Xác định Văn hóa là nền tảng - Thể thao là sức mạnh - Du lịch phát triển bền vững, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) TP Cần Thơ năm 2024 đã nỗ lực tăng tốc, bứt phá, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Trong đó, những mô hình, cách làm hay từ cơ sở là những điểm sáng đáng ghi nhận, tô điểm cho bức tranh VH,TT&DL trong xu thế hội nhập quốc tế.
Học sinh trải nghiệm nghệ thuật múa lân tại chương trình “Sắc xuân miệt vườn” do Bảo tàng TP Cần Thơ tổ chức.
Lan truyền nét đẹp di sản cho thế hệ trẻ
Những ngày cận Tết, Sở VH,TT&DL TP Cần Thơ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mừng Ðảng - mừng Xuân, như chương trình “Sắc xuân miệt vườn”, Hội Báo Xuân Ất Tỵ, Liên hoan Ca nhạc, Ca cổ, Tiểu phẩm Xuân… Trong các hoạt động ấy, sự tham gia của nhiều đoàn học sinh đã tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi và tô đậm ý nghĩa chương trình. Trải nghiệm xem nghệ nhân làm bánh hồng đào, gói bánh tét, em Ðặng Nguyễn Xuân Ngọc, học sinh lớp 7, Trường THCS Trần Hưng Ðạo, quận Ninh Kiều, hào hứng chia sẻ: “Qua các hoạt động này em hiểu hơn về văn hóa ngày Tết, về sự khéo tay của các bà, các mẹ và món ngon của người miền Tây”.
Công tác giáo dục di sản văn hóa trong học đường là điểm sáng nổi bật thời gian qua giữa ngành VH,TT&DL và ngành Giáo dục và Ðào tạo thành phố. Những chương trình đã trở thành “thương hiệu” thời gian qua là Tiết học sử tại bảo tàng, Tìm về di sản, Em tập làm thuyết minh viên, Tự hào người Cần Thơ… Như mới đây, Tiết học sử tại bảo tàng với chủ đề tìm hiểu Bảo vật quốc gia tại Bảo tàng TP Cần Thơ mang lại hiệu quả lớn. Các em tận mắt ngắm nhìn từng bảo vật, tự tay vẽ tranh, nắn tượng bảo vật và được học những bài học sống động xung quanh Bảo vật quốc gia ở Cần Thơ. Cô Nguyễn Lê Thu Thuận, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Ðạo, quận Ninh Kiều, cho biết thêm: Nhiều năm qua, nhà trường luôn nỗ lực tạo các hoạt động bổ ích, gắn với lịch sử, văn hóa địa phương trong thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Với sự phối hợp với ngành Văn hóa, hiệu quả mang lại rất rõ nét, khi các chương trình đã truyền cảm hứng, tình yêu di sản cho các em học sinh.
Theo thống kê, năm học 2023-2024, có 36 trường học thuộc 9 quận, huyện đã ký kết phối hợp với Bảo tàng TP Cần Thơ về giáo dục di sản văn hóa. Tại các buổi sinh hoạt, tuyên truyền, có hơn 94.000 lượt giáo viên và học sinh tham dự. Có 139 lượt trường học với 221 đoàn, gần 15.000 lượt giáo viên, học sinh, sinh viên tham quan bảo tàng. Hơn 10.000 giáo viên và học sinh đã tham quan, học tập tại các di tích được xếp hạng và công trình văn hóa, tưởng niệm danh nhân của thành phố... Ðây là những con số cho thấy sức lan tỏa của việc phối hợp lan truyền tình yêu di sản văn hóa địa phương đến thế hệ trẻ.
Công tác phối hợp tổ chức Vòng sơ khảo Cuộc thi Ðại sứ Văn hóa đọc là điểm nhấn khác. Ðơn cử như mùa giải năm 2024 vừa qua, Ban Tổ chức đã nhận được 10.649 bài dự thi của 108 trường học trên địa bàn thành phố. Nhiều bài dự thi được đầu tư công phu đã đạt giải cấp thành phố, cấp quốc gia. Quá trình tổ chức giải, nhiều trường học đã phối hợp chặt chẽ với Thư viện TP Cần Thơ trong tuyên truyền, vận động học sinh tham gia. Em Nguyễn Ngọc Ngân, học sinh Trường THCS Thới Long (quận Ô Môn), người đoạt giải Ba tại Vòng Chung kết toàn quốc Cuộc thi Ðại sứ Văn hóa đọc năm 2024, chia sẻ rằng kết quả này chính là nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình, tâm huyết của thầy cô và các cô chú cán bộ.
Lễ Giỗ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa thu hút đông đảo khách tham quan, học sinh.
Phát huy nguồn lực từ cơ sở
Cần Thơ là vùng đất giàu bản sắc, tài nguyên văn hóa. Tất cả 9 quận, huyện trên địa bàn thành phố có những nét đặc thù văn hóa, với những thế mạnh riêng. Ðiểm đáng ghi nhận là thời gian qua, các địa phương đã nỗ lực phát huy thế mạnh, tiềm năng, góp phần vào sự phát triển chung của ngành VH,TT&DL thành phố.
Quận Bình Thủy được xem là điểm sáng trong khai thác các di tích lịch sử - văn hóa gắn kết với phát triển du lịch. Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Bình Thủy, cho biết: Bình Thủy có nhiều di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng nhất trong toàn thành phố, với 7 di tích cấp quốc gia và 1 di tích cấp thành phố; cùng với 1 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia - Lễ hội Kỳ yên Ðình Bình Thủy; công trình Ðền thờ Vua Hùng tại TP Cần Thơ. Ðịa phương xác định đây không chỉ là vốn quý về văn hóa mà còn là tài nguyên du lịch quan trọng. Thời gian qua, quận khai thác giá trị các di tích thông qua tổ chức nhiều hoạt động với quy mô ngày càng mở rộng như tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tham quan, dã ngoại, hành quân về nguồn cho học sinh, sinh viên vào các kỳ nghỉ hè, các dịp lễ...; xúc tiến, hình thành các tour, tuyến du lịch. Các lễ hội hằng năm như Lễ hội Kỳ yên Ðình Bình Thủy, Lễ giỗ Thủ khoa Bùi Hữu Nghĩa được tổ chức quy mô, phong phú hoạt động, đã thu hút lượng du khách khá lớn. “Chỉ riêng trong năm 2024, các điểm di tích trên địa bàn quận đã đón tiếp 335.142 lượt khách, trong đó có khoảng 9.000 khách quốc tế”, bà Thu thông tin.
Theo bà Trương Cẩm Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Thới Lai, Ðội Tuyên truyền lưu động huyện thời gian qua đã đóng góp tích cực vào công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các phong trào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Bên cạnh tổ chức phục vụ nhân các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện, đội còn tham gia các liên hoan, hội thi, hội diễn cấp thành phố. Ðặc biệt, hằng năm, đội luôn chủ động xây dựng chương trình phối hợp với văn nghệ quần chúng Khmer tổ chức chương trình văn nghệ tổng hợp để phục vụ đồng bào dân tộc Khmer trong các dịp lễ, Tết như Ok-Om-Bok, Chôl-Chnăm-Thmây... Ngoài ra, đội kết hợp hình thức tuyên truyền lưu động với sân khấu hóa, tổ chức phát trực tiếp trên mạng xã hội Zalo, Facebook… để phục vụ rộng rãi trong nhân dân.
Còn ở quận Cái Răng, việc huy động vốn ngoài ngân sách đầu tư cơ sở thể dục thể thao được xem là điểm sáng. Theo lãnh đạo Phòng Văn hóa và Thông tin quận Cái Răng, địa phương xác định xã hội hóa thể thao là giải pháp, hướng đi quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn về cơ sở vật chất… Bởi, muốn phát triển thể thao thì không thể chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước. Ðến nay, quận có 6 cơ sở (18 sân) bóng đá, 10 cơ sở tập gym và fitness, 8 cơ sở có câu lạc bộ billiards và còn nhiều cơ sở kinh doanh thể thao, đáp ứng được nhu cầu tham gia tập thể thao của người dân trên địa bàn quận. Chị Nguyễn Thị Minh Châu, người tập thể hình ở một cơ sở trên địa bàn quận Cái Răng, cho biết: “Cơ sở đầu tư bài bản, chuyên nghiệp, phục vụ tốt nhu cầu khách hàng. Qua các cơ sở này, người dân có điều kiện rèn luyện sức khỏe tốt hơn”.
Tiết mục trình diễn nhạc ngũ âm kết hợp múa Khmer do Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh huyện Thới Lai thực hiện.
* * *
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Sở VH,TT&DL TP Cần Thơ, cho biết: Triển khai thực hiện chủ đề năm 2025 của thành phố là “Quyết tâm thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị thành phố tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh huy động nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội đại biểu Ðảng bộ thành phố lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025”, ngành VH,TT&DL TP Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đột phá bằng nhiều giải pháp căn cơ, hiệu quả, nâng tầm hoạt động của ngành. Trong đó, chú trọng chuyển đổi số trong các hoạt động VH,TT&DL, nhằm đảm bảo chất lượng và hiệu quả. Tham mưu tổ chức các hoạt động, sự kiện chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm trong năm 2025. Trong nhiệm vụ chung đó, ngành VH,TT&DL quận, huyện có sự đồng hành, đóng góp không nhỏ.
Các điểm sáng ở quận, huyện đã tô điểm bức tranh chung của VH,TT&DL thành phố với các trụ cột: văn hóa là nền tảng - thể thao là sức mạnh - du lịch phát triển bền vững. Từ đó, xây dựng và phát triển ngành VH,TT&DL TP Cần Thơ theo hướng hội nhập, vươn xa.