Từ trong gian khó của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, đến 50 năm hòa bình độc lập xây dựng đất nước, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, công tác giáo dục và đào tạo luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Thơ tập trung đầu tư. Mạng lưới trường lớp kiện toàn, đội ngũ giáo viên đủ về lượng - chuẩn về chất, bên cạnh những mô hình xã hội hóa giáo dục để cơ hội học tập luôn rộng mở với tất cả mọi người.
Ðồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Ðảng, Bí thư Thành ủy TP Cần Thơ, khen thưởng học sinh Trường THPT Chuyên Lý Tự Trọng đạt giải tại Cuộc thi Tin học trẻ cấp quốc gia. Ảnh: B.NG
Sáng sớm thứ hai 16-12-2024, các em học sinh Trường THCS Thị trấn Cờ Ðỏ, huyện Cờ Ðỏ tựu về sân trường, nghe cựu chiến binh Lê Tiến Thủ, từng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 303, Trung đoàn 1, Sư 30, Quân khu 9 kể chuyện chiến đấu, với lời mở đầu: Chú rất xúc động vì hôm nay thấy trường lớp khang trang, học trò được dạy kiến thức và biết những câu chuyện của người đi trước qua buổi nói chuyện như hôm nay. Ðó là những nền tảng để học trò lớn lên thành người hữu ích cho xã hội.
Gặp chúng tôi sau buổi sinh hoạt, thầy Nguyễn Văn Hoàng Anh, giáo viên môn Toán của Trường THCS Thị trấn Cờ Ðỏ, vừa nhận danh hiệu Nhà giáo Ưu tú dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2024, chia sẻ điều vui với thầy, ở cả vai trò người đi học và khi gắn bó với sự nghiệp trồng người từ năm 2006 đến nay, là mạng lưới trường lớp được đầu tư xây dựng ngày càng rộng khắp, kiên cố; đội ngũ nhà giáo ngày càng lớn mạnh, việc học được cả xã hội thực sự quan tâm.
Học sinh Trường THPT Châu Văn Liêm tham gia thí điểm mô hình thi online tập trung qua nền tảng công nghệ xác thực thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử. Ảnh: B.NG
Thầy Hoàng Anh sinh năm 1985, quê ở huyện Thới Lai, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Cần Thơ (nay là Trường Cao đẳng Cần Thơ), sau đó hoàn thành chương trình đại học do Trường Ðại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh mở tại Cần Thơ. Trong hơn 18 năm giảng dạy, thầy đã chứng kiến hệ thống trường lớp kiện toàn, kiên cố hóa ở Thới Lai, Cờ Ðỏ - những vùng xa của TP Cần Thơ có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Thầy lấy một ví dụ nhỏ: lúc trước ở đây, 2 cấp THCS và THPT cùng chung mái trường Hà Huy Giáp (nay là Trường THPT Hà Huy Giáp), đến năm 2005 tách ra xây dựng và thành lập Trường THCS Thị trấn Cờ Ðỏ. Thầy nói: “Nhờ trường lớp được xây dựng đầy đủ, rộng khắp, đội ngũ nhà giáo ngày càng tăng và chuẩn hóa, nên thầy cô có điều kiện nâng cao chất lượng giảng dạy vì sĩ số học sinh ở mỗi lớp học phù hợp, không quá tải”.
*
* *
Trong kháng chiến chống Pháp 1945-1954, công tác giáo dục và đào tạo (GD&ÐT) tại Cần Thơ “đã hình thành ở cả vùng tự do và vùng địch tạm chiếm”(1), với 2 mũi nhọn là bình dân học vụ và tiểu học vụ nhằm xóa nạn mù chữ trong toàn dân, vừa hướng tới mục tiêu lâu dài là nâng cao dân trí, đào tạo đội ngũ cán bộ có đức, có tài(2). Trong kháng chiến chống Mỹ, ngành giáo dục nối tiếp truyền thống thực hiện bình dân học vụ, đồng thời đẩy mạnh bổ túc văn hóa song song với xây dựng các trường phổ thông vùng giải phóng theo hệ 10 năm: “Niên khóa chuyển tiếp 1965-1966 được xem là cao điểm. Vùng nông thôn của tỉnh Cần Thơ có tới 22.000 học sinh phổ thông”(3).
Sau ngày thống nhất đất nước, GD&ÐT luôn là một trong những lĩnh vực được Ðảng, Nhà nước quan tâm hàng đầu. Tại Cần Thơ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được tập trung đầu tư, phát triển kiên cố hóa, hiện đại hóa và theo chuẩn quốc gia đã ban hành.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2004-2023, TP Cần Thơ đầu tư gần 11.254 tỉ đồng xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị dạy học. Ðến năm 2023, tỷ lệ phòng học kiên cố và bán kiên cố đạt trên 99,84%, cơ bản đã xóa các phòng học tạm; hệ thống phòng học bộ môn, nhà hiệu bộ và các công trình phụ trợ được quan tâm chuẩn hóa.
Trong đó, tỷ lệ phòng học kiên cố của TP Cần Thơ ở các bậc tiểu học đạt 87,13%, THCS 95,84%, THPT 99,66% - đều cao hơn mức trung bình của cả nước (tiểu học 83,2; THCS 94,9; THPT 97,0)(4). Tỷ lệ trung bình phòng học/lớp của TP Cần Thơ ở bậc tiểu học là 1,01 (vượt so với yêu cầu chung là 1 phòng học/lớp); THCS đạt 0,82% và THPT là 0,93%, đáp ứng yêu cầu chung của quốc gia là tối thiếu 0,6%; ở bậc mầm non đạt 0,97, cao hơn tỷ lệ chung của cả nước (0,86)(5). Nhờ đó, số trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia từng bước được nâng lên; 100% trường học được kết nối mạng internet và đều có website.
Ðội ngũ nhà giáo của Cần Thơ được xây dựng, phát triển liên tục, nhất quán theo hướng đủ về số lượng và chuẩn về chất lượng. Năm học 1976-1977 có 2.713 giáo viên; đến năm học 2004-2005, ngành Giáo dục TP Cần Thơ có 11.348 biên chế. Năm học 2024-2025, TP Cần Thơ có 16.185 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ giáo viên công lập các cấp năm học 2024-2025 đạt chuẩn theo quy định là mầm non 98,62%, tiểu học 93,7, THCS 95,52%, THPT 100%.
Cùng với cả nước, ngành Giáo dục TP Cần Thơ vừa tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; đồng thời thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định Cần Thơ là trung tâm giáo dục và đào tạo của vùng ÐBSCL. Năm học 2024-2025 cũng là năm học đầu tiên Chương trình Giáo dục phổ thông mới (2018) được thực hiện ở tất cả 12 khối lớp. Tất cả đòi hỏi sự chuẩn bị và tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên lâu dài để thực hiện thành công các mục tiêu đổi mới giáo dục.
Ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ cho biết hiện nay quy mô hệ thống trường lớp, đội ngũ nhà giáo của thành phố đảm bảo điều kiện học tập, tiếp cận giáo dục của học sinh. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, trúng tuyển đại học và đạt loại Khá, Giỏi trong học tập thường xuyên được nâng lên qua từng năm học. Giáo dục của thành phố luôn đi đầu trong các tỉnh ÐBSCL về thành tích và tổ chức thực hiện; đồng thời đáp ứng các nguồn lực thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Công tác xã hội hóa được quan tâm thực hiện, góp phần đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư phát triển GD&ÐT.
*
* *
Thầy Ðào Xuân Kiểu, năm nay 80 tuổi, từng đảm nhận nhiệm vụ Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Việt Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, Hiệu trưởng Trường THPT Bán công Phan Ngọc Hiển (nay là Trường THPT Phan Ngọc Hiển) chia sẻ về những ngày đầu nghiên cứu thành lập trường bán công đầu tiên ở Cần Thơ và những ngày kết thúc sứ mệnh của mô hình trường bán công, tạo nền tảng hình thành hệ thống trường tư thục, để minh chứng cho những nỗ lực và quyết tâm của các cấp lãnh đạo thành phố trong nghiên cứu đa dạng hóa mô hình giáo dục, nhằm huy động nguồn lực toàn xã hội cho GD&ÐT.
Học sinh Trường Tiểu học Thị trấn Cờ Đỏ 2 trong giờ học thể dục. Ảnh: B.NG
Thầy Ðào Xuân Kiểu khẳng định, bên cạnh công tác xã hội hóa, ngành giáo dục ngày nay có 4 điểm sáng nổi bật. Ðó là mạng lưới trường lớp rộng khắp, kiên cố và đủ các phòng chức năng. Ðội ngũ giáo viên đảm bảo về số lượng và được đào tạo bài bản, đúng chuẩn. Phụ huynh quan tâm, đồng hành cùng nhà trường trong giáo dục con em. Và quan trọng nữa là các cấp lãnh đạo thành phố luôn quan tâm đến giáo dục qua việc thường xuyên chỉ đạo kiểm tra góp ý hoạt động của các trường, đầu tư cơ sở vật chất, khen thưởng học sinh có thành tích, giúp học sinh nghèo vượt khó, tạo điều kiện để đội ngũ nhà giáo nâng cao trình độ… Tất cả cùng chung ý chí và hành động để giáo dục là quốc sách hàng đầu, việc chăm lo giáo dục luôn được xem trọng ở nhiều khía cạnh.
Thầy Trần Văn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT Thực hành Sư phạm, trực thuộc Trường Ðại học Cần Thơ đồng tình: “Nhờ hệ thống trường lớp ổn định, đảm bảo chỗ học cho tất cả học sinh, phòng học và trang thiết bị đạt yêu cầu, điều kiện làm việc thuận lợi, Cần Thơ quy tụ đội ngũ nhà giáo tận tụy, tận hiến cho nghề nghiệp. Các cơ quan quản lý giáo dục chỉ đạo nhất quán, chú trọng hiệu quả, phát huy vai trò chủ động của các cơ sở giáo dục và không có biểu hiện của bệnh thành tích. Mạng lưới trường công lập tiếp tục phát triển bên cạnh các trường tư thục, mở rộng cơ hội học tập cho học sinh”. Trong khi chia sẻ nhiều ý kiến về hiện trạng giáo dục, thầy Trần Văn Minh luôn nhấn mạnh đến những cốt lõi của quá trình giáo dục, đó là đức dục, trí dục, thể dục và mỹ dục; đồng thời bày tỏ kỳ vọng việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 sẽ đáp ứng các yêu cầu đó.
Học sinh Trường THPT Thực hành Sư phạm, Trường Đại học Cần Thơ trong một buổi thi. Ảnh: B.NG
Những quan điểm về giáo dục trong bối cảnh mới cũng được ông Trần Thanh Bình, Giám đốc Sở GD&ÐT TP Cần Thơ chia sẻ: Khoa học công nghệ phát triển nhanh đòi hỏi giáo viên phải thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng để cập nhật kiến thức và phương pháp truyền đạt mới. Người thầy phải là tấm gương sáng về phẩm chất, đạo đức và tinh thần tự học để học sinh noi theo vì cùng với “dạy chữ” là “dạy người”. Học sinh hiện nay năng động, nhạy bén, nhanh chóng thích nghi với những thay đổi của công nghệ bên cạnh sự tham gia đồng hành, ủng hộ của phụ huynh và toàn xã hội cho công tác GD&ÐT.
Những tín hiệu khởi sắc ngày một rõ nét đã khẳng định hiệu quả đáng mừng từ quá trình chăm lo việc học xuyên suốt của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Cần Thơ trên chặng đường 50 năm.
Xuân Viên
------------
(Nguồn: “30 năm xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ” (1975-2005), UBND TP Cần Thơ, 12-2005; “Thành phố Cần Thơ 20 năm xây dựng và phát triển 2004-2024”, UBND TP Cần Thơ, 12-2023; Báo cáo tháng 9-2024, Sở Giáo dục và Ðào tạo TP Cần Thơ)
(1), (2), (3) Tỉnh ủy, UBND tỉnh Cần Thơ, 2002, “Ðịa chí Cần Thơ”, tr.648, 650, 679.
(4), (5) Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Báo cáo Tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, Hà Nội, ngày 25-11-2024.