Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí tăng chi tiêu và lấp đầy khoảng trống về năng lực quân sự để nâng cao khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen trao đổi với các lãnh đạo châu Âu tại hội nghị ngày 3-2. Ảnh: AP
EU, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Anh ngày 3-2 đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh không chính thức tại Brussels, Bỉ để thảo luận về tương lai phòng thủ của châu lục.
Sau hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa cho biết các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí tập trung vào việc lấp đầy những lỗ hổng quan trọng trong hệ thống phòng thủ của họ, như phòng không và phòng thủ tên lửa, tên lửa, đạn dược và vận tải quân sự.
“Về cơ bản, châu Âu cần tăng cường quốc phòng. Để làm được điều đó, cơ sở công nghiệp quốc phòng của chúng ta phải được củng cố. Trong nhiều năm, chúng ta đã đầu tư không đủ vào quốc phòng. Do đó, việc tăng chi tiêu quốc phòng ở mức lớn là hết sức cấp thiết”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen phát biểu.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo vẫn chưa tìm được cách thức tài trợ cho đợt tăng chi tiêu quốc phòng theo kế hoạch. Sau một số cuộc khủng hoảng, nhiều nước châu Âu đang thiếu tiền và phải đối mặt với nền kinh tế đang suy yếu.
Mối lo ngại này càng trở nên nghiêm trọng hơn khi Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng cho nhiệm kỳ hai.
Ông Trump đã yêu cầu các quốc gia châu Âu chi nhiều hơn cho việc bảo vệ chính họ và ít phụ thuộc hơn vào Mỹ thông qua NATO. Hội nghị trên diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang đối mặt với nhiều thách thức khi cuộc xung đột Nga - Ukraine chưa có hồi kết.
Để ứng phó, các nước châu Âu đã tăng chi tiêu quân sự trong những năm gần đây. Năm ngoái, các nước EU đã chi trung bình 1,9% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng, đạt khoảng 326 tỉ euro, tức tăng 30% so với năm 2021. Ít nhất 23 trong số 32 thành viên NATO hiện chi tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng, phù hợp với các mục tiêu của liên minh quân sự do Mỹ dẫn dắt.
Nhưng nhiều nhà lãnh đạo EU cho biết họ sẽ cần phải chi tiêu nhiều hơn. EC ước tính khối này có thể phải chi thêm 500 tỉ euro trong thập niên tới để lấp đầy những khoảng trống quan trọng trong hệ thống phòng thủ.
Ông Trump nhấn mạnh rằng các thành viên NATO nên chi 5% GDP cho ngân sách quốc phòng. Đây là mức tăng mạnh so với mục tiêu 3 hoặc 3,5% mà NATO dự định đề ra tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào mùa hè này. Hiện không có thành viên NATO nào dành 5% GDP cho chi tiêu quân sự, kể cả Mỹ. Bản thân Mỹ chỉ chi khoảng 3,4% GDP cho quốc phòng.
EU cân nhắc triển khai “khoản nợ chung”
Nội bộ EU đang tranh luận về việc liệu khối có thể huy động thêm tiền để chi cho quốc phòng thông qua khoản nợ chung hay không, tương tự cách chống đại dịch COVID-19. Nguồn tiền tài trợ cũng có thể đến từ một phương tiện được hỗ trợ bởi Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).
Hồi tuần rồi, 19 quốc gia châu Âu đã đề nghị EIB “nên tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều cách thức khác để đóng vai trò mạnh mẽ hơn nữa trong việc cung cấp vốn đầu tư và tận dụng nguồn vốn tư nhân cho lĩnh vực an ninh và quốc phòng”.
Hôm 3-2, bà Von der Leyen cho biết EU sẵn sàng hợp tác với ngân hàng này để “tăng tính linh hoạt của các hoạt động cho vay”.
Nhưng việc gây quỹ chung cũng có thể cản trở nỗ lực của các quốc gia EU nhằm tăng ngân sách quốc phòng theo yêu cầu riêng lẻ của NATO. Hiện 23 trong số 27 quốc gia EU cũng là thành viên NATO.
❝ An ninh chỉ là một trong những vấn đề mà chính quyền Donald Trump đang thể hiện lập trường đối đầu hơn với EU. Cuối tuần qua, ông Trump cảnh báo sẽ sớm áp mức thuế mới đối với các đối tác thương mại châu Âu. Lời đe dọa này càng khiến châu Âu tin rằng họ cần trang bị khả năng tự vệ nhiều hơn trong một thế giới mà Mỹ là đối tác ít tin cậy hơn.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)