02/07/2020 - 21:08

Nhật muốn lôi kéo nhân tài Hong Kong 

Một ngày sau khi Trung Quốc ban hành luật an ninh quốc gia mới ở Hong Kong, Nhật Bản bắt đầu tìm cách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ trung tâm tài chính hàng đầu châu Á.

An ninh được thắt chặt tại Hong Kong sau khi Bắc Kinh thông qua luật an ninh. Ảnh: WSJ

Hong Kong là một trong những trung tâm tài chính quốc tế lớn trong nhiều thập kỷ, chỉ đứng sau New York (Mỹ) và Luân Ðôn (Anh). Tuy nhiên, chỉ số Trung tâm tài chính toàn cầu năm 2020 công bố hồi tháng 3 cho thấy đặc khu này đã bị Tokyo (Nhật), Thượng Hải (Trung Quốc) và Singapore vượt qua sau những bất ổn từ các cuộc biểu tình kéo dài.

Khi luật an ninh mới có hiệu lực từ ngày 1-7 và thông tin Mỹ tước quy chế đặc biệt cho Hong Kong, giới phân tích dự đoán diễn biến này sẽ ảnh hưởng đến sự tin tưởng của quốc tế đối với đặc khu. Thậm chí, biến động trên có thể vẽ lại bản đồ ngành tài chính châu Á với cơ hội tăng cường vị thế được mở ra cho nhiều nước trong khu vực. “Tuy luật an ninh mới không ảnh hưởng thị trường tài chính ngay tức thì, nhưng Hong Kong về lâu dài chắc chắn sẽ mất vị thế trung tâm tài chính quốc tế” - Chủ tịch Hiệp hội các nhà môi giới chứng khoán Nhật Bản Shigeharu Suzuki nhận định.

Với mong muốn trở thành trung tâm tài chính toàn cầu, đảng Dân chủ Tự do cầm quyền Nhật Bản bắt đầu tranh luận chi tiết về việc tạo ra môi trường phù hợp hơn cho người lao động nước ngoài, đặc biệt để thu hút các chuyên gia tài chính Hong Kong. Báo cáo đầy đủ sẽ công bố vào cuối năm nay, nhưng một trong các đề xuất được cân nhắc nhiều nhất là giải quyết rào cản thị thực và gánh nặng về thuế.

Tuy Tokyo ráo riết lôi kéo tài năng, nhưng có thực tế cần thừa nhận là Nhật Bản trước nay không phải là điểm đến ưa thích của các chuyên gia tài chính. Trong khảo sát năm 2017, xứ sở Mặt trời mọc xếp thứ 51 về mức độ hấp dẫn đối với lao động nước ngoài có tay nghề cao - thấp nhất trong số các nền kinh tế châu Á được xem xét. Trong khi đó, nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết hơn một nửa số lao động có tay nghề cao chuộng làm việc ở các nước nói tiếng Anh như Mỹ, Anh và Úc hơn.

Theo nhà kinh tế học Takuya Hoshino tại Viện nghiên cứu Dai-Ichi Life, Nhật Bản không thể tăng đội ngũ nhân tài lành nghề mà không thay đổi tập quán làm việc, điển hình như quy chế lương dựa trên thâm niên. Trong khi đó, nhiều nền kinh tế châu Á khác vẫn tiếp tục đưa ra những chính sách mới thu hút nguồn lao động chất lượng cao. Chẳng hạn như Singapore, quốc đảo này cung cấp nhiều loại visa cho các chuyên gia nước ngoài và đơn giản hóa thủ tục xin thường trú cũng như tìm việc làm. Từ năm 2018, Thái Lan cũng bắt đầu cấp “thị thực thông minh” cho phép các nhà đầu tư, chuyên gia nước ngoài trình độ cao, giám đốc điều hành ở lại nước này đến 4 năm. Trung Quốc thì có chính sách giảm thuế thu nhập và miễn thị thực cho lao động nước ngoài có chuyên môn.

Ngay sau tin Trung Quốc áp luật an ninh quốc gia đối với Hong Kong, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định nước này vẫn giữ cam kết cấp thị thực, thậm chí là quốc tịch cho gần 3 triệu cư dân Hong Kong. Nhưng Ngoại trưởng Anh Dominic Raab quan ngại lộ trình này có thể gặp khó khăn nếu Bắc Kinh cố ngăn người Hong Kong sở hữu hộ chiếu hải ngoại rời khỏi vùng lãnh thổ này.
Trong khi đó, Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm qua cho biết chính phủ của ông có thế nối gót nước Anh trong việc cấp thị thực cho công dân Hong Kong.

MAI QUYÊN (Theo Nikkei Asian Review)

Chia sẻ bài viết