08/05/2020 - 19:47

Nhìn lại mình để tiến lên

Sáng nay, 9-5-2020, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (Hà Nội) diễn ra “Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2020”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối tới 63 điểm cầu trên cả nước, 30 điểm cầu ở các bộ, ngành và được truyền hình trực tiếp trên sóng VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam, tạo điều kiện cho khoảng 800.000 doanh nghiệp, hơn 5 triệu hộ kinh doanh và người dân có thể theo dõi và trực tiếp đối thoại với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.  

Đây là lần thứ tư diễn ra hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh cả nước vừa trải qua đại dịch COVID-19 thì quy mô, phương thức và những nội dung tập trung trao đổi tại hội nghị này được xem là lớn nhất, có ý nghĩa nhất so với những hội nghị trước đây. Hội nghị lần này hướng tới mục tiêu chính là ghi nhận những nỗ lực vượt khó, tự cường của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh phải đương đầu với dịch bệnh COVID-19; khơi dậy, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, nỗ lực của doanh nghiệp cùng Chính phủ nắm bắt cơ hội, vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế đất nước. Qua lắng nghe, ghi nhận các đề xuất giải pháp, sáng kiến của doanh nghiệp tại hội nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp và ban hành, thực thi các chủ trương, chính sách mới giúp cộng đồng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nắm bắt cơ hội phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Vì thế, “Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp 2020” được cộng đồng doanh nghiệp ví như một “Hội nghị Diên Hồng”.

Ví von đó hàm chứa tính cấp thiết và ý nghĩa của hội nghị, nếu biết rằng, qua khảo sát mới đây của Tổng cục Thống kê ở 130.000 doanh nghiệp, có đến 92,8% doanh nghiệp quy mô lớn, 91,1% doanh nghiệp quy mô vừa, 89,7% doanh nghiệp quy mô nhỏ và 82,1% doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ cho biết bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19. Trong 4 tháng đầu năm 2020, doanh thu của các doanh nghiệp giảm mạnh, chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm 2019. Thực trạng này cho thấy ít nhất 2 vấn đề: Thứ nhất, cộng đồng doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các địa phương - nhất là sự hỗ trợ thông qua những cải cách về thể chế, chính sách; thứ hai, bản thân từng doanh nghiệp cũng phải nhìn lại mình để tự thân tìm ra những giải pháp vượt khó, tiếp tục đứng dậy và vươn lên.

Những ý kiến, kiến nghị về cải cách thể chế, chính sách sẽ được các doanh nghiệp đề xuất tại hội nghị. Nhưng, trước thềm hội nghị, có một sự kiện rất đáng quan tâm vì liên quan mật thiết đến mối quan hệ đồng hành giữa Nhà nước với doanh nghiệp. Đó là Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức thực hiện và công bố vào ngày 5-5 vừa qua. Kết quả đánh giá xếp hạng PCI cấp tỉnh 2019 cho thấy mức độ năng động, sáng tạo của chính quyền cấp tỉnh đã gia tăng; công tác giải quyết vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp có những cải thiện rõ rệt; môi trường kinh doanh bình đẳng hơn; các doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận thông tin; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự được củng cố; gánh nặng chi phí không chính thức tiếp tục giảm; cải cách hành chính có kết quả tích cực;…

Song, bên cạnh đó vẫn còn nhiều con số đáng suy nghĩ, trăn trở. Có đến 59% doanh nghiệp qua khảo sát cho biết còn gặp khó khăn trong thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 53% doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc trong thủ tục liên quan tới lĩnh vực xây dựng và quy hoạch; 43% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin quyết định chủ trương đầu tư; số doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức tuy đã giảm nhưng vẫn còn cao (trên 50%).  Thực tế đó cho thấy, ở không ít địa phương, hành trình cải cách cơ chế, chính sách đối với doanh nghiệp vẫn đang xoay quanh những việc làm còn tương đối dễ; tiến trình cải cách triển khai còn chậm, còn nhiều thủ tục phiền hà. Vì thế, rất cần có thêm những động lực mới cho những cải cách chính sách từ cơ sở và tiếp tục nâng trần đổi mới thể chế ở cấp trung ương.

Tuy nhiên, nếu chỉ có những nỗ lực hành động, kiến tạo, đồng hành từ phía Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chính quyền các địa phương thôi thì chưa đủ để doanh nghiệp vươn lên sau đại dịch. Hơn bao giờ hết, đây là lúc mỗi doanh nghiệp cần nhìn lại mình, định vị mình đang ở đâu trong dòng chảy kinh tế của đất nước, của khu vực ASEAN và thế giới. Thực tế cho thấy, trong đại dịch COVID-19 vừa qua, bên cạnh những doanh nghiệp gặp khó khăn, đình đốn sản xuất - kinh doanh, thậm chí phá sản thì vẫn có những doanh nghiệp “trong cái khó ló cái hay”, tìm nhiều cách cải tiến công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới, tiếp tục giữ vững quy mô sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động. Cũng theo Báo cáo PCI-2019,  67% doanh nghiệp cho biết đã tự động hóa một phần công việc trong 3 năm qua, khoảng 75% doanh nghiệp dự định sẽ tự động hóa các công việc mới trong 3 năm tới. Các doanh nghiệp tư nhân trong nước và các doanh nghiệp FDI dự kiến sẽ tự động hóa từ 1/4 đến 1/3 số công việc do con người đang đảm nhiệm hiện nay. Điều đó cho thấy, khi các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế đang đảo chiều, khi các chuỗi cung ứng toàn cầu được định hình lại sau dại dịch COVID -19, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải sản xuất, kinh doanh với một tinh thần năng động, linh hoạt, sáng tạo và chủ động tiếp cận công nghệ mới cao hơn trước.

Đó cũng là mong muốn chung của Chính phủ và người dân cả nước với cộng đồng doanh nghiệp tại hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp lần này.

NGUYỄN VŨ

Chia sẻ bài viết