08/04/2017 - 17:06

Nhiều nghi vấn qua cuộc không kích của Mỹ chống Syria

Phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) ở New York hôm 7-4, đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley đe dọa rằng nước này sẵn sàng tấn công Syria thêm nữa. "Mỹ vừa thực hiện một bước đi được tính toán rất kỹ (bắn tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat của Syria) và chúng tôi đang chuẩn bị sẽ hành động nhiều hơn, nhưng chúng tôi hy vọng điều này sẽ không cần thiết" – bà Haley cảnh báo.

Dù để ngỏ khả năng mở rộng không kích Syria, bà Haley lại nói rằng đây là thời điểm để thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm đạt được giải pháp chính trị chấm dứt cuộc chiến ở quốc gia Trung Đông này. Nhận định về chính sách của Mỹ đối với Syria sau cuộc không kích táo bạo trên của chính quyền Tổng thống Donald Trump, báo Guardian đánh giá Nhà Trắng chưa có kế hoạch gì cho những bước tiếp theo cả. Chính Thư ký báo chí Sean Spicer đã giải thích rằng cuộc tấn công trên "hoàn toàn vì các mục đích nhân đạo" (ngăn chặn Syria sử dụng vũ khí hóa học) và từ chối bình luận về số phận của Tổng thống Bashar al-Assad.

Tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, bang Florida hôm 6-4, giới lãnh đạo chóp bu Nhà Trắng họp lắng nghe báo cáo về cuộc không kích vào Syria. Ảnh: AP

Một giải pháp mạnh tay khác mà Washington có thể triển khai là cấm vận kinh tế chống Damascus. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin vừa tuyên bố các biện pháp trừng phạt kinh tế bổ sung rất quan trọng chống Syria sẽ được công bố trong một tương lai gần và Mỹ sẽ sử dụng chúng ở mức hiệu quả cao nhất.

Ngoại trưởng Rex Tillerson sẽ sang thăm Nga như dự định ngày 11-4 và đây được coi là phép thử lớn đầu tiên của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ. Ông Tillerson đã bày tỏ "sự thất vọng bởi Nga tiếp tục ủng hộ chế độ thực hiện cuộc tấn công khủng khiếp vào nhân dân của mình". Sau cuộc không kích của Mỹ, Nga tuyên bố hoãn đường dây nóng tránh va chạm trên không giữa quân đội hai nước tại Syria và thông báo đưa tàu khu trục Đô đốc Grigorovich đến Đông Địa Trung Hải, nơi hai tàu khu trục USS Porter và USS Ross Mỹ bắn Tomahawk vào Syria. Tuy nhiên, giới chức Mỹ nói đường dây này vẫn hoạt động.

Hiện thông tin về cuộc không kích bất ngờ trên làm dấy lên các câu hỏi về mục đích thực sự của Mỹ. Giới quân đội Nga nói rằng cuộc không kích có tác động quân sự "cực kỳ thấp" do chỉ có 23 trong số 59 tên lửa Tomahawk trúng căn cứ Shayrat, phá hủy 6 máy bay đang sửa chữa và một số công trình, bao gồm một kho hậu cần và một trạm phát thanh. Do Nga được Mỹ thông báo trước cuộc tấn công, nên quân đội Syria cũng nhận được cảnh báo sớm và đã kịp thời di chuyển máy bay, trang thiết bị ra khỏi căn cứ mục tiêu của Mỹ. Thậm chí có tin cho biết hai chiến đấu cơ Syria xuất kích làm nhiệm vụ từ Shayrat chỉ vài giờ sau khi căn cứ không quân này hứng chịu nhiều quả tên lửa của quân đội Mỹ.

Quân đội Syria thông báo có 6 binh sĩ nước này thiệt mạng tại căn cứ Shayrat, nơi Mỹ nhận định là địa điểm xuất kích vũ khí hóa học của Syria hôm 4-4 làm khoảng 80 người chết, bao gồm 20 trẻ em. Hãng thông tấn Sana cho biết thêm, các tên lửa của Mỹ đã rơi xuống làng Shayrat (nằm gần căn cứ không quân cùng tên) và làng Al-Manzul nằm cách đó 4km làm 9 dân thường thiệt mạng, trong đó có 4 trẻ em, và 7 người khác bị thương. Giới quân đội Mỹ thì nói họ tiêu hủy 20 máy bay cùng tất cả nhà chứa máy bay, một hệ thống phòng không và kho chứa nhiên liệu, đồng thời không xác nhận bất kỳ số thương vong nào.

Shayrat là căn cứ không quân loại nhỏ với hai đường băng, dùng để triển khai các cuộc ném bom vào miền Trung và Bắc Syria. Dù nó đóng vai trò quan trọng nhưng không mang tính sống còn đối với khả năng chống lực lượng nổi dậy của chính quyền Al-Assad. Syria còn hàng chục căn cứ không quân khác, cùng các hệ thống phòng không tinh vi và sự hỗ trợ của các lực lượng đồng minh.

Người ta có lý do nghi ngờ Mỹ dùng mũi tên tấn công Syria để hù dọa Triều Tiên và gây sức ép Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Trump tuyên bố nếu Bắc Kinh không ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển tên lửa đạn đạo và thử hạt nhân thì Washington sẽ hành động một mình. Ngoại trưởng Tillerson trước đó cũng hùng hồn tuyên bố Mỹ không loại trừ biện pháp quân sự chống Triều Tiên.

ĐỨC TRUNG (Theo AFP, AP, Guardian)

Chia sẻ bài viết