26/01/2025 - 14:26

Vui sao nước mắt lại trào

Cuộc hẹn ngày toàn thắng 

Đó là những giọt nước mắt mừng vui, hạnh phúc vỡ òa trong ngày toàn thắng 30-4-1975. Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Lê Thanh Sơn (Ba Ngay), còn nhớ rõ thời khắc lịch sử ấy, khi các cánh quân giải phóng thần tốc tiến công, chiếm lĩnh hoàn toàn các mục tiêu theo kế hoạch giải phóng Cần Thơ, ông và nhiều đồng đội mừng vui đến trào nước mắt. Ngày 1-5, cả thành phố rợp màu cờ, nhân dân nô nức xuống đường mừng chiến thắng, chào đón ngày hòa bình đầu tiên. Ở góc khuất khác, có những cư dân thành phố trong niềm vui chấm dứt chiến tranh, còn có những lo lắng âm thầm về tương lai… 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, gặp lại những nhân chứng lịch sử, những cư dân năm xưa, tôi nhìn thấy niềm vui, niềm hạnh phúc ngời trong ánh mắt, rạng rỡ trên môi họ…

Thiếu tướng, AHLLVTND Lê Thanh Sơn kể lại khí thế quân dân ta tiến công giải phóng Cần Thơ vào ngày 30-4-1975. Ảnh: Kim Chinh

Khát vọng hòa bình

Tết nầy, Thiếu tướng, AHLLVTND Lê Thanh Sơn bước vào tuổi 85. Từ năm 2000, khi nghỉ hưu, ông đã mua miếng đất ruộng tại xã Ðông Thạnh, huyện Châu Thành (Hậu Giang) dựng lên căn nhà cấp 4 để gia đình làm kinh tế và có nơi rộng rãi để đón tiếp các đồng đội, cũng là nơi Ban Liên lạc (BLL) Cựu Chiến binh Tiểu đoàn Tây Ðô (TÐTÐ) lui tới hội họp, bàn việc nghĩa tình. Mảnh đất ấy giờ có căn biệt thự xinh xắn, đủ tiện nghi với khu vườn xanh mát. Ngày ngày, ông vẫn chăm sóc vườn sầu riêng phía sau nhà và thi thoảng đến dự các cuộc họp mặt, kỷ niệm các ngày lễ lớn tại Cần Thơ, Hậu Giang.

Nửa thế kỷ trôi qua, nhưng nhắc về ngày toàn thắng 30-4-1975, ông không bao giờ quên khí thế hừng hực tại “đại hội toàn quân” diễn ra trên cánh đồng trơ gốc rạ rộng lớn tại xã Thạnh Xuân vào đêm 28-4-1975. Nhận định thời cơ giải phóng đã chín muồi, với sự chỉ đạo của Khu ủy và sự phối hợp của Quân khu 9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cần Thơ quyết định tổ chức đại hội toàn quân triển khai kế hoạch tấn công giải phóng Cần Thơ, quyết tâm cùng với quân dân cả nước thực hiện thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau lời tuyên thệ hùng hồn của Tỉnh đội trưởng Cần Thơ Lê Thanh Sơn, hàng ngàn cánh tay giơ lên với lời thề quyết thắng. Anh em ôm chặt nhau với lời hẹn “gặp nhau tại bến Ninh Kiều trong ngày toàn thắng”.

Theo kế hoạch, các đồng chí Nguyễn Minh Quang, Bí thư Tỉnh ủy và Trần Minh Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính ủy Mặt trận Cần Thơ, chỉ đạo lực lượng vũ trang (LLVT) Cần Thơ cùng với các lực lượng chủ lực của Quân khu 9 tiến quân đánh chiếm trung tâm đầu não Vùng 4 chiến thuật và ngụy quyền tỉnh Phong Dinh. LLVT tỉnh chia làm 3 mũi tiến công: TÐTÐ 1 do ông Lê Thanh Sơn chỉ huy (Ban Chỉ huy tiểu đoàn là đồng chí Nguyễn Văn Tài và Chiêm Thành Tấn), cùng lực lượng biệt động Cần Thơ, địa phương quân Châu Thành A tiến về Rạch Sung, vượt sông Cần Thơ vào Lộ Vòng Cung, đánh thẳng vào trung tâm TP Cần Thơ, chiếm các mục tiêu quan trọng; TÐTÐ 2 do đồng chí Lê Hoàng Sương (Út Sương) là Tỉnh đội phó – Tham mưu trưởng chỉ huy (Ban Chỉ huy tiểu đoàn là đồng chí Phạm Thành Sự) cùng Tiểu đoàn 303 của Quân khu đánh chiếm Chi khu Cái Răng, tiến công theo hướng Xóm Chài; TÐTÐ 3 do đồng chí Phạm Hồng Thấy chỉ huy, cùng quân chủ lực Quân khu 9 hành quân qua Trà Niền, xã Nhơn Ái để vào Lộ Vòng Cung, thu hút kềm chân địch từ hướng Lộ Vòng cung đánh ra.

Trên tuyến Lộ Vòng Cung và các vùng ven, các lực lượng ta phải đối mặt với nhiều tình huống khó khăn, nguy hiểm, các cánh quân thần tốc tiến công chiếm lĩnh các mục tiêu. Ðến 16 giờ, mũi tiến công do ông Ba Ngay chỉ huy đã tiến thẳng vào nội ô thành phố. Ông phân công các lực lượng chiếm Ðài Phát thanh, Trung tâm 4 nhập ngũ, Nha cảnh sát, Sở Chỉ huy Quân đoàn 4, các cơ quan đầu não..., còn ông trực tiếp cùng Ðại đội trinh sát chiếm dinh Tỉnh trưởng. Ðến 16 giờ 30 phút, lá cờ quyết thắng đã kéo lên trên nóc dinh Tỉnh trưởng. Ðến 17 giờ, ta làm chủ toàn bộ các mục tiêu. Tại Ðài Phát thanh Cần Thơ, đồng chí Nguyễn Văn Lưu (Năm Bình), Bí thư Thành ủy Cần Thơ, soạn thảo và cho phát đi bản tin công bố LLVT cách mạng đã làm chủ hoàn toàn TP Cần Thơ, kêu gọi sĩ quan, binh lính cộng hòa buông súng đầu hàng… Ông Ba Ngay tổ chức lực lượng đón đồng chí Trần Minh Sơn (Bảy Mạnh) cùng Ban Chỉ huy thống nhất và các cơ quan của tỉnh vào thành phố. Ông bồi hồi kể: “Chúng tôi mừng vui không tả xiết, nước mắt thắng lợi cứ tuôn rơi mỗi khi đồng đội gặp nhau. Cả đêm 30-4 gần như chúng tôi không ngủ, trong niềm hạnh phúc dâng trào, còn có sự bùi ngùi thương nhớ những đồng chí, đồng bào đã ngã xuống, đã đóng góp tài sản, người thân cho sự nghiệp cách mạng... Tất cả đều mong đợi ngày hòa bình”.

Bà Mai Thị Hoàng, cố Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cần Thơ nhiệm kỳ 1992-1997 và bà Lê Minh Châu, nguyên Hội trưởng Hội LHPN giải phóng tỉnh Cần Thơ (người thứ 2 và thứ  3 từ phải sang) tại cuộc hội ngộ sau 30 năm giải phóng giữa các thế hệ cán bộ Hội LHPN Cần Thơ với bà Phan Thị Tốt (áo nâu), mẹ của Liệt sĩ, AHLLVTND Nguyễn Việt Hồng. Ảnh: Kim Chinh

Dốc sức cho trận cuối cùng

Cùng tâm trạng trên, khi nhắc đến ngày toàn thắng cách nay 50 năm, bà Lê Minh Châu, nguyên Tỉnh ủy viên, Hội trưởng Hội LHPN giải phóng tỉnh Cần Thơ, vẫn còn bồi hồi xúc động. Ở tuổi 90, bà có cuộc sống an vui với sự chăm sóc chu đáo của vợ chồng người cháu nội là Tiến sĩ Nguyễn Minh Thông (hiện là cán bộ Ủy ban Kiểm tra Thành ủy). Nhiều lần tôi được nghe bà kể chuyện kháng chiến, giờ nhiều việc xưa bà không nhớ rõ, nhưng bà vẫn nhớ khí thế các lực lượng chuẩn bị mọi mặt, quyết tâm dồn sức cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử theo chỉ đạo của Khu ủy, Tỉnh ủy Cần Thơ. Bà đã lãnh đạo các cấp Hội LHPN giải phóng tỉnh Cần Thơ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, đặc biệt là công tác chính trị và binh vận. Hội đã chỉ đạo, tổ chức cán bộ đứng chân ở các huyện, thị xã, đợi thời cơ phối hợp các lực lượng tiến hành “xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện”; lập các tổ, đội chuẩn bị lương thực, tải đạn, tải thương; phân công chị em bám hơn 1.000 mục tiêu đồn bót, thị xã, thị trấn, các sân bay, trại giam để nắm tình hình địch, làm công tác binh vận; kêu gọi nhiều binh lính buông súng, rã ngũ về quê. Ngày 30-4, nơi diễn ra chiến sự quyết liệt nhất là thị xã Vị Thanh. Các lực lượng địch rút chạy, đổ về Vị Thanh lên đến cả ngàn quân. Mặt trận nầy do đồng chí Trần Nam Phú, Chính trị viên Tỉnh đội Cần Thơ, chỉ huy. Bà Bảy Minh Châu cùng các lực lượng giải phóng đã trải qua những thời khắc đấu tranh cam go, sinh tử. Ðến sáng ngày 1-5, thị xã Vị Thanh mới giải phóng hoàn toàn. Trong ngày vui tột cùng sau bao nhiêu năm mong đợi, bà cứ rơi nước mắt khi nhớ đến mong muốn của Bác Hồ đến ngày hòa bình sẽ vào thăm miền Nam, nhớ đến ước vọng hòa bình của bao đồng bào, đồng chí đã hy sinh…

Bút ký: Kim Chinh

 

 

Chia sẻ bài viết