05/02/2025 - 08:52

Phong Ðiền phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ 

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ trên địa bàn huyện Phong Ðiền đã có bước phát triển mạnh mẽ, tạo điểm nhấn trong bức tranh kinh tế - xã hội tại địa phương. Tiếp tục duy trì đà phát triển, huyện phát huy vai trò công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tạo động lực tăng trưởng hiệu quả...

Hoạt động sản xuất của Công ty TNHH Roto trên địa bàn huyện Phong Ðiền.

Tín hiệu tích cực

Trên địa bàn huyện Phong Ðiền hiện có khoảng 28 doanh nghiệp đang hoạt động lĩnh vực công nghiệp và 772 cơ sở công nghiệp, với khoảng 2.587 lao động. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (theo giá so sánh 2010) năm 2024 của huyện là 1.039 tỉ đồng, đạt 102,36% kế hoạch, tăng 105,8% so với năm 2023. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Ðiền, xác định vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong phát triển kinh tế, huyện Phong Ðiền đã xây dựng kế hoạch thực hiện các chủ trương, chính sách khuyến công, khuyến khích, kêu gọi đầu tư của doanh nghiệp trong và ngoài huyện.

Trong năm 2024, huyện phối hợp với Trung tâm khuyến công và tiết kiệm năng lượng Cần Thơ hỗ trợ mua sắm máy móc thiết bị từ nguồn kinh phí khuyến công Quốc gia năm 2024 cho Công ty TNHH Phát triển kỹ thuật châu Âu với kinh phí khoảng 829,4 triệu đồng. Huyện tổ chức họp mặt doanh nghiệp để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của địa phương...

Hạ tầng thương mại, dịch vụ của huyện Phong Ðiền không ngừng phát triển và nâng chất đáp ứng nhu cầu thị trường. Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn được quan tâm chỉ đạo kiểm tra thường xuyên đã góp phần hạn chế kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng và bình ổn thị trường trên địa bàn. Theo đó, đáp ứng đầy đủ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân. Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ của huyện là 7.348 tỉ đồng, đạt 102% kế hoạch, tăng 126,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Với điều kiện tự nhiên lý tưởng là thế mạnh để phát triển du lịch sinh thái, huyện đã tập trung cho việc đầu tư phát triển. Ðồng thời, thường xuyên theo dõi, hướng dẫn hoạt động du lịch trên địa bàn nhằm đảm bảo thực hiện đúng quy định về kinh doanh, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên địa bàn huyện hiện có 65 điểm du lịch, gồm: 49 điểm tham quan du lịch; 9 điểm du lịch tâm linh và 7 di tích lịch sử, khu tưởng niệm; trong đó có 2 di tích cấp quốc gia và 4 di tích cấp thành phố. Trong các dịp lễ, Tết hoạt động du lịch trên địa bàn diễn ra an toàn, thu hút lượng lớn khách đến tham quan. Năm 2024, các điểm du lịch trên địa bàn huyện thu hút gần 1,9 triệu lượt khách đến tham quan, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu hơn 532 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2023…

Ðộng lực tăng trưởng

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện Phong Ðiền, hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn còn nhỏ lẻ, chưa phát triển nhiều cơ sở sản xuất quy mô lớn. Ðối với lĩnh vực, thương mại - dịch vụ sức mua bán còn hạn chế do ảnh hưởng chung của nền kinh tế, giá cả tăng, thu
nhập thấp...

Hiện nay, cơ sở hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện ngày càng được hoàn thiện, nhất là các công trình trọng điểm của thành phố đã hoàn thành đưa vào sử dụng như cầu Tây Ðô, cầu Vàm Xáng… Bên cạnh đó là các dự án sắp hoàn thành như đường Vành đai phía Tây, đường tỉnh 918… sẽ tạo động lực lớn phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Phong Ðiền tập trung đẩy mạnh các giải pháp thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn. Năm 2025, huyện phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (giá so sánh 2010) đạt 1.076 tỉ đồng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 7.760 tỉ đồng.

Ðể thúc đẩy hoạt động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết: Huyện triển khai các giải pháp phát triển ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Ðồng thời, tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị; các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất. Huyện quan tâm kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các chợ, trung tâm thương mại và các hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu người dân. Cùng đó, tiếp tục bổ sung, đổi mới và hoàn thiện các sản phẩm du lịch. Mặt khác, đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức theo hướng chuyên nghiệp và đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác đầu tư trong lĩnh vực du lịch hướng đến phát triển du lịch bền vững...

Ðồng hành cùng địa phương, các doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh. Năm 2013, Nhà máy Roto của Công ty TNHH Roto (TP Hồ Chí Minh) được thành lập tại xã Mỹ Khánh, huyện Phong Ðiền, đến nay đã không ngừng mở rộng quy mô, cung ứng số lượng lớn bồn nhựa trên toàn quốc và xuất khẩu các sản phẩm nhựa áp dụng công nghệ cao sang Nhật Bản, Úc và Hoa Kỳ... Hiện nay nhà máy có 50 lao động chuyên môn và 30 lao động thời vụ tại địa phương. Doanh thu bình quân mỗi năm đạt từ 35-40 tỉ đồng. Theo ông Hồ Hảo Thành, đại diện Công ty TNHH Roto, định hướng chiến lược 5 năm tiếp theo của công ty là 70% doanh thu đến từ sản phẩm xuất khẩu, được sản xuất theo công nghệ cao và thân thiện môi trường. Công ty tiếp tục cải tiến sản xuất, đảm bảo chất lượng và mở rộng thị trường, đóng góp tích cực vào phát triển của địa phương…

Bài, ảnh: L. MẪN

 

Chia sẻ bài viết