02/02/2025 - 13:28

Về quê ăn Tết
sự mầu nhiệm của cuộc đời 

Tôi sinh trưởng ở Bạc Liêu, vùng miệt Hậu Giang xưa của ĐBSCL, nơi văn hóa Việt chảy về muộn màng nhất. Nhưng có những thứ văn hóa chảy về thì in đậm, sống mãi với thời gian. Trong đó nếp sinh hoạt về quê ăn Tết là một thí dụ.

Trẻ em miệt Bạc Liêu đi chơi Tết. Ảnh: DUY KHÔI

Hồi tôi làm ở báo Minh Hải nên gia đình sống ở Cà Mau, cách quê nhà hơn 70 cây số. Thế mà mười năm như một, khi mấy ngọn gió xuân len lén kéo về là cả gia đình nôn nao, đến 27-28 Tết là đóng cửa nhà kéo hết bầu đoàn thê tử về quê ăn Tết. Quê là quê nghèo, nhà cũ cũng là nhà nghèo, có gì vui đâu, thế mà vẫn về và vẫn cứ vui bởi vì gói trong chuyến về ấy là cả một mùa xuân của ký ức và bao điều hệ trọng của nhân cách làm người.

Đến khi tỉnh Minh Hải chia tách thành 2 tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau tôi về định cư ở Bạc Liêu, nhà chỉ cách quê cũ có 7 cây số mà vẫn cứ mười năm như một, 27-28 Tết về một lần rồi đúng 5 giờ sáng ngày Mùng 1 Tết, cha con, vợ chồng lại kéo lên xe về ngôi nhà cũ của cha mẹ để cho thằng Út, nhưng có cái bàn thờ là của chung.

Bữa cơm rước ông bà ngày 30 Tết. Ảnh: DUY KHÔI

Tôi thực hiện việc về quê ăn Tết như cái máy đã được lập trình, không bị áp lực nào khác suy chuyển. Một thói quen cố định, không thay đổi thì đó chỉ có thể là việc của máu thịt, của thiêng liêng mà thôi. Tôi lớn lên, nhận biết cuộc đời là thấy được cái nếp của gia đình mình. Khi đêm trừ tịch đi qua một cách chậm chạp rồi thời khắc giao thừa đến là toàn gia quyến thức dậy; những thành viên đi nhậu đằng xóm cũng phải chạy về; con trai ra ở riêng nhà dưới hậu đất cũng kéo lũ khũ vợ con về ngôi nhà của cha mẹ. 

Và ba tôi giống như một đức cha chỉ huy hành lễ. Ông tắm gội sạch sẽ, mặc đồ đẹp nhất rồi bày bánh mứt, trà rượu và thắp nhang lên bàn thờ.  Công việc xong thì ba tôi phủ phục trước bàn thờ, cùng với con cháu lạy bốn lạy. Bốn lạy đó gọi là thắp nhang mừng tuổi ông bà năm mới, cũng có thể gọi nôm na là trả nghĩa ông bà tổ phụ. Hồi nhỏ tôi mê chơi, cứ đi xóm dưới đánh bài hay nhậu, có năm về không kịp cùng cả nhà đón giao thừa. Thế là ba tôi lạ lắm, ông không rầy, không mắng, chỉ thấy trong mắt ông một nỗi buồn thật sâu. Cứ y như là ông tự trách mình không biết dạy con nên nó không hiếu hạnh với ông bà tổ tiên. Nhìn vào đôi mắt đó, tôi chợt thấy sợ, từ đó không dám tái phạm nữa.

Khi tôi nhận biết cuộc đời là đã thấy cái nếp mừng tuổi ông bà của gia đình, làng quê mình rồi. Ba má tôi thực hiện rồi đến anh chị tôi làm, khi hai ông bà về với tổ tiên... công việc vẫn tiếp tục cứ thế, nối tiếp từ thế hệ này đến thế hệ khác. Tôi nghiễm nhiên làm theo phép của người xưa. Đó là cái phép hiếu hạnh, nó quy định nhân cách con người. Ta lớn lên có tri thức, có tâm hồn và nhân cách thì chẳng thể nào từ chối một nếp sinh hoạt Tết như thế.

Chính cái tục thắp nhang mừng tuổi ông bà trong thời khắc tinh khôi nhất của năm mới quyết định một nếp sinh hoạt Tết là về quê ăn Tết.

Phong tục về quê ăn Tết có từ lâu đời và diễn ra trên bình diện cả nước trong mùa xuân náo nức của dân tộc. Ở ngoài Bắc, ngoài Trung thì từ quan tướng cho đến kẻ cơ bần đều lũ lượt kéo về những ngôi nhà thờ họ hay còn gọi là từ đường. Ở trong Nam, phần đông là về ngôi nhà thời bé của mình. Ở đó có bàn thờ gia tiên cũng rất xưa cũ. Có năm, Mùng 2 Tết tôi chở gia đình lên Sài Gòn chơi thì thấy thành phố vô cùng hoạnh vắng. Thì ra người thành phố đã về quê cả rồi. Sài Gòn là đất sinh tựu của dân miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Tết mà lên Sài Gòn là thấy rất rõ cái nếp về quê ăn Tết.

Văn hóa dân tộc trang bị, quy định những nếp sinh hoạt rất đẹp cho Tết nên mùa xuân là vạn đại, là huyền diệu bởi nó có sức mạnh ít ai dám cưỡng lại. Cưỡng lại nó giống như ta biến mình thành một kẻ vô văn hóa.

Tát đìa ăn Tết. Ảnh: DUY KHÔI

Nếp sinh hoạt về quê ăn Tết thì còn nhiều. Nhưng, đời sống hiện đại và văn minh cộng với nhiều luồng văn hóa khác xâm nhập khiến nội dung sinh hoạt Tết đã bị thay đổi rất nhiều. Nhiều làng quê mất dần cái nếp đón giao thừa. Hoặc có đón nhưng thiếu thủ tục thắp nhang mừng tuổi ông bà, lạy tạ tổ tiên. Nhiều gia đình trẻ, thành đạt, về quê ăn Tết với tâm thế đi chơi, thăm quê hương, bạn bè. Ba ngày Tết trôi qua trong những tiệc nhậu với dòng họ, bạn bè thời niên thiếu. Thậm chí có nhiều người rất lạ lẫm với thủ tục thắp nhang ông bà. Tâm thế về quê ăn Tết của người trẻ là thế nên lớp con cháu của họ ngơ ngác, xa lạ với cổ tục ông bà để lại.

Thôi, ta là người đồng bằng, phóng khoáng rộng mở là thuộc tính, dễ dàng chấp nhận, miễn có về quê ăn Tết là được. Là ít nhiều còn biết gốc rễ, chỉ sợ sự vô cảm, xa lạ với quê hương. Đó thật sự là những người rất đáng thương hơn đáng giận.

Tết Ất Tỵ sắp về, mùa xuân nơi quê cũ đang vẫy gọi. Hãy thử quỳ trước bàn thờ gia tiên một lần, tôi cam đoan rằng sẽ thấy được những mầu nhiệm của cuộc sống. 

Đó là buổi mai ngày Mùng 1 Tết thật trong lành, thật thanh khiết, là thời khắc tinh khôi của năm mới, có những ngọn gió xuân se lạnh kéo về. Ngoài đồng chim én về chấp chới bờ đê… Tất cả như đưa ta về ký ức. Tại ngôi nhà này đây, có một đời sống nghèo và những cái Tết thật nghèo, ta hiu hút mắm đồng cơm nguội lớn lên, ta ngồi chờ mẹ nấu bánh đêm giao thừa với những câu chuyện cổ tích. Trước không gian đầy ký ức, trước thời khắc tinh khôi của năm mới, ta đến thắp ba nén nhang lên bàn thờ tổ phụ. Ở đó bày hoa quả, bánh mứt. Hoa Tết quyện với hương trầm thơm ngát mà ngỡ anh linh của ông bà cha mẹ quyện trong hương trầm. Rồi ta chợt buồn, chợt tủi khi ta có đời sống khá hơn thì ông bà, cha mẹ đã đi về nơi xa khuất. Ta nhớ ông bà ta từ Tiền Giang xa xôi về xứ này khi khai hoang lập nghiệp chịu đựng cực khổ của một đời sống lạc hậu và chiến tranh máu lệ, của một xứ sở rừng thiêng nước độc. Ta nhớ mẹ ta như thân cò lặn lội đồng sâu, gặt thuê cày mướn. Ta nhớ cha mình bán mặt cho đất, bán lưng cho trời.  Và ta, từ đó mà sinh ra rồi lớn lên phổng phao thành người. Chính lúc này đây, ta nhận ra công đức như trời bể. Và ta cứ hỏi mình, tự răn đe mình phải sống như thế nào cho phải đạo.

Tục thắp nhang mừng tuổi ông bà ấp ủ, nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách con người là thế. Ta rong chơi trong mùa xuân rất đẹp và xuân dạy ta làm người. Sự mầu nhiệm của cuộc đời là như thế!

Phan Trung Nghĩa

Chia sẻ bài viết