11/04/2012 - 21:52

Nhất cử lưỡng tiện

Hôm qua, Tổng thống Mexico Felipe Calderon đã ghé Thủ đô La Havana thăm Cuba trước khi tiếp tục cuộc hành trình đến Colombia tham dự hội nghị thượng đỉnh Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS), dự kiến diễn ra vào cuối tuần này mà không có sự hiện diện của Cuba do chính sách cô lập của Mỹ. Đây là lần đầu tiên và có lẽ cũng là lần cuối cùng ông Calderon đến thăm Cuba trên cương vị Tổng thống Mexico bởi chỉ còn khoảng 7 tháng nữa thôi là ông kết thúc nhiệm kỳ 6 năm của mình. Luật pháp Mexico không cho phép ông tranh cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Nhưng không vì thế mà chuyến dừng chân ngắn ngủi của ông tại Cuba giảm đi giá trị.

Ông Calderon đã từng có kế hoạch sang thăm “Hòn đảo tự do” thanh bình năm 2009, nhưng bị “trục trặc kỹ thuật” sau khi Cuba buộc phải hoãn các chuyến bay qua lại giữa hai nước vào thời kỳ cao điểm của mối đe dọa dịch cúm gia cầm bùng phát khắp thế giới. Mexico và Cuba đã có mối quan hệ hữu hảo ngay từ khi vị lãnh tụ Fidel Castro làm nên cuộc cách mạng thần thánh tạo dựng nền độc lập vững bền cho đất nước vùng Caribe này năm 1959. Tuy nhiên, quan hệ hai nước đã bắt đầu rạn nứt khi nhà lãnh đạo Vicente Fox có quan điểm thân Mỹ đắc cử Tổng thống Mexico năm 2000. Vì ủng hộ Mỹ chống Cuba, hai nước có lúc phải tạm thời đóng cửa đại sứ quán của nhau năm 2004, dù vẫn duy trì quan hệ ngoại giao chính thức. Và dư luận cho rằng sự hục hặc trong quan hệ với Cuba và thái độ thân Mỹ quá mức của ông Fox là nguyên nhân khiến đảng trung tả Cách mạng Thể chế thất cử tổng thống giữa năm 2006 trước đảng Hành động Quốc gia của ông Calderon. Đối với nhiều chính trị gia Mexico, duy trì các mối quan hệ với Cuba là thể hiện chính sách độc lập, là thể diện quốc gia, không e ngại trước sức ép của siêu cường Mỹ. Hãng tin Anh Reuters cho biết đại đa số người dân Mexico rất ngưỡng mộ Fidel Castro và sự vững vàng của chính quyền cách mạng Cuba trước mọi chính sách cấm vận nghiệt ngã mà giới cầm quyền Mỹ đã áp đặt hơn nửa thế kỷ qua.

Ông Arturo Levy-Lopez, một chuyên gia về Cuba của Đại học Denver (Mỹ), nhận định: “Cuba là một biểu tượng. Cuộc cách mạng Cuba là một sự kiện lịch sử và việc phản đối chính sách bá quyền của Mỹ tại Mỹ La-tinh mang ý nghĩa chính trị quan trọng ở Mexico”. Vì thế, theo ông Levy-Lopez, việc ông Calderon chủ trương thúc đẩy quan hệ với Cuba cũng là nhằm tạo lợi thế cho ứng viên của đảng Hành động Quốc gia trong cuộc bầu cử Tổng thống Mexico vào tháng 7 tới. Thông cáo của phủ Tổng thống Mexico nêu rõ chuyến đi Cuba của ông Calderon sẽ thắt chặt “tình anh em” giữa hai nước và tạo ra một chương mới tận dụng cơ hội thương mại từ chính sách mở cửa của Cuba. Nhật báo La Jornada cho biết Mexico muốn tham gia thăm dò khai thác dầu khí tại Cuba, nơi có trữ lượng khoảng 20 tỉ thùng dầu.

Chuyến công du Cuba của ông Calderon rõ ràng là “nhất cử lưỡng tiện”!

ĐỨC TRUNG (Theo Reuters, AFP)

Chia sẻ bài viết