Trong những năm gần đây, bóng đá châu Âu trải qua sự thay đổi đáng kể về quyền sở hữu CLB, đặc biệt là dịch chuyển sang người Mỹ. Ðối với một số chủ đầu tư, các CLB đại diện cho tài sản có giá trị, trong khi những người khác bị cuốn hút bởi cơ hội khai thác tiềm năng doanh thu khổng lồ từ môn "thể thao vua".
Các cầu thủ Hellas Verona (phải) vừa có chủ mới là người Mỹ. Ảnh: Getty Images
Hellas Verona vừa trở thành CLB thứ 8 tại giải vô địch quốc gia Ý Serie A thuộc quyền sở hữu của người Mỹ, sau khi công ty cổ phần tư nhân Presidio Investors hoàn tất thỏa thuận thâu tóm đội bóng. Ðược biết, thỏa thuận định giá CLB này ở mức 123-134 triệu USD, bao gồm các khoản nợ.
Thương vụ mua lại Verona đã kết thúc 13 năm nắm quyền lãnh đạo CLB của doanh nhân người Ý Maurizio Setti. Tại giải đấu này, giới đầu tư Mỹ còn kiểm soát các đội Inter Milan, AC Milan, Atalanta, Fiorentina, Parma, Roma và Venezia.
Giống như các giải lớn khác ở châu Âu, Serie A trở thành điểm đến ưa thích đối với các nhà đầu tư Mỹ vì 2 yếu tố chính: chi phí mua lại thấp và tiềm năng tăng trưởng rất lớn.
Với việc nhượng quyền thương mại ở các giải Bóng bầu dục nhà nghề Mỹ (NFL), giải Bóng rổ (NBA) và giải Bóng chày (MLB) đạt mức định giá cao chưa từng có, đơn cử như đội bóng bầu dục Dallas Cowboys lên tới hơn 10 tỉ USD, bóng đá vẫn tương đối phải chăng. Chelsea và AC Milan, hai thương vụ mua lại lớn nhất do Mỹ dẫn đầu vào năm 2022, được bán với giá lần lượt chỉ 2,9 tỉ USD và 1,2 tỉ USD.
Nguyên nhân có sự khác biệt về định giá này chủ yếu nằm ở nguy cơ xuống hạng, điều không tồn tại trong các giải thể thao ở Mỹ nhưng lại là một phần không thể thiếu của các giải châu Âu. Do vậy, hiểm họa mà điều này đặt ra cho người hâm mộ và tài chính của CLB cũng không hiện hữu trong các đội bóng Mỹ. Việc được bảo đảm suất thi đấu ở mùa tiếp theo đồng nghĩa bảo toàn phần doanh thu từ bản quyền truyền hình.
Tại Anh, các doanh nhân Mỹ hiện diện ở mọi cấp độ. Với việc tập đoàn Friedkin Group tiếp quản Everton hồi tháng rồi, có đến 10 CLB tại giải Ngoại hạng Anh (EPL) đã chuyển sang chủ mới người Mỹ, chiếm 50% số lượng đội bóng. Ở hệ thống thấp hơn với tổng cộng 72 đội tham dự, tỷ lệ này là 32%. Cách đây chỉ 20 năm, không đội bóng EPL nào rơi vào tay người Mỹ.
EPL phát sóng tới 189/193 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Vào tháng 5-2024, Ban tổ chức EPL cho biết 1,87 tỉ người theo dõi giải đấu này trên thế giới. Do đó, không ngạc nhiên khi các nhà đầu tư xứ cờ hoa quan tâm đến một "sản phẩm" mà mỗi mùa khiến đài truyền hình Mỹ NBC tốn 450 triệu USD mua bản quyền phát sóng, cao gấp 5 lần so với năm 2013. NBC là một trong những đối tác quan trọng nhất của EPL và họ đóng góp rất lớn vào tiềm năng kiếm tiền của các đội bóng hàng đầu.
EPL có 3 đội xuống hạng vào cuối mỗi mùa giải. Kể từ khi EPL ra mắt năm 1992, có 6 CLB chưa từng rớt hạng, gồm Arsenal, Chelsea, Manchester United, Liverpool, Everton và Tottenham. Ngoại trừ Tottenham, 5 cái tên còn lại đều thuộc sở hữu của người Mỹ.
Do quy định về quyền sở hữu "50%+1", phần lớn các đội tại giải vô địch quốc gia Ðức Bundesliga vẫn phản đối việc nước ngoài thâu tóm toàn bộ. Trường hợp ngoại lệ duy nhất là RB Leipzig nằm dưới sự kiểm soát của tập đoàn Red Bull (Áo).
MINH DŨNG