28/12/2021 - 19:16

Nhiều nước rời xa Đài Loan 

Chính phủ Nicaragua vừa tịch thu văn phòng đại diện của Ðài Loan ở thủ đô Managua để chuyển giao cho Trung Quốc, sau khi cắt đứt quan hệ với Ðài Bắc.

Tòa nhà từng là văn phòng đại diện của Đài Loan ở Nicaragua được giao cho Trung Quốc. Ảnh: latin-american.news

Chính quyền Tổng thống Nicaragua Daniel Ortega gần đây đã chấm dứt quan hệ chính thức với Ðài Loan, chỉ công nhận Trung Quốc. Trước khi rời Nicaragua, các nhà ngoại giao Ðài Loan đã ký thỏa thuận tặng toàn bộ tài sản cho giáo phận Công giáo Managua để sử dụng chúng cho lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên, Nicaragua hôm 26-12 khẳng định những sự hiến tặng như thế không có giá trị và tòa nhà từng sử dụng làm văn phòng đại diện của Ðài Loan cùng các tài sản liên quan sẽ được chuyển cho phía Bắc Kinh. Chính quyền Tổng thống Ortega lập luận rằng động thái này phù hợp với chính sách “Một Trung Quốc” của Nicaragua, Ðài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc và do đó Bắc Kinh được quyền sở hữu số tài sản trên.

Ðáp lại, Cơ quan đối ngoại Ðài Loan chỉ trích động thái của chính quyền Tổng thống Ortega là bất chấp luật pháp và thông lệ quốc tế. “Chính phủ Nicaragua chiếm giữ bất hợp pháp tài sản của chúng tôi và chuyển giao trái phép cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được, vì thế chúng tôi bày tỏ phản đối mạnh mẽ”, Ðài Bắc nhấn mạnh hôm 27-12. Ðài Loan còn cáo buộc Nicaragua vi phạm các quy trình thông thường khi chỉ dành cho các nhà ngoại giao của hòn đảo này 2 tuần để rời khỏi quốc gia Trung Mỹ.

Nicaragua thiết lập quan hệ ngoại giao với Ðài Loan trong thập niên 1990, dưới thời Tổng thống Violeta Chamorro. Ông Ortega, đắc cử tổng thống từ năm 2007, đã duy trì quan hệ song phương cho đến khi quyết định chấm dứt hồi đầu tháng 12 này. Ðộng thái trên khiến Ðài Loan hiện chỉ còn quan hệ chính thức với 14 quốc gia.

Giới quan sát cho rằng Managua đang cần hỗ trợ tài chính từ Bắc Kinh để ứng phó các lệnh trừng phạt quốc tế gần đây. Như vậy, Nicaragua là quốc gia thứ tám chấm dứt quan hệ với Ðài Loan từ khi bà Thái Anh Văn, người từ chối công nhận chính sách “Một Trung Quốc”, trở thành lãnh đạo năm 2016. Các nước có hành động tương tự trước đó là Sao Tome và Principe, Panama, Cộng hòa Dominica, Burkina Faso, El Salvador, Quần đảo Solomon và Kiribati.

Sự cám dỗ từ Bắc Kinh

Lãnh đạo Cơ quan ngoại giao Ðài Loan Ngô Chiêu Tiếp cáo buộc Trung Quốc sử dụng chiến lược “ngoại giao đôla” để lôi kéo các nước quay lưng với họ. Ông Ngô đưa ra phát biểu này hồi giữa tháng 9-2019 khi nội các của Thủ tướng Quần đảo Solomon Manasseh Sogavare quyết định cắt đứt quan hệ kéo dài 36 năm với Ðài Loan để quay sang công nhận Trung Quốc. Thủ tướng Sogavare không ngại nói thẳng rằng Trung Quốc có nhiều khả năng hơn trong việc tài trợ vốn để phát triển hạ tầng cho Quần đảo Solomon, nơi chưa đến 50% người dân có điện sinh hoạt. Cũng như Quần đảo Solomon, Kiribati khẳng định bỏ Ðài Loan theo Trung Quốc là vì “lợi ích quốc gia”.

Trung Quốc còn bị nghi là đã trả tiền xây dựng sân vận động và thư viện quốc gia cho El Salvador sau khi đất nước Trung Mỹ từ bỏ Ðài Loan để thiết lập bang giao với Bắc Kinh hồi năm 2018. Trước đó, Ðài Loan tố Trung Quốc hứa cấp cho Cộng hòa Dominica một gói đầu tư, viện trợ tài chính và vay lãi suất thấp trị giá ít nhất 3,1 tỉ USD để cắt đứt quan hệ lâu năm với Ðài Loan.

Theo tờ Nikkei Asia, một số nước khác, bao gồm Honduras (quốc gia láng giềng của Nicaragua), cũng đang cân nhắc kết thúc quan hệ với Ðài Loan. Tân Tổng thống Honduras Xiomara Castro cam kết sẽ “dứt tình” với vùng lãnh thổ này và lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc.

HẠNH NGUYÊN (Theo AP)

Chia sẻ bài viết