian của bà con (tức kênh Võ Văn Kiệt), đưa sông ra biển, tháo chua rửa phèn, làm cho đất trù phú, người thịnh đạt. Trên tấm bia đầu kinh Ông Kiệt, bia đá khắc rằng: “Người nhờ đất để sống. Đất nhờ người có tên. “Uống nước nhớ nguồn” là đạo lý ngàn đời của ông cha ta”.

“Kinh xáng mới đào, tàu Tây mới chạy”, người đồng bằng quần cư hội tụ, trên bến dưới thuyền, ven những con kinh dễ thương như người xứ này: Một Ngàn, Hai Ngàn, Ba Ngàn, rồi Ba Ngàn Rưỡi, hay gần gũi như kinh Đứt, kinh Đứng, kinh Ngang, kinh Đòn Dông… Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng nhấn mạnh, khác với cư dân phía Bắc, người miền Tây có thị rồi mới có thành. Nghĩa là có nhà ở là có chợ mọc, rồi đô thị mới phát triển sau. Chợ nổi Cái Răng hình thành từ quá trình quần cư hội tụ ấy. Khách thương hồ về đây, người bán đồ rẫy, người mua đồ vườn… Chợ nổi… nổi từ dạo đó.

Đời sông và đời người gắn chặt dọc dài châu thổ Cửu Long. Qua bao biến thiên của đất trời, dòng nước bạc đồng bằng vẫn bao dung che chở. Sau mấy mươi năm vắng bóng, con cá đỏ dạ xứ Bạc Liêu, con cá chép hồi trên dòng sông Hậu đã xuất hiện trở lại. Lão nông Lý Văn Bon, người gắn cả đời với con cá trên sông, gắng công bảo tồn các loài cá quý bản địa, vẫn không thôi trầm trồ: “Cá sông Hậu là câu chuyện dài, cả đời tôi vẫn chưa kể hết”.

Hồn sông đã được đánh thức. Gần đây, khái niệm du lịch đường sông được nhắc đến nhiều. Những tour trải nghiệm sông nước miền Tây đang được du khách nước ngoài rất yêu thích. Vận tải thủy và dịch vụ logistics cũng đang là xu hướng hiện đại và là tiềm năng đang được khai thác trên đất Chín Rồng. Theo thống kê của các doanh nghiệp lĩnh vực vận tải thủy, mỗi tấn hàng vận chuyển bằng đường thủy từ Cần Thơ lên cảng ở TP Hồ Chí Minh chỉ tốn khoảng 130.000 đồng, trong khi nếu đi đường bộ tốn khoảng 380.000 đồng, tức cao gấp gần 3 lần. Do đó, việc đầu tư xây dựng hệ thống cảng, nạo vét kinh, luồng đường thủy ở ĐBSCL đang được Chính phủ rất quan tâm. Ấy là khơi lại dòng xưa, thông dòng nước bạc. Ấy là khi gia tài của cha ông để lại, nay được thế hệ hôm nay khai thác, khuấy nước tìm vàng.

Người đồng bằng đã năng động “thuận nước đẩy thuyền” để phát triển quê hương. Cao tốc bon bon hướng về đồng bằng, vươn thẳng về Đất Mũi cuối trời Tổ quốc. Sông, rạch đồng bằng thì thong dong dẫn nước về khơi. Vững niềm tin, có nước là có tiền!

Sắc màu đồng bằng

Chợ nổi Cái Răng, nét đặc trưng văn hóa sông nước Cần Thơ. Ảnh: DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết