Đó là những giọt nước mắt mừng vui, hạnh phúc vỡ òa trong ngày toàn thắng 30-4-1975. Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (AHLLVTND) Lê Thanh Sơn (Ba Ngay), còn nhớ rõ thời khắc lịch sử ấy, khi các cánh quân giải phóng thần tốc tiến công, chiếm lĩnh hoàn toàn các mục tiêu theo kế hoạch giải phóng Cần Thơ, ông và nhiều đồng đội mừng vui đến trào nước mắt. Ngày 1-5, cả thành phố rợp màu cờ, nhân dân nô nức xuống đường mừng chiến thắng, chào đón ngày hòa bình đầu tiên. Ở góc khuất khác, có những cư dân thành phố trong niềm vui chấm dứt chiến tranh, còn có những lo lắng âm thầm về tương lai… 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, gặp lại những nhân chứng lịch sử, những cư dân năm xưa, tôi nhìn thấy niềm vui, niềm hạnh phúc ngời trong ánh mắt, rạng rỡ trên môi họ…
Thiếu tướng, AHLLVTND Lê Thanh Sơn và Ban Liên lạc Cựu chiến binh TÐTÐ cùng với Thiếu tướng Ðinh Văn Nơi tham dự Chương trình gặp mặt Cựu chiến binh TÐTÐ và thăm, tặng quà cho gia đình chính sách tại xã Phương Bình, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang nhân kỷ niệm Ngày thành lập TÐTÐ (24-6). Ảnh: Nguyễn Thắng
Lời hứa thiêng liêng
Cũng như bà Bảy Minh Châu, điều mà ông Ba Ngay muốn thực hiện trước hết là chăm lo thân nhân, gia đình các đồng chí, đồng đội đã hy sinh có cuộc sống no ấm. Nhưng những năm đầu hòa bình, trong lúc Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh đang dồn sức chiến đấu với giặc đói, giặc dốt, hàn gắn vết thương chiến tranh thì chiến tranh biên giới phía Bắc, chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra. Ông Ba Ngay cùng các cán bộ LLVT, cán bộ TÐTÐ dạn dày kinh nghiệm chiến đấu lại lên đường làm nhiệm vụ giúp nước bạn Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng. Năm 1984, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ông nhận quyết định về nước giữ chức Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang. Ông cùng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh dồn sức lãnh đạo xây dựng LLVT tỉnh vững mạnh, tổ chức làm kinh tế để giúp cán bộ, chiến sĩ LLVT tỉnh cải thiện đời sống và làm công tác chính sách. Khi nhận quyết định nghỉ hưu, ông thực hiện ngay điều ông luôn ấp ủ, thầm hứa với những đồng đội đã khuất. Với vai trò Trưởng BLL Cựu chiến binh TÐTÐ, ông quy tụ, kết nối các cán bộ tâm huyết tham gia vận động cất nhà, chăm lo đời sống các cựu chiến binh, thân nhân, vợ con cán bộ, chiến sĩ TÐTÐ đã hy sinh, từ trần cuộc sống còn nhiều khó khăn. Ðại tá Lê Trọng Nghĩa (Tám Nghĩa), nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9, nguyên Chính trị viên TÐTÐ - người từng vào sinh ra tử, nhiều năm công tác, gắn bó với ông Ba Ngay, sát cánh trong các hoạt động của BLL- đã kể nhiều câu chuyện cảm động về ông. Ông Tám Nghĩa cảm phục nhất là tinh thần hết lòng vì đồng đội của ông Ba Ngay trong chiến tranh lẫn thời bình. Khi nghỉ hưu, ông Ba Ngay dốc sức tìm kiếm, phát hiện nhiều đồng đội quá nghèo, nhiều gia đình, vợ con liệt sĩ, thương binh cuộc sống quá khó khăn. Ông cùng BLL kết hợp với chính quyền các địa phương tìm cách giúp đỡ, xốc dậy tinh thần của nhiều cựu chiến binh nghèo khó, giúp nhiều gia đình vươn lên có cuộc sống no ấm hơn. Tính từ năm 2002 đến nay, BLL Cựu chiến binh TÐTÐ đã vận động xây dựng hơn 1.200 căn nhà tặng cán bộ, chiến sĩ TÐTÐ qua các thời kỳ, gia đình chính sách gặp khó khăn về nhà ở. Tiếp nối tâm huyết của ông, những năm qua, các đồng chí trong BLL tiếp tục vận động xây dựng nhiều nhà, công trình, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn. Theo ông Lê Minh Phụng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phong Ðiền, Phó Trưởng BLL Cựu chiến binh TÐTÐ, tính từ năm 2020 đến nay, BLL đã vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ, xây dựng 166 căn nhà (mỗi căn từ 50-80 triệu đồng); tặng 3.700 phần quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo trị giá hơn 3,7 tỉ đồng; xây dựng 6 công trình bia kỷ niệm chiến thắng của TÐTÐ, trụ sở làm việc của BLL, đường giao thông nông thôn với tổng số tiền hơn 21 tỉ đồng… “Tất cả những gì BLL làm được trong những năm qua nhờ có sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của các đồng chí lãnh đạo thành phố qua các nhiệm kỳ, sự tích cực vận động, đóng góp tiền của, công sức của nhiều cán bộ, chiến sĩ trưởng thành từ TÐTÐ… Như Thiếu tướng Ðinh Văn Nơi, Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, những năm qua đã vận động, ủng hộ thực hiện nhiều hoạt động, công trình…” - ông Ba Ngay cho biết.
Vì hạnh phúc, sự tiến bộ của phụ nữ
Trong cuộc đời làm báo, tôi cũng ghi nhận nhiều câu chuyện, việc làm nghĩa tình của cán bộ lãnh đạo Hội LHPN tỉnh, TP Cần Thơ qua các thời kỳ. Còn nhớ những năm tham gia thực hiện phim truyền thống Phụ nữ Cần Thơ thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, tôi chứng kiến các bà Lê Minh Châu, Ðinh Thị Cẩm, Mai Thị Hoàng (các vị Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ từ năm 1975-1997) nhiều lần rơi nước mắt khi thấy các mẹ, các chị từng tham gia kháng chiến, tiếp tế, nuôi chứa cán bộ cách mạng, cuộc sống còn quá khó khăn, thiếu thốn và bàn bạc với các cán bộ Hội tìm cách hỗ trợ ngay… Ði đến đâu, các bà đều nhắc nhở các cán bộ hội về vai trò quan trọng của phụ nữ trong gia đình, ngoài xã hội, giúp phụ nữ tiến bộ, biết làm kinh tế, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc là những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Bà Bảy Minh Châu nói: “Do chiến tranh, nghèo khó và định kiến xã hội đối với phụ nữ nên trước đây đa số phụ nữ không được học hành nhiều. Nay hòa bình, chị em phụ nữ phải cố gắng học tập tiến bộ về mọi mặt, đặc biệt là quan tâm chăm lo công tác giáo dục, dù khó khăn đến đâu cũng ráng lo cho con cháu, thế hệ trẻ học hành, bởi các cháu là tương lai của đất nước…”.
Song song với lãnh đạo các cấp hội hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị Tỉnh ủy giao, Tỉnh hội giao nhiệm vụ cho các cấp hội làm tốt công tác chăm lo cho gia đình chính sách, công tác hậu phương quân đội, đặc biệt là thực hiện lời Bác dạy phải chăm lo để “đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Ngay từ những năm đầu sau giải phóng, phong trào tương thân, tương ái, giúp nhau thoát nghèo trong hội viên phụ nữ được Hội triển khai thực hiện ngày càng rầm rộ, sâu rộng với nhiều hình thức phong phú. Năm 1992, Cần Thơ là tỉnh duy nhất ở phía Nam được Trung ương Hội chọn làm điểm chỉ đạo thực hiện mô hình Nhóm Phụ nữ tiết kiệm. Chỉ 4 năm sau, tỉnh Cần Thơ có 2.061 nhóm phụ nữ tiết kiệm với tổng số tiền gửi tiết kiệm xoay vòng giúp nhau trong phụ nữ trên 19 tỉ đồng, giúp hơn 80.000 phụ nữ có vốn để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Mô hình hiệu quả nầy tiếp tục được các lãnh đạo Hội LHPN thành phố kế nhiệm duy trì và phát huy cho đến nay. Hiện toàn thành phố có trên 1.200 tổ, nhóm, đã và đang quản lý 4 loại hình tiết kiệm thu hút hơn 63.200 thành viên tham gia, với tổng số tiền trên 196 tỉ đồng… Cùng với các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, các chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ, nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đồng bộ của tỉnh, thì các giải pháp, sự nỗ lực chăm lo, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên của các hội, đoàn thể đã góp phần giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo vươn lên no ấm.
Bà Lê Minh Châu (áo vàng) dự buổi họp mặt thân nhân gia đình các đồng chí nguyên là cán bộ TÐTÐ hy sinh, từ trần do Bộ Chỉ huy Quân sự TP tổ chức. Ảnh: Phạm Trung
Chăm bồi thế hệ kế thừa
Ðiều khiến Thiếu tướng, AHLLVTND Lê Thanh Sơn (Ba Ngay) lo lắng, trăn trở nhất sau giải phóng là nhiều con em của cán bộ, chiến sĩ hy sinh, từ trần, con của các thương binh, đồng đội cuộc sống còn quá khó khăn, cần được chăm lo, tiếp sức. Nay nghe tôi hỏi lại điều nầy, ông vui vẻ nói: Với sự quan tâm giúp đỡ của những cán bộ tâm huyết, của đảng bộ, chính quyền tỉnh, thành phố, từng địa phương, cùng với sự nỗ lực của gia đình, bản thân các cháu, đến nay nhiều cháu cũng có cuộc sống tốt, thành đạt, một số cháu trở thành những cán bộ chủ chốt của thành phố, LLVT tỉnh, quân khu. Rồi ông kể chuyện AHLLVT Nguyễn Văn Hoàng (Ba Hoàng - nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Phong Ðiền, Trưởng BLL Cựu chiến binh TÐTÐ) đã cùng anh em ở Huyện đội Châu Thành cưu mang, giúp đỡ 5 người con của các cán bộ TÐTÐ có hoàn cảnh khó khăn ăn học thành đạt. Trong đó có các con của đồng chí Tư Trung (AHLLVTND Nguyễn Văn Giàu) đều phấn đấu tốt, có cháu là cán bộ lãnh đạo trong LLVT tỉnh. Giọng ông phấn chấn khi kể về các con của liệt sĩ, AHLLVTND Chiêm Thành Tấn (người nhận nhiệm vụ cảm tử đánh sập cầu Cái Răng năm 1972, hy sinh khi sang giúp đồng bào Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng - PV). Ông nói: Dù trong hoàn cảnh khó khăn, các cháu luôn cố gắng học hành vươn lên. Trong đó, cháu Chiêm Thống Nhất được anh Tám Nghĩa gửi đi học Trường Thiếu sinh quân (Quân khu 9), được đào tạo, học hành bài bản, rèn luyện, trưởng thành trong quân đội, nay là Thiếu tướng, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 9; cháu Chiêm Quốc Tế cũng được một cơ quan nhận đỡ đầu, nay là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Cần Thơ. Ông bảo, các con của đồng chí Trần Nam Phú (nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang từ trần năm 1991), nhờ được sự chăm lo, dạy dỗ của mẹ (bà Mai Thị Hoàng, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Cần Thơ), cùng sự nỗ lực phấn đấu nối tiếp truyền thống gia đình, cả 6 người con trở thành những cán bộ chủ chốt của cơ quan, đơn vị, địa phương, trong đó 2 cháu giữ cương vị lãnh đạo Ðảng, chính quyền thành phố (đồng chí Trần Quốc Trung, nguyên Ủy viên Trung ương Ðảng, Trưởng đoàn Ðại biểu Quốc hội TP Cần Thơ, Bí thư Thành ủy và đồng chí Trần Việt Trường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ - PV).
Bút ký: Kim Chinh